(TNO) Buổi lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Sư đoàn Không quân 370 trở thành cuộc hội ngộ cảm động của những phi công anh hùng nổi tiếng một thời.
Dù 9 đến giờ sáng 29.10, buổi lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Sư đoàn Không quân 370 mới bắt đầu nhưng từ 8 giờ, trung tướng - anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân đã có mặt. Ông đã có buổi gặp mặt những người đồng đội của Quân chủng Phòng không - Không quân sau nhiều năm xa cách như anh hùng Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Nghĩa, Bùi Văn Sửu, Lê Xuân Dỵ, Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Thành Út...
Dù cuộc đời binh nghiệp của mình không thuộc “biên chế” Sư đoàn 370 nhưng anh hùng Phạm Tuân lại gắn liền với rất nhiều anh hùng thuộc sư đoàn không quân nổi tiếng này. Trong đó người mà Phạm Tuân gắn bó mật thiết nhất là đại tá - anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Nghĩa, nguyên cán bộ Sư đoàn 370, sau này là Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam.
Anh hùng Phạm Tuân (ngoài cùng, bên trái) gặp lại đồng đội, tay bắt mặt mừng - Ảnh: Trung Hiếu
|
Anh hùng Phạm Tuân và Nguyễn Văn Nghĩa từng là đồng đội sát cánh bên nhau trong chiến dịch Linebacker II (trận Điện Biên Phủ trên không, kéo dài từ ngày 18 đến 31.12.1972) vang dội một thời. Ở trận chiến này, phi công trẻ Nguyễn Văn Nghĩa là người đã bắn hạ chiếc F-4 đầu tiên của Không quân Mỹ góp phần khai thông bế tắc cho lực lượng không quân Việt Nam sau 5 ngày liên tiếp không bắn hạ được chiếc máy bay nào.
Sau chiến tích của phi công Nguyễn Văn Nghĩa, liên tiếp sau đó lực lượng không quân Việt Nam liên tiếp bắn hạ nhiều máy bay của Mỹ. Đáng chú ý là rạng sáng 28.12.1972 phi công Phạm Tuân bắn rơi tại chỗ một chiếc B-52.
Tại buổi kỷ niệm còn có một nhân vật được những thế hệ phi công của Quân chủng Phòng không - Không quân ngưỡng mộ. Đó là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại tá Nguyễn Văn Bảy, biệt danh thường gọi là Bảy A. Ông là một trong 16 phi công Việt Nam đạt cấp "Ách" (Ace - danh hiệu dành cho các phi công quân sự bắn hạ được từ 5 máy bay của đối phương trở lên) trong kháng chiến chống Mỹ.
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy quê ở H.Lai Vung (Đồng Tháp). Tên thật của ông là Nguyễn Văn Hoa nhưng do là con thứ bảy trong gia đình nên theo cách gọi của người Nam Bộ cái tên Nguyễn Văn Bảy thành tên chính.
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy nhớ về những năm tháng hào hùng của đời binh nghiệp - Ảnh: Trung Hiếu
|
Năm 1953, do không chịu lấy vợ theo ý gia đình, ông Bảy bỏ trốn vào bộ đội. Năm 1954, ông theo các đơn vị quân đội tập kết ra miền Bắc. Năm 1960, Nguyễn Văn Bảy được chuyển binh chủng từ bộ binh sang không quân, theo học lớp lái máy bay phản lực ở Liên Xô. Trước đó, ông học chưa hết lớp 3, phải học ở bổ túc văn hóa. Ban đầu Nguyễn Văn Bảy học lái máy bay Yak - 52, sau đó chuyển dần lên Mig-15, Mig-17.
Trong thời gian 1965-1968, ông tham chiến trên mặt trận không đối không và bắn hạ tổng cộng 7 máy bay Mỹ gồm hai chiếc F-105 và năm chiếc F-4, được xếp hạng "Ách". Năm 1967, ông được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi còn là thượng úy.
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy chụp hình kỷ niệm với đồng đội - Ảnh: Trung Hiếu
|
Cuộc đời binh nghiệp về sau, ông Bảy dần được thăng lên hàm đại tá. Ông từng giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó tư lệnh Sư đoàn 372, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân. Năm 1989, ông Bảy nghỉ hưu và về quê ở H.Lai Vung cất chòi làm ruộng, sống cảnh điền viên với gia đình.
Năm 2011, một lần nữa ông Bảy lại nổi tiếng, được lên báo khi bất ngờ phát hiện nhiều củ khoai cân nặng từ 10 kg đến 22,5 kg tại ruộng nhà mình. Từ đây ông được bà con chòm xóm ví là "anh hùng không quân bắn máy bay Mỹ và trồng khoai mỳ cũng anh hùng".
Bình luận (0)