Cuộc gọi rác núp bóng thương hiệu định danh

22/11/2023 05:29 GMT+7

Bên cạnh những SIM rác điện thoại nặc danh, gần đây những cuộc gọi telesale dưới thương hiệu định danh cũng thường xuyên làm phiền người dùng điện thoại.

Telesales núp bóng cuộc gọi định danh

Bức xúc trình bày với Thanh Niên, chị N.M.H (ngụ tại Q.7, TP.HCM) kể: "Thời gian gần đây tôi nhận được khá nhiều cuộc gọi có thương hiệu định danh như Viet… hay KDY…. Tuy nhiên, khi bắt máy thì đây lại là cuộc gọi rác. Trước đây, cuộc gọi rác thường chỉ hiện số lạ, tôi muốn nghe thì nghe, không thì tắt máy rồi chặn, đặc biệt là với các đầu số mới nhưng giờ đây, cuộc gọi rác, vẫn nội dung mời mua bất động sản, mời đầu tư dự án, mua bảo hiểm, chứng khoán… nhưng lại được gắn thêm định danh khiến tôi tưởng cuộc gọi quan trọng nhưng nghe xong càng bực mình thêm".

Chị Lê Minh Hồng (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng thường xuyên nhận được cuộc gọi từ đầu số có định danh là "VPS" mời đầu tư chứng khoán. "Tôi đã hết sức cảnh giác và hạn chế nghe số lạ vì sợ chào mời, lừa đảo, nhưng khi cuộc gọi định danh thì mình vẫn bị đánh lừa", chị Hồng bức xúc.

Cuộc gọi rác núp bóng thương hiệu định danh - Ảnh 1.

Hầu hết các nhà mạng đã triển khai dịch vụ định danh cuộc gọi để hợp thức SIM rác

Đinh Đang

Cùng bức xúc này, chị H.L (ngụ Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng phản ánh: "Có ngày tôi nhận được 3 - 4 cuộc gọi đều có định danh, cuộc thì gắn mác Call Center, cuộc thì gắn mác khác, rất bực bội. Nội dung cuộc gọi lúc thì mời mua bảo hiểm, lúc mời đầu tư chứng khoán quốc tế… Thậm chí còn có các cuộc gọi đòi nợ, báo vi phạm giao thông, dọa cắt thuê bao di động…nhưng lại "núp bóng" thương hiệu này nọ".

Anh Nguyễn Thái Sơn, một chuyên gia trong lĩnh vực thông tin di động, nhận định: Cuộc gọi định danh là một trong những dịch vụ đã được các nhà mạng triển khai từ khá lâu. Theo đó, tính năng Voice Brandname cho phép hiển thị tên thương hiệu (Brandname) đã được đăng ký của công ty, sản phẩm, nhãn hàng, dịch vụ trên màn hình máy điện thoại của thuê bao khách hàng khi nhận cuộc gọi đến.

Theo Nghị định 91/2020/NĐ-CP về việc chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, đúng ra tất các đầu số thực hiện cuộc gọi quảng cáo/giới thiệu sản phẩm đều phải gắn định danh tên thương hiệu và hiển thị thương hiệu khi gọi cho người dùng. Tuy nhiên, thời gian qua, dịch vụ này vẫn chưa phổ biến vì trên thị trường vẫn còn một lượng lớn SIM rác giá rẻ chưa được khai thác hết. Hiện nay các nhà mạng đang bị áp lực phải chuẩn hóa thông tin thuê bao, hạn chế SIM rác nên bắt đầu xuất hiện các cuộc gọi quảng cáo gắn tên định danh theo quy định.

"Thực tế hiện nay có không ít thuê bao trong danh sách không quảng cáo vẫn nhận được cuộc gọi quảng cáo không mong muốn. Quy định pháp luật cũng không nêu rõ tên định danh phải dễ hiểu, dễ đọc, phải thể hiện được một phần nội dung quảng cáo liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp (DN) mà được hiểu đơn giản là tên viết bằng chữ thay cho số điện thoại đơn thuần nên vẫn có những tên định danh "bí hiểm" gây tò mò người dùng như: YDK hay Call Center…, đó là những số mặc dù có tên nhưng thực ra là số "không xác định", người sử dụng điện thoại cần hết sức đề phòng để tránh bị lừa hoặc dụ dỗ, thao túng tâm lý…", vị chuyên gia cảnh báo.

3 triệu đồng để đăng ký Brandname

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hiện nay các nhà mạng đều đang triển khai cung cấp dịch vụ Voice Brandname, các đại lý cấp dưới của nhà mạng giới thiệu đây là giải pháp ngăn chặn và giảm thiểu các cuộc gọi SPAM, tăng khả năng nhận biết cuộc gọi tới khách hàng đối với đơn vị sử dụng. Người nghe có thể nhận biết cuộc gọi từ đơn vị nào đang gọi tới mình và lựa chọn nghe hoặc không nghe cuộc gọi đó.

Cuộc gọi rác núp bóng thương hiệu định danh - Ảnh 2.

Nhân viên chào mời dịch vụ đăng ký Brandname để “telesale”

Trong vai một DN đang cần đăng ký dịch vụ cuộc gọi định danh, PV tiếp xúc với một nhân viên tên C. của đại lý Viettel để được hướng dẫn. "Trước hết, anh cần phải đăng ký với Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) để được cấp giấy chứng nhận định danh của DN, sau đó bọn em mới bắt đầu cung cấp gói Brandname được". Lấy lý do không biết cách đăng ký và sợ mất nhiều thời gian, nhân viên C. gợi ý chúng tôi: "Nếu muốn nhanh hơn, anh có thể trả phí để làm dịch vụ, bọn em có người làm cho anh với giá trọn gói 3 triệu đồng, chưa kể phí lắp đặt và thuê bao hằng tháng". Nhân viên này cho biết cụ thể hơn: Chi phí setup tổng đài là 1.000.000 đồng, phí hòa mạng đầu số siptrunk: 100.000 (gán voice brandname theo tên công ty hoặc theo giấy định danh), phí hằng tháng: Gói tổng đài 5 user: 300.000 đồng (đóng trước 12 tháng), phí thuê bao số sip: 50.000 đồng (chưa bao gồm VAT). Nếu dùng nhiều số thì chi phí khởi tạo, phí duy trì nhân lên. Ví dụ 4 số thì phí khởi tạo 400.000 đồng, phí duy trì 540.000 đồng…

Khi chúng tôi hỏi thay đổi tên Brandname khác với tên DN có được không, nhân viên này ngập ngừng và cho biết phải nhìn thấy giấy đăng ký kinh doanh mới trả lời được.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, phân tích: "Dịch vụ định danh cuộc gọi được Bộ TT-TT xem là giải pháp để ngăn chặn cuộc gọi rác, lừa đảo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dịch vụ Brandname rất dễ đăng ký và sau đó vẫn ồ ạt triển khai chào mời qua telesales, thậm chí có không ít cuộc gọi, tin nhắn có gắn Brandname nhưng vẫn có thể lừa đảo thông qua các trạm BTS giả. Hiện nay các nhà mạng đang nhắm tới những DN, đơn vị có nhu cầu thực hiện những cuộc gọi thoại gán thương hiệu, chăm sóc khách hàng hay quảng cáo, chào mời dịch vụ của DN thuộc các lĩnh vực: Bất động sản, du lịch, thẩm mỹ viện, nha khoa, trung tâm Anh ngữ…Do đó, khi nào nhà mạng vẫn còn lợi ích thì khi đó cuộc gọi rác vẫn còn, chỉ là hình thức khác đi một chút mà thôi".

Không thể cấm triệt để ?

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện một nhà mạng thừa nhận: "Thực tế gần đây áp lực dẹp bỏ SIM rác, chuẩn hóa thông tin đang gây cho chúng tôi những khó khăn, và nhà mạng đã nỗ lực làm tốt theo quy định. Hiện nay các cuộc gọi nặc danh, quảng cáo bằng SIM rác cũng có dấu hiệu giảm dần. Còn đối với dịch vụ Brandname chào mời mua bán, đó là các khách hàng thực hiện theo đúng quy định và chúng tôi không có cách gì để ngăn chặn. Chúng ta không thể cấm họ đăng ký tổng đài để "chăm sóc khách hàng" hay chào mời dịch vụ, nếu không vừa ý thì người dùng có thể chặn số để không bị làm phiền nữa, chứ nếu nói cấm triệt để thì không thể cấm được".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.