Bạn đọc sẽ được biết tới những nghiệt ngã của số phận và nghị lực sống của anh qua nội dung được trích từ cuốn Cuộc sống không giới hạn (NXB Tổng hợp TP.HCM, Nguyễn Bích Lan dịch) do Trí Việt - First News cung cấp và giữ bản quyền.
Đứa trẻ không có chân tay
Khi tôi chào đời vào ngày 4.12.1982, thoạt đầu mẹ không được phép gặp tôi... Mẹ tôi đếm từng giây để được nhìn thấy con mình. Đợi mãi không thấy người ta mang tôi đến, bà càng tin chắc có điều gì đó không ổn đã xảy ra.
Thay vì mang con đến cho mẹ bế, họ mời một bác sĩ nhi khoa tới và kéo nhau ra góc xa của căn phòng. Họ nhìn tôi rồi đưa mắt nhìn nhau. Khi nghe thấy tiếng khóc oa oa của một đứa trẻ sơ sinh khỏe mạnh cất lên, mẹ nhẹ cả người. Nhưng khi đó cha tôi, người cha mà trong lúc tôi chào đời đã để ý thấy con mình không có tay, cảm thấy choáng váng và người ta phải đưa ông ra khỏi phòng.
|
Nhìn thấy hình hài dị biệt của tôi, các bác sĩ và y tá không khỏi bàng hoàng, vội lấy khăn bọc tôi lại.
“Có chuyện gì vậy? Chuyện gì đã xảy ra với con tôi vậy?”, mẹ hỏi.
Thoạt đầu bác sĩ không trả lời, nhưng khi mẹ cứ khăng khăng hỏi dồn, ông ấy không còn cách nào khác hơn là trả lời mẹ bằng một thuật ngữ y khoa: “Đứa bé bị chứng phocamelia”.
Vốn là một y tá, mẹ tôi biết thuật ngữ đó dùng để chỉ tình trạng của những đứa trẻ sinh ra bị dị dạng hoặc thiếu mất các chi. Mẹ tôi không thể nào chấp nhận sự thật nghiệt ngã này.
Giữa lúc đó, người cha hốt hoảng của tôi ở bên ngoài phòng hộ sinh, tự hỏi những gì ông vừa nhìn thấy có phải là sự thật hay không. Khi bác sĩ nhi khoa đến nói chuyện, ông không kìm nén được, kêu lên đau đớn: “Con trai tôi, nó không có tay!”.
“Thực ra”, vị bác sĩ nói bằng giọng đầy cảm thông, “con trai anh không có cả tay lẫn chân”.
“Ông nói gì cơ?”. Cha không thể nào tin được.
Bàng hoàng và vô cùng đau khổ, cha ngồi như một pho tượng, không thể thốt ra được một lời nào cho đến khi bản năng che chở của một người chồng, một người cha trỗi dậy. Ông chạy vội vào phòng để nói với mẹ tôi trước khi mẹ nhìn thấy tôi, nhưng thật buồn, khi vào đến nơi cha thấy mẹ đang nằm thẫn thờ trên giường, khóc rưng rức trong đau khổ. Các nhân viên y tế đã nói cho mẹ tôi biết cái sự thật choáng váng đó. Họ đề nghị đưa tôi đến cho mẹ tôi bế, nhưng mẹ tôi từ chối. Trong những giây phút đau khổ đến xé lòng ấy, mẹ đã bảo họ hãy đưa tôi đi chỗ khác.
Các cô y tá không cầm nổi nước mắt. Bà đỡ bật khóc. Và tất nhiên tôi cũng khóc! Cuối cùng họ đặt tôi, đứa con tật nguyền đỏ hỏn được bọc trong những lớp khăn, xuống bên cạnh mẹ, và mẹ tôi không thể nào chịu đựng nổi những gì bà đang nhìn thấy: Con trai bà, đứa con đầu lòng mà bà mang nặng đẻ đau, chào đời không có tay, không có chân.
|
Thay vì mừng sự chào đời của tôi trong niềm vui, cha mẹ tôi và giáo đoàn than thở: “Nếu Chúa là đấng sáng tạo của tình yêu”, họ tự hỏi, “thì tại sao Người lại để cho một chuyện như thế xảy ra?”.
Số phận bất hạnh hay món quà của tạo hóa ?
Cha mẹ tôi là những người Cơ Đốc giáo ngoan đạo, nhưng khi tôi chào đời với thân thể khiếm khuyết đến mức ấy họ bàng hoàng lắm, không biết Chúa Trời nghĩ gì. Thoạt đầu, họ cho rằng sẽ chẳng có hy vọng và tương lai nào dành cho tôi; rằng tôi sẽ không bao giờ có thể sống một cuộc sống bình thường hay hữu ích.
Thế nhưng, cuộc sống của tôi hiện nay đã vượt quá xa những gì được hình dung ngày ấy. Hằng ngày tôi gặp rất nhiều người tôi chưa từng quen biết qua điện thoại bàn, email, qua tin nhắn trên điện thoại di động và qua mạng xã hội Twitter. Ở bất cứ nơi nào tôi tới, tại sân bay, khách sạn, ở tiệm ăn, mọi người đều nhận ra tôi, ôm chầm lấy và nói với tôi rằng bằng cách nào đó tôi đã tác động tích cực đến cuộc sống của họ. Tôi thực sự hạnh phúc. Tôi hạnh phúc đến ngẩn ngơ.
Điều mà ngày ấy bản thân tôi và gia đình không thể tiên lượng được là khuyết tật của tôi - “gánh nặng” của tôi - lại chính là một món quà, mang đến những cơ hội vô giá để tôi được gặp gỡ, cảm thông và thấu hiểu nỗi đau của những người khác, và an ủi họ.
Kẻ “lạc loài” nơi trường lớp
Bạn biết đó, ai bước vào giai đoạn tuổi mới lớn cũng đều bỡ ngỡ và chênh chao, còn tôi, tôi hoàn toàn thất vọng về bản thân mình và cảm thấy mình sẽ không bao giờ là một người “bình thường” được. Không thể giấu đi đâu cái sự thật rằng cơ thể của tôi không giống như các bạn cùng lớp. Tôi đã cố gắng thực hiện các hoạt động rất bình thường như bơi lội, trượt ván, nhưng làm như thế chỉ càng khiến tôi ý thức rõ hơn rằng mình sẽ không bao giờ làm được những việc giản đơn mà hầu hết mọi người hiển nhiên đều làm được.
Dù có cố gắng bao nhiêu chăng nữa tôi cũng không thể ngăn được một số đứa trẻ tàn nhẫn gọi tôi là “quái vật”, là “người ngoài hành tinh”. Tất nhiên, tôi là một con người và tôi mong muốn mình được giống như mọi người, nhưng dường như có rất ít cơ hội để tôi đạt được khát khao đó. Tôi cảm thấy mình không được chào đón trong cuộc đời này. Tôi muốn được chấp nhận. Nhưng không thể. Tôi muốn được hòa nhập. Nào có được đâu. Tôi thật sự bế tắc.
Lòng tôi quặn thắt. Tôi chán nản, hay nghĩ quẩn và không tìm thấy lẽ sống cho cuộc đời mình. Tôi cô đơn ngay cả khi ở trong vòng tay của gia đình và bè bạn. Tôi lo rằng mình sẽ mãi là gánh nặng cho những người tôi yêu thương.
Với hơn 1.600 bài phát biểu hùng hồn, Nick giờ đã trở thành một nhà diễn thuyết nổi tiếng, đã truyền cảm hứng vươn lên từ khó khăn cho hàng triệu người tại 24 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Anh đã trở thành ngọn đuốc sống "cháy" hết sức mãnh liệt trên toàn cầu. Chàng trai sinh năm 1982 này đã vinh dự được trao giải thưởng “Công dân trẻ nước Úc” nhờ sự vững gan bền chí của mình trong nỗ lực vượt lên số phận. |
Nick Vujicic
Bình luận (0)