Phải thú thật rằng trong một thời gian dài tôi đã không tin mình có bất kỳ năng lực nào để kiểm soát diễn tiến của cuộc đời mình. Tôi đã ráng sức để tìm hiểu xem mình có ý nghĩa gì trong thế giới này hoặc con đường nào mình nên đi. Khi còn chưa thực sự trưởng thành, tôi tin rằng với hình hài dị biệt như thế thì chẳng có điều gì tốt đẹp chờ đợi tôi hết.
|
Gia đình lớn của tôi không thể lúc nào cũng ở bên cạnh để che chở cho tôi được. Một khi tôi đã bước chân đến trường là chẳng thể giấu đi đâu được cái sự thật rằng tôi rất khác biệt so với mọi người. Cha tôi quả quyết với tôi rằng Chúa không hề sai lầm, nhưng nhiều lúc tôi không thể rũ bỏ được cái cảm giác rằng tôi là một ngoại lệ của quy luật đó.
“Tại sao Người không thể cho con dù chỉ một cánh tay thôi!”, tôi thường hỏi Chúa. “Hãy thử tưởng tượng những gì con có thể làm nếu con có một cánh tay!”.
Kế hoạch tự tử
Một hôm tôi đang ngồi trên mặt chiếc bàn quầy rất cao ở trong bếp nhìn mẹ nấu bữa tối - một thói quen giúp tôi tìm thấy sự an ủi và thư giãn - thì những ý nghĩ tiêu cực bỗng ập đến, tôi muốn ném mình xuống khỏi mặt bàn. Tôi nhìn xuống bên dưới, nghĩ rằng mình sẽ lao xuống, nhưng rồi nỗi sợ hãi lấn át sự tuyệt vọng nên tôi ngưng lại. Lúc bấy giờ tôi đang vật lộn với cảm giác tuyệt vọng, rằng cuộc đời tôi rồi đây sẽ vô cùng khó khăn. Chúa dường như không đáp lại lời nguyện cầu của tôi. Nhìn mẹ làm việc trong nhà bếp, tôi bỗng nhiên không muốn trở thành gánh nặng của bà.
Thế là ý định quăng mình xuống lại tiếp tục tấn công tôi. Tôi loay hoay tính toán xem mình nên lao xuống phía nào, để đảm bảo rằng tôi sẽ gãy cổ và chết ngay tức thì. Nhưng rồi tôi tự bảo mình rằng tôi không nên làm thế, chủ yếu bởi vì nếu ném mình xuống mà không chết thì sẽ phải giải thích tại sao tôi lại thất vọng đến nhường ấy. Cái lần tôi suýt nữa tự hủy hoại mình đó quả là đáng sợ. Đáng lẽ nên nói cho mẹ biết tôi đang nghĩ gì, nhưng tôi ngại. Tôi không muốn làm mẹ hoảng sợ.
Khi ấy tôi còn nhỏ, và mặc dù được sống giữa những người yêu thương mình, tôi đã không tìm đến họ để tâm sự về nỗi lòng của mình. Tôi có những nguồn giúp đỡ và sẻ chia, nhưng tôi đã không sử dụng những nguồn ấy, và đó là một sai lầm... Nhưng lúc đó trong lòng tôi tràn ngập tuyệt vọng. Khi ấy tôi đã quyết định rằng để chấm dứt mọi nỗi đau khổ, tôi nhất định phải kết thúc cuộc sống của mình.
Một buổi chiều sau khi tan học, tôi hỏi mẹ rằng liệu bà có thể giúp đưa tôi vào bồn tắm để tôi dầm nước một lúc không. Khi mẹ ra khỏi phòng tắm, tôi bảo mẹ đóng cửa lại. Sau đó tôi ngâm mình xuống nước, ngâm đến tận tai. Trong im lặng, những ý nghĩ rất nặng nề, u ám lan tràn. Tôi đã lên kế hoạch cho việc tôi muốn làm từ trước.
Nếu Chúa không mang nỗi khổ đau của tôi đi và nếu không có mục đích nào dành cho tôi trong cuộc đời này... nếu tôi tồn tại trên đời này chỉ để chịu đựng sự xa lánh và cô đơn... nếu tôi là gánh nặng cho mọi người và tôi không có tương lai... thì tôi nên kết thúc cuộc sống của mình ngay bây giờ.
Ở trong bồn tắm, tôi cố gắng tính xem có thể giữ được bao nhiêu không khí trong phổi trước khi tôi lật úp người xuống. Mình có thể nín thở trước khi mình lật úp người xuống không? Mình sẽ hít vào một hơi thật sâu, hay chỉ hít vào nửa chừng thôi? Mình có nên thở ra rồi hãy lật người không?
Cuối cùng tôi cứ lật người và úp mặt mình xuống nước. Theo bản năng, tôi giữ hơi. Bởi vì phổi của tôi rất khỏe, nên tôi giữ được người mình nổi được một lúc lâu.
Khi trong phổi tôi đã cạn không khí, tôi lại lật người lên.
Mình có thể làm được việc đó rồi.
Nhưng những ý nghĩ u ám vẫn bám lấy tôi: Mình muốn thoát khỏi cuộc đời này. Mình chỉ muốn biến mất khỏi thế giới này.
Tôi trút hết không khí trong phổi ra và lại lật úp người xuống một lần nữa. Tôi biết mình có thể giữ hơi được ít nhất mười giây, vậy nên tôi đếm...10... 9... 8... 7... 6... 5... 4... 3...
Trong khi tôi đếm, một hình ảnh vụt hiện trong đầu tôi: hình ảnh cha mẹ tôi đang đứng trước mộ tôi khóc trong đớn đau. Tôi nhìn thấy đứa em trai bảy tuổi, Aaron, cũng đang khóc. Tất cả những người thân yêu nhất của tôi đều đang khóc và nói rằng đó là lỗi của họ, rằng lẽ ra họ phải làm được nhiều hơn cho tôi.
Tôi không thể nào chịu đựng nổi cái ý nghĩ bỏ lại những người thân của mình, để họ đau khổ và tự dằn vặt bản thân về cái chết của tôi trong suốt phần đời còn lại.
Mình ích kỷ quá.
Tôi vội lật người lên và hít vào một hơi thật sâu. Tôi không thể làm điều đó. Tôi không thể để lại cho gia đình mình gánh nặng của sự mất mát và cảm giác có lỗi.
“Hãy khuấy nó lên!”
Trong một thời gian dài đến khó tin, tôi đã nghĩ rằng nếu cơ thể tôi “bình thường” hơn thì cuộc sống sẽ dễ dàng biết bao. Điều mà tôi không hiểu là tôi không nhất thiết cứ phải là người bình thường, tôi chỉ cần là chính tôi... Ban đầu tôi không sẵn sàng đối mặt với sự thật rằng điều thực sự tồi tệ không phải là những khiếm khuyết về thân thể của tôi, mà là những giới hạn mà tôi tự đặt ra cho mình và tầm nhìn hạn hẹp về các khả năng có thể xảy ra trong cuộc sống.
Nếu bạn không được ở vị trí mà bạn mong muốn hoặc không đạt được những gì bạn hy vọng đạt được, thì nhiều khả năng lý do không nằm ở xung quanh bạn, không nằm ở bên ngoài bạn mà ở trong chính bản thân bạn. Hãy nhìn nhận trách nhiệm một cách sáng suốt và sau đó hãy hành động. Tuy nhiên, trước hết bạn phải tin tưởng vào bản thân mình và giá trị của mình. Bạn không thể ngồi đó đợi người khác phát hiện ra cơ may giúp bạn. Bạn không thể ngồi yên chờ đợi điều kỳ diệu xảy ra hoặc chờ đợi “cơ hội thích hợp”. Bạn nên coi mình là chiếc đũa và thế giới là nồi thịt hầm của bạn. Hãy khuấy nó lên!
Nick Vujicic
Bình luận (0)