|
Ngày 14.11.1957, những bố già thế lực nhất của mafia Mỹ và đàn em thân tín tề tựu về thị trấn nhỏ Apalachin, bang New York để tham dự sự kiện sau này được gọi là “Hội nghị Apalachin”. Theo tạp chí Forbes, địa điểm tổ chức là điền trang rộng 52 ha của ông trùm gia đình mafia Buffalo Joseph Barbara. Mục tiêu cụ thể của hội nghị là phân chia lại địa bàn và việc làm ăn của bố già Albert Anastasia vừa bị ám sát một tuần trước đó.
Tuy nhiên, điều các ông trùm không ngờ là họ đã lọt vào ổ phục kích của cảnh sát New York phối hợp với Cục Điều tra liên bang (FBI), và gần 60 nhân vật khét tiếng đã bị bắt gọn.
Tranh giành quyền lực
Theo tờ The New York Times, bản chất thật sự của Hội nghị Apalachin xuất phát từ cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa Don Vito Genovese và liên minh Frank Costello - Charles “Lucky” Luciano để giành quyền kiểm soát gia tộc Luciano, tổ chức đứng đầu “Ngũ đại gia đình” tội ác thống trị thế giới ngầm nước Mỹ trong hàng chục năm.
Khi đó, những nhân vật nói trên đang ở đỉnh cao quyền lực và dĩ nhiên là không ai chịu ai. Genovese được xem là “trùm của các trùm” trong khi Costello có hỗn danh “Thủ tướng thế giới ngầm”, còn Luciano chính là kiến trúc sư của hệ thống phân cấp lẫn phân chia địa bàn của mafia Mỹ và là thủ lĩnh danh dự của gia tộc Luciano.
Trong giai đoạn 1951 - 1957, thế giới ngầm chứng kiến một sự biến động dữ dội với vô số các vụ thanh toán, ám sát đẫm máu. Khi đó, trong nội bộ “Ngũ đại gia đình” xảy ra các cuộc đấu đá quyết liệt và phức tạp không kém giới chính trị với các phe phái vừa bắt tay vừa chém giết lẫn nhau.
Tựu trung có thể kể đến 3 thế lực lớn nhất gồm phe bảo thủ, phe cấp tiến và nhóm Genovese. Phe bảo thủ bao gồm các ông trùm cao tuổi, trải qua phần lớn cuộc đời tại Ý trước khi đến Mỹ. Phe cấp tiến do Costello cầm đầu muốn thay thế các nguyên lão già nua.
Trong khi đó, Genovese từng là cánh tay mặt của Luciano nhưng luôn nuôi tham vọng trở thành thủ lĩnh tối cao của toàn giới mafia. Cuối cùng sau khi liên minh để đè bẹp phe bảo thủ, Costello và Genovese lập tức trở mặt với nhau. Ban đầu, Luciano đứng ngoài cuộc chiến nhưng khi cảm thấy Genovese ngày càng hung hăng và thế lực ngày càng lớn, bố già khét tiếng quyết định bí mật hậu thuẫn Costello.
Ngày 2.5.1957, Genovese sai người ám sát Costello nhưng tên này lại bắn trượt. Điều bất ngờ là tuy chỉ bị thương nhẹ nhưng Costello lại tỏ ra nhún nhường và tuyên bố từ chức lãnh đạo gia tộc Luciano. Say men chiến thắng, Genovese quyết định thủ tiêu Albert Anastasia, ông trùm khét tiếng hung hãn và là đồng minh thân cận của Costello.
Sáng 25.10.1957, Anastasia đến hiệu cắt tóc nằm trong khách sạn Park Sheraton ở khu trung tâm Manhattan để tút tát như thường lệ. Khi hắn đang thư giãn trên ghế với chiếc khăn nóng đắp trên mặt, 2 tay súng nhanh chóng ập vào xả đạn lên ông trùm. Albert Anastasia ngã lăn xuống sàn và chết trong vũng máu, theo The New York Times.
Thế là Genovese cùng các đồng minh triệu tập cuộc họp ở Apalachin để chính thức tuyên bố quyền kiểm soát tối thượng lên thế giới ngầm. Với nhiều cái cớ khác nhau như bị ốm và đang bị cảnh sát theo dõi, Luciano và Costello không có mặt.
Lộ sáng
Vào năm 1957, Apalachin vẫn còn là một ngôi làng nhỏ yên bình cách thành phố New York khoảng 233 km về hướng tây bắc. Do vậy, những chiếc xế hộp sang trọng gắn biển số từ mọi miền của Mỹ xuất hiện tại đây đã gây sự chú ý của cảnh sát.
Một đội đặc nhiệm hùng hậu bất thần ập vào điền trang của Barbara khiến không ai kịp trở tay, theo Forbes. Gần 50 người trốn thoát bằng cách lao vào rừng hoặc nhảy xuống sông, lực lượng cảnh sát New York và FBI cũng tóm được 58 tên tội phạm khét tiếng. Trong phòng hỏi cung, hầu như ai cũng một mực nói họ vất vả đường xa từ Buffalo, Rochester, Dallas, Denver và Los Angeles đến Apalachin vì thăm đồng bạn Barbara bị ốm.
Cảnh sát và phía công tố không tìm được chứng cứ nào về mục đích của cuộc họp, cũng như chứng minh được sự phi pháp của Hội nghị Apalachin. Họ buộc phải thả Genovese nhưng quyết định đẩy những người còn lại ra tòa với cáo buộc âm mưu cản trở công lý, khai man và che giấu tội ác. Dĩ nhiên các công tố viên không thể làm được gì trước những bị cáo oai vệ, đầu tóc láng mướt được hộ tống bởi đội ngũ luật sư hùng hậu và cuối cùng tất cả đều vô sự.
Tuy nhiên, Hội nghị Apalachin để lại hậu quả vô cùng tai hại đối với mafia. Đó là lần đầu tiên đại đa số công chúng Mỹ biết rõ rằng có một “con bạch tuộc khổng lồ” kiểm soát thế giới tội phạm nước này. Trước thời điểm đó, Giám đốc FBI Edgar Hoover một mực khẳng định tội phạm có tổ chức không tồn tại ở Mỹ. Mỗi khi xuất hiện trên truyền hình, Hoover chỉ nhấn mạnh “mối đe dọa đến từ cộng sản chứ không phải bọn tội phạm cò con”.
Tất cả đã thay đổi khi vụ Apalachin khiến mafia phải lộ sáng và FBI buộc thừa nhận sự tồn tại của tập đoàn tội phạm có tổ chức ở cấp quốc gia, theo Forbes. Dưới sức ép ngày càng tăng của dư luận, giới công lực Mỹ phải tập trung nguồn lực triệt phá mafia trong nhiều thập niên.
Một tháng sau Hội nghị Apalachin, Genovese bị bắt và lĩnh án 15 năm tù giam rồi chết trong tù do đau tim vào năm 1969 ở tuổi 71. Costello và Luciano đều tuyên bố về hưu nhưng vẫn duy trì ảnh hưởng từ sau hậu trường. Costello sống trong giàu có đến tận năm 1973 và qua đời năm 82 tuổi. Luciano chết sớm vào năm 1962 tại Naples, Ý.
Với sự biến mất của các bố già quyền lực nhất cộng với sức ép của chính quyền lẫn các tập đoàn tội phạm gốc Á, Đông Âu và Mỹ La tinh xuất hiện sau này, mafia Mỹ chính thức bước vào con đường thoái trào và đến nay vẫn không thể gượng dậy nổi.
Với tác động và ý nghĩa của mình, Hội nghị Apalachin trở thành một cột mốc lớn trong lịch sử chống tội phạm ở Mỹ và đã được dựng lại hoặc nhắc đến trong nhiều tiểu thuyết, bộ phim nổi tiếng về mafia như loạt Bố già hay các phim Goodfellas (1990) và Malavita (2013). Chiếc ghế cắt tóc mà Anastasia nằm trước khi chết hiện được trưng bày tại Bảo tàng mafia ở Las Vegas.
Genovese bị gài ? Theo sách Bách khoa toàn thư mafia của học giả Carl Sifakis xuất bản năm 2005, rất nhiều chuyên gia và các ông trùm sau này nghi rằng Hội nghị Apalachin là âm mưu của phe Costello - Luciano để triệt hạ Genovese. Cả hai bố già này lẫn thủ lĩnh các băng nhóm thân cận với họ từ Chicago, New Orleans, San Francisco và Detroit đều vắng mặt một cách rất đáng ngờ. Một số người đồng ý dự nhưng lại đến trễ và lập tức quay đầu xe khi thấy bóng cảnh sát. Chưa hết, nhiều người khó mà tin được chiến dịch vây bắt quy mô của cảnh sát chỉ xuất phát từ một nghi vấn nhỏ là sao có quá nhiều người tập trung ở nhà của Barbara. Cần nhớ là vào thời điểm đó, FBI rất nhùng nhằng trong việc chống tội phạm có tổ chức. Bản thân Luciano sau này cũng có lần úp mở nói cuộc họp “đã bị phá hoại”. Nếu nghi vấn này là sự thật, có lẽ những kẻ gài Genovese cũng không ngờ hành động của mình lại dẫn đến sự suy tàn của mafia. |
Thụy Miên
>> Trùm mafia Trung Quốc chối tội
>> Cảnh sát bắt giữ một trùm mafia khét tiếng của Ý ở Hà Lan
>> Trùm mafia Ý bị bắt ở Anh sau 19 năm trốn chạy
>> Colombia bắt trùm mafia châu Âu
Bình luận (0)