Thức xuyên đêm, phơi nắng 40 độ C chặn dịch
Hơn 3 giờ sáng, sau 7 giờ làm việc liên tục, những nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở P.Hưng Dũng (TP.Vinh) được ít phút nghỉ ngơi và họ ngả người trên vỉa hè để chợp mắt trong chốc lát. Đây là đêm thứ hai, hơn 600 nhân viên y tế thức thâu đêm để lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc người bị nhiễm Covid-19. Trong cái nóng hầm hập, họ vẫn phải khoác bộ đồ bảo hộ kín mít, miệt mài làm việc trong môi trường rất dễ bị lây nhiễm.
Gần 12 trưa, nắng như đổ lửa. Gió phơn tây nam thổi khô khốc, hắt hơi nóng hầm hập bốc lên từ mặt đường nhựa khiến da mặt bỏng rát. Trái ngược với không gian vắng vẻ bên trong thành phố, tại chốt phong tỏa cửa ngõ lớn nhất trên đường Thăng Long (qua xã Nghi Liên, TP.Vinh), một nhóm chiến sĩ công an, dân phòng làm việc như con thoi. Hết kiểm tra giấy tờ đến đo nhiệt độ cơ thể của tài xế.
Đó là những bệnh nhân vừa được xuất viện trở về nhà, những chiếc xe tải ra vào giao hàng hoá, những người có công việc khẩn cấp được lệnh rời khỏi thành phố, và cũng có những người muốn ra khỏi thành phố vì lý do cá nhân. Nhưng, ngoài những tài xế chở hàng hóa, chỉ những ai có trong tay giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính, có lệnh điều động của cơ quan chức năng mới được rời thành phố, còn lại đều buộc phải quay lại.
TP.Vinh đang có nhiều ổ dịch, chưa kiểm soát hết nguồn lây nhiễm nên việc hạn chế tối đa người ra khỏi thành phố để tránh nguy cơ lây lan dịch là điều quá cần thiết. Ở chiều ngược lại, những xe chở hàng vào thành phố được phân luồng sang khu vực khai báo y tế và sẽ được phép vào với điều kiện nếu quay ra phải có giấy xét nghiệm âm tính với dịch Covid-19 và phải cách ly tại địa phương 21 ngày. Bên lề đường, trong cái lều bạt dã chiến, các hộp cơm là bữa ăn trưa của những người canh chốt đang xếp chồng lên nhau.
Gạt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt đen sạm vì nắng táp, đại úy Nguyễn Bảo Trung (Công an TP.Vinh) nói, ở cửa ngõ này, lúc nào cũng đông vì nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá thiết yếu ra vào thành phố rất lớn. Chỉ cần kiểm tra chậm trễ hoặc có người cố tình gây sự là tắc đường. Không phải tài xế nào muốn ra vào cũng chấp hành tốt quy định phòng, chống dịch. Nhiều người vẫn cố đôi co để được ra khi không chứng minh được đang trên đường đi lấy hàng hóa chở vào thành phố.
Nằm trơ trọi giữa con đường ven sông Lam, không một bóng cây, chốt phong tỏa Hưng Hòa (xã Hưng Hòa, TP.Vinh) như nằm giữa sa mạc. “Nóng lắm, nhất là thời điểm từ 11 giờ đến 4 giờ chiều, nhựa trên mặt đường cũng tan chảy”, thượng úy Phạm Văn Đại, một chiến sĩ trực chốt, nói. Dù mới được trang bị 1 phòng container gắn máy lạnh để bên cạnh chốt, nhưng 4 chiến sĩ trực chốt ở đây vẫn rất ít khi sử dụng vì sợ sốc nhiệt khi ra vào. Nhiệt độ trong phòng dưới 30 độ, nhưng ngoài trời vào buổi trưa và chiều mấy ngày qua luôn trên 40 độ C.
Mỗi ngày, 3 chiến sĩ công an và 1 dân quân tự vệ ở mỗi chốt phong tỏa đều phải làm việc 12 tiếng đồng hồ. Hết thời gian lại đến 4 chiến sĩ khác đến thay, trực 24/24 giờ, chưa ngày nào được nghỉ. Do phải tiếp xúc với nhiều người, nguy cơ lây nhiễm cao nên tất cả họ đều phải cách ly ở khách sạn, không được về nhà. Có 13 chốt phong tỏa ở các cửa ngõ ra vào TP.Vinh đều phải thực hiện quy định như thế.
Tình người trong vùng phong tỏa
Hàng chục bệnh nhân chạy thận phải ở trọ để duy trì sự sống ở TP.Vinh bất ngờ gặp khó khi đến bệnh viện để lọc máu phải trải qua bước kiểm tra sàng lọc nhanh Covid-19 theo quy định của bệnh viện. “Chúng tôi quá khó khăn, giờ mỗi lần lọc máu phải mất gần 240.000 để kiểm tra khiến chúng tôi không thể trụ được nữa”, một bệnh nhân buồn bã nói với phóng viên. Phải đến sáng 23.6, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An mới yêu cầu các bệnh viện không được thu tiền kiểm tra Covid-19 của bệnh nhân chạy thận mà tìm nguồn khác để thay thế, những người chạy thận mới trút bỏ được gánh nặng chi phí phát sinh thêm dịp Covid này.
Trung tâm Huyết học truyền máu Nghệ An cho biết, hàng chục bệnh nhân đang rất cần máu ở đây để duy trì sự sống cũng đang đối mặt với nguy hiểm khi lượng máu dự trữ đang cạn dần. Nguồn máu bổ sung rất khó khăn vì dịch Covid-19 khiến các đợt hiến máu phải dừng lại, người đến hiến máu cũng rất ít vì đang phải phong tỏa để phòng, chống dịch.
Trong vòng phong tỏa TP.Vinh, những khu phố có người nhiễm Covid-19 đều bị phong tỏa một lần nữa. Sống trong khu vực 2 vòng phong tỏa, những người dân bị hạn chế tối đa việc đi ra ngoài, trừ khi quá cần thiết. Hàng quán, cửa hàng đóng cửa im lìm, đường phố, ngõ hẻm vắng lặng.
Chợ Vinh, nơi có hàng ngàn người buôn bán hàng ngày, từ trưa 23.7 cũng phải phong tỏa, ngừng mua bán khi phát hiện 1 tiểu thương nhiễm dịch Covid-19. Có 3 khu phố ở P.Hưng Dũng, nơi phát hiện ca nhiễm Covid-19 thứ 2, bị phong tỏa, hàng chục sinh viên ở trọ bị kẹt lại, không còn thực phẩm để sử dụng. Từ lời kêu gọi trên mạng xã hội của một số người trong vùng phong tỏa, người dân từ bên ngoài đã mang rất nhiều rau, củ quả và các loại thực phẩm khác đến tiếp tế.
Tại chốt phong tỏa Hưng Hòa, sáng sớm nào, người dân ở gần đó đều mang đồ ăn sáng, trái cây đến tiếp tế cho các chiến sĩ trực chốt. Sáng 23.7, một cụ già lọ mọ đi ra chốt, nói: “Nhà mẹ có 1 con gà, các con thích ăn món luộc hay nấu cháo để mẹ làm?”.
TP.Vinh đã có 27 ca nhiễm Covid-19 sau 10 ngày dịch xuất hiện. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 Nghệ An, dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp, khó lường vì nhiều ca nhiễm vẫn chưa xác định được nguồn lây. Và ngày TP.Vinh chấm dứt phong tỏa vẫn chưa thể đoán định.
Bình luận (0)