BỨC TRANH LƯU GIỮ TÌNH BẠN VIỆT - NHẬT VÀ CHUYẾN TRỞ VỀ ĐẤT MẸ:

Cuộc gặp chân tình

14/04/2024 06:33 GMT+7

Mười giờ rưỡi sáng ngày 23.3.2024, những vị khách Nhật đã có mặt đầy đủ tại bảo tàng dù đã bay suốt đêm hôm trước. Bức tranh được đặt trên giá trang trọng, trên bàn dài là vài cuốn sổ có dán hình ảnh và những bức vẽ nhỏ của họa sĩ Nguyễn Văn Minh để lại tặng họa sĩ Naruse.

Buổi gặp được tổ chức trang trọng và chân tình. Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, ông Trần Thanh Bình trân trọng nhận bức tranh này, trao chứng nhận cho cô Naruse Asuna thay mặt gia đình hiến tặng bức tranh.

Cô Naruse Asuna nhận giấy chứng nhận hiến tặng tác phẩm Đất mẹ âm thầm làm thay đổi những người đang yêu từ ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Bên trái là ông bà Naruse Tadahiro

Cô Naruse Asuna nhận giấy chứng nhận hiến tặng tác phẩm Đất mẹ âm thầm làm thay đổi những người đang yêu từ ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Bên trái là ông bà Naruse Tadahiro

phạm công luận

Bức tranh mang tên Đất mẹ âm thầm làm thay đổi những người đang yêu, sơn dầu trên gỗ, có kích thước 118 x 92 cm. Tên bức tranh được nêu lần đầu trong bài báo bên Nhật đăng sau cuộc triển lãm năm 1962, cảm giác như là một câu trích trong một bài thơ. Tranh có thể nhiều tầng nghĩa, nhưng hình tượng dễ nhận ra là một cô gái bận trang phục gần giống như áo dài đang đứng trước khoảnh đất mọc lên những bông hoa cúc tím và gương mặt cô khuất sau những bông hoa. Có thể phía dưới cô là một bia đá. Những bông hoa trồi lên trong lòng đất đang ẩn chứa những điều gì rất thân thiết của cô? Màu xanh tím là tông màu chủ đạo của bức tranh, buồn nhưng không u ám. Bên góc trái phía dưới là chữ Minh do tác giả ký.

Cô Naruse Asuna thay mặt gia đình phát biểu rất giản dị, chân thành cảm ơn những người đã giúp cô đưa bức tranh trở về quê hương của tác giả.

Ông Trần Thanh Bình ghi nhận: "Phần lớn các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Minh được biết đến trên chất liệu, kỹ thuật sơn mài. Tác phẩm được gia đình cô Naruse Asuna trao tặng cho bảo tàng lần này là một tác phẩm đẹp có bút pháp mạnh mẽ, giàu cảm xúc và có lẽ là một trong những bức sơn dầu hiếm hoi của họa sĩ được vẽ theo phong cách biểu hiện với gam màu lạnh đầy huyền bí. Cho đến nay, trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM chưa lưu giữ tác phẩm nào của họa sĩ Nguyễn Văn Minh, đặc biệt các tác giả, tác phẩm sáng tác giai đoạn trước năm 1975, vì thế việc tiếp nhận một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Minh là một điều vô cùng ý nghĩa. Sau khi bảo tàng có cuộc gặp gỡ với anh Phan Lê Bình và nhà báo Phạm Công Luận, chúng tôi rất xúc động về câu chuyện mà bức họa của họa sĩ Nguyễn Văn Minh sẽ được gửi gắm cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từ phía gia đình cô Naruse Asuna"

Ông Naruse Tadahiro (trái), con trai họa sĩ  Naruse Tadayuki, chụp ảnh lưu niệm bên bức tranh cùng ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Ông Naruse Tadahiro (trái), con trai họa sĩ Naruse Tadayuki, chụp ảnh lưu niệm bên bức tranh cùng ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Ông Bình cho biết sau buổi trao đổi trước đó, bảo tàng đã tiến hành họp Hội đồng khoa học để thẩm định và đánh giá tác phẩm qua thông tin, clip, hình ảnh và tài liệu được cung cấp. Bảo tàng nhận thấy, đây là một tác phẩm có giá trị về mặt mỹ thuật, tác phẩm lại gắn với tên tuổi của một tác giả nổi tiếng tại TP.HCM trước năm 1975 với nhiều tác phẩm sơn mài đã tạo nên tiếng tăm cho sơn mài Mê Linh một thời. Hiện nay, trong Hội trường Thống Nhất vẫn đang trưng bày trang trọng bức Bình Ngô đại cáo của ông. Mặc dù bức tranh sơn dầu đưa từ Nhật về đang trong tình trạng bị hư hỏng khá nặng phần bên dưới nhưng với những giá trị về mặt nghệ thuật, lịch sử, văn hóa của tác phẩm, bảo tàng mong muốn lưu giữ tác phẩm như một phần bổ khuyết cho những mảng trống trong tiến trình phát triển của mỹ thuật miền Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, để công chúng có dịp tiếp cận những di sản rất đáng trân quý này. Cuộc tiếp nhận này thật vô cùng ý nghĩa, điều đó khiến cho tình bạn của hai họa sĩ Nhật Bản - Việt Nam càng thêm phần trọn vẹn. Công chúng sẽ không chỉ quan tâm đến giá trị thẩm mỹ của tác phẩm mà còn là câu chuyện cảm động gắn liền với tác phẩm suốt hành trình từ Nhật Bản về Việt Nam. Ông hứa bảo tàng sẽ cố gắng bảo quản để tác phẩm có thể tiếp cận công chúng, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu trong thời gian sắp tới.

Sau buổi cơm thân mật trưa hôm đó, các vị khách Nhật Bản đã lên xe đến viếng thăm dinh Độc Lập. Họ muốn tận mắt xem bức tranh sơn mài lớn Bình Ngô đại cáo của họa sĩ Nguyễn Văn Minh, người bạn thân thiết của cha, ông họ.

Các vị khách Nhật chụp ảnh lưu niệm trước khi chia tay

Các vị khách Nhật chụp ảnh lưu niệm trước khi chia tay

Tôi nhớ một câu danh ngôn của Nhật đã được đọc đâu đó, đại ý: "Nụ hoa của tình bạn nở rộ, ngay cả trong chốn ngục tù! Trên bờ cát trắng nơi những con sóng tới và đi, nó sẽ mang theo những điều đó như những kỷ niệm. Chúng ta sẽ làm nó nở rộ trở lại một ngày nào đó". Hôm nay, nụ hoa của tình bạn đã nở rộ lần nữa sau hơn 60 năm trên quê hương của họa sĩ Nguyễn Văn Minh. Đất mẹ của ông đã đón nhận bức tranh trao tay từ những hậu duệ của người bạn mà ông yêu mến ngày xưa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.