Cuộc gọi rác vẫn 'dội bom' người dùng

12/04/2021 06:19 GMT+7

Chỉ giảm bớt được một thời gian rất ngắn ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 91/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực từ ngày 1.10.2020, đến nay tình trạng này bùng phát trở lại.

Ồ ạt gọi quảng cáo bất động sản, chứng khoán

Chị Hà Nguyên (Q.3, TP.HCM) cho biết những ngày gần đây chị nhận được nhiều cuộc gọi quảng cáo chào mời, môi giới bất động sản và tham gia vào các sàn đầu tư tài chính, chứng khoán quốc tế. “Rất bực mình nhưng không biết phải làm sao. Thỉnh thoảng mình nhận được tin nhắn từ nhà mạng hỏi xác nhận thuê bao đó có phải cuộc gọi rác hay không. Dù trả lời có thì số lượng cuộc gọi rác vẫn không giảm mà tiếp tục diễn ra dưới các số điện thoại khác”, chị Hà Nguyên bức xúc.
Thậm chí nhiều khách hàng đã nhắn tin, vào website của Cục An toàn thông tin đăng ký số điện thoại di động cá nhân vào danh sách không nhận cuộc gọi quảng cáo bán hàng (DoNotCall - DNC), tuy nhiên hiện mỗi ngày vẫn nhận được nhiều cuộc gọi khuyến mãi, bán hàng khắp nơi.
Chị Ngọc Ân (Q.7, TP.HCM) cho rằng những cuộc gọi quảng cáo luôn làm phiền khách hàng vì gọi bất cứ lúc nào, kể cả ngày chủ nhật, đêm khuya. Cụ thể gần đây chị hay nhận được những cuộc điện thoại mời mở tài khoản, tham gia đầu tư chứng khoán của công ty V. không chỉ từ 1 người mà liên tục có rất nhiều nhân viên khác nhau của công ty này gọi cho chị. Thậm chí ngay cả thứ bảy và chủ nhật cũng có cuộc gọi từ công ty này khiến chị không thể nào từ chối nhẹ nhàng như trước đó mà phải dùng từ ngữ nặng hơn để mong những người đó đừng làm phiền nữa. Chị Ân cũng đã đăng ký số điện thoại của mình không nhận cuộc gọi quảng cáo nhưng vẫn tiếp tục là nạn nhân của những dịch vụ này.
Đáng nói, cuộc gọi rác hiện đều xuất phát từ các số di động 10 số của các nhà mạng chứ không phải là sim “rác” 11 số như trước đây nên cũng không thể biết được quen hay lạ để từ chối ngay. Nhiều khách hàng cũng cố gắng đưa số quảng cáo vào danh sách chặn cuộc gọi trong điện thoại nhưng không ăn thua vì chặn số này thì lại xuất hiện số khác.
Chưa hết, sau khi những cuộc gọi trực tiếp bị khách hàng phản ứng gay gắt thì đã xuất hiện rầm rộ các cuộc gọi tự động. Nhiều công ty chuyển sang hình thức cài đặt sẵn nội dung quảng cáo và phát ra khi người nghe chấp nhận. Đó là chưa kể tin nhắn rác cũng xuất hiện tràn lan, thậm chí những tin nhắn về các trò chơi bài bạc trên mạng, quảng cáo các dịch vụ lừa đảo...

Nhà mạng vẫn chưa quyết liệt

Theo thông tin từ Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), sau khi triển khai giải pháp ngăn chặn cuộc gọi rác quấy rối người tiêu dùng, từ tháng 7.2020 đến tháng 2.2021, 5 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, ITelecom đã ngăn chặn được 111.694 thuê bao phát tán cuộc gọi rác. Trong đó, số lượng thuê bao bị chặn trong tháng 1.2021 là 14.646 và trong tháng 2.2021 là 7.399, thấp hơn nhiều so với tháng 11 - 12.2020. Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ thì số ngăn chặn trên vẫn còn khá thấp, như trong tháng 2, nhà mạng Viettel đã ngăn chặn được 68% tổng số cuộc gọi rác, VNPT chặn được 23%, MobiFone chặn được 8%, ITelecom chặn được 1% còn Vietnamobile chỉ chặn có 0,19%.
Với những tỷ lệ trên cho thấy việc ngăn chặn cuộc gọi rác vẫn còn quá ít so với thực tế. Một trong những giải pháp sau khi có Nghị định 91/2020 là nhà mạng nhắn tin để hỏi người dùng đó có phải là cuộc gọi rác hay không, thời gian qua thực sự chưa có hiệu quả. Nhiều người chưa kịp đọc, chưa kịp trả lời xác nhận thì tin nhắn đó đã biến mất. Một số khách hàng thắc mắc tại sao các nhà mạng không tạo ra cơ chế thuận tiện hơn để người dùng báo cáo số thuê bao phát tán cuộc gọi rác cho nhà mạng như cách người dùng Facebook, YouTube có thể chủ động báo cáo các tài khoản, nội dung vi phạm vào bất cứ lúc nào, chứ không phải chờ đến khi nhà mạng gửi tin nhắn để hỏi thì người dùng mới có cơ hội báo cáo.
Nghị định 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực từ ngày 1.10.2020 quy định các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ viễn thông có quyền đăng ký hoặc rút ra khỏi Danh sách không quảng cáo (tập hợp số điện thoại mà người sử dụng đã đăng ký là không chấp nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo nào).
Người quảng cáo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet không được phép gọi điện, gửi tin nhắn quảng cáo tới bất kỳ số điện thoại nào trong danh sách nói trên. Nếu gọi điện quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được đồng ý một cách rõ ràng; gọi điện quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo hay gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng; phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng nếu thực hiện quá 1 cuộc gọi quảng cáo tới 1 số điện thoại trong vòng 24 giờ hay gọi sau 17 giờ; phạt đến 100 triệu đồng nếu gửi tin nhắn, gọi điện quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo...
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, cuộc gọi rác, tin nhắn rác vẫn hoành hành cho thấy công tác quản lý của các nhà mạng vẫn chưa chặt. Chẳng hạn nhiều số điện thoại quảng cáo các dịch vụ lừa đảo trên Facebook, gọi quấy rối khách hàng đã kéo dài nhiều tháng nhưng vẫn tồn tại. Vì vậy người dùng vẫn có quyền nghi ngờ nhà mạng cũng không thực sự siết chặt vì sợ mất doanh thu bởi các dịch vụ quảng cáo cũng phát sinh cước cho công ty viễn thông. Vì vậy để ngăn chặn tốt hơn vấn nạn này, có thể Bộ TT-TT vẫn phải có hình thức chế tài mà không thể trông chờ vào các nhà mạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.