Cuộc sống mới trên đồng cỏ bàng

22/12/2011 09:37 GMT+7

Dự án đồng cỏ bàng được triển khai từ năm 2004 tại xã Phú Mỹ (H.Giang Thành, Kiên Giang-gọi tắt là DA Phú Mỹ), do Hội sếu Quốc tế (ICF) tài trợ 470 ngàn USD nhằm mục đích đầu tư khai thác bền vững đồng cỏ bàng, kết hợp bảo tồn và phát triển nghề đan bàng truyền thống, giúp người dân thoát nghèo.

Dự án đồng cỏ bàng được triển khai từ năm 2004 tại xã Phú Mỹ (H.Giang Thành, Kiên Giang-gọi tắt là DA Phú Mỹ), do Hội sếu Quốc tế (ICF) tài trợ 470 ngàn USD nhằm mục đích đầu tư khai thác bền vững đồng cỏ bàng, kết hợp bảo tồn và phát triển nghề đan bàng truyền thống, giúp người dân thoát nghèo.


Công nhân đan giỏ bàng - Ảnh: Hồng Cúc

Đồng cỏ bàng tập trung ở 3 ấp Tà Phọt, Kinh Mới và Trần Thệ. Trước đây, người dân tự do khai thác đồng cỏ bàng tự nhiên này để đan cà ròn, đệm, giỏ bàng và bán nguyên liệu cho các địa phương khác có làm nghề thủ công truyền thống này. Việc khai thác tự nhiên mà không bảo tồn, khiến đồng cỏ bàng bị cây mai dương (lọai cây có hại cho đất trồng trọt, nông nghiệp) xâm lấn dần. Trước nguy cơ mất đồng cỏ bàng- nơi hằng năm sếu đầu đỏ về sinh sống, Hội sếu Quốc tế kết hợp với địa phương lập dự án nhằm bảo vệ đồng cỏ bàng, nâng mức sống cho người dân địa phương bằng việc khôi phục nghề đan thủ công truyền thống. Qua 3 giai đoạn thực hiện DA, cánh đồng cỏ bàng và tràm tự nhiên rộng hơn 1.200 ha được bảo tồn và phục hồi. Đàn sếu đầu đỏ tăng dầnqua từng năm…

Ngoài ý nghĩa về môi trường, hiệu quả rõ nét nhất mà dự án  mang lại chính là việc giúp hơn 100 hộ nghèo trong vùng (chủ yếu là bà con dân tộc Khmer) nâng cao thu nhập thông qua nghề đan bàng truyền thống. Ông Hà Trí Cao, điều phối viên DA Phú Mỹ cho biết, hiện có trên 500 công nhân được đào tạo nghề, trong đó hàng trăm người có khả năng làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, DA Phú Mỹ còn giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 300 hộ với gần 1.000 lao động địa phương. Nhóm công nhân lành nghề có thu nhập từ 1,2 - 3,4 triệu đồng/người/tháng (khi chưa có DA, chỉ có 200-300 ngàn đồng/người/tháng)…

Cũng theo lời ông Hà Trí Cao, những sản phẩm cỏ bàng đan thủ công ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Một số trường đại học tại TP. HCM thường xuyên đặt hàng túi sơ mi công sở, túi đựng máy tính xách tay, túi đựng viết học sinh, giỏ xách, nón... Nếu năm thứ nhất (2005) DA sản xuất được 120 ngàn nón, 40 ngàn giỏ xách, thì đến nay đã tăng lên  1,2 triệu nón và 400 ngàn giỏ xách. Ngòai ra, hiện đã có trên 500 mẫu sản phẩm làm từ cỏ bàng được xuất sang các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.  Nhờ thị trường ngày càng được mở rộng, đời sống người dân ngày một nâng cao nên gần đây, thêm hơn 200 hộ ký hợp đồng với DA, mỗi hộ có từ 3-5 lao động. “Từ chỗ sống heo hút nơi đồng sâu, phải làm mướn quanh năm; nghèo khó, ngại tiếp xúc với người lạ … nay đồng bào Khmer Phú Mỹ nói riêng, huyện Giang Thành nói chung đã làm việc theo tác phong công nghiệp: đúng giờ, lao động tập thể, giao tiếp xã hội rộng hơn; đồng bào Kinh, Khmer đoàn kết gắn bó hơn từ môi trường lao động này”, ông Hà Trí Cao đúc kết.

Hiện bình quân thu nhập của công nhân trong vùng dự án từ  40-60 ngàn đồng (làm việc từ 7-17 giờ), cao hơn nhiều lần so với trước đây. Chị Thị Dung, công nhân đan, vui vẻ nói: “Bây giờ làm có tiền nhiều, ham lắm. Cả nhà lại biết tiện tặn nên đã cất được nhà mới rồi, không còn phải ở nhà lá lụp xụp nữa”. Còn gia đình anh Tiên Kuôl, trước đây phải làm thuê mướn vất vả, giờ vợ chồng anh đã có thu nhập ổn định mỗi tháng 3,4 triệu đồng từ nghề ép bàng, vợ thì làm công nhân may.

Nhờ đời sống được cải thiện, người dân Phú Mỹ đã chung sức bảo vệ đồng cỏ bàng như bảo vệ chính “nồi cơm” của mình. Tiến sĩ Trần Triết, đại diện Chương trình Đông Nam Á- Hội Sếu quốc tế tại Việt Nam, nhận xét: “Đây là thắng lợi lớn của việc gắn bảo tồn thiên nhiên với nâng cao đời sống người dân bằng bảo tồn nghề thủ công truyền thống”.


Những sản phẩm đan bằng cỏ bàng - Ảnh: Hồng Cúc

Hồng Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.