Cước tàu biển khó giảm sâu

24/07/2024 06:19 GMT+7

Cơn sốt giá cước tàu vận tải biển có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều cảng biển quan trọng bớt ách tắc nhưng áp lực chi phí vẫn đè nặng các doanh nghiệp khi đang vào mùa cao điểm vận chuyển trong năm.

Xuất khẩu khởi sắc, cước tàu giảm nhẹ

Theo báo cáo mới nhất của Linerlytica - một hãng tư vấn vận tải biển ở Hồng Kông (Trung Quốc): Giá cước trên các thị trường tương lai trong tuần qua giảm. Cụ thể, ngày 5.7, giá cước vận chuyển container từ Thượng Hải đến Bắc Âu giảm nhẹ 0,5% so với tuần trước đó. Đây là mức giảm hằng tuần đầu tiên trong đợt tăng giá kể từ giữa tháng 4. Nguyên nhân là do công suất vận chuyển hiệu dụng trung bình giảm trong hai tuần liên tiếp trước đó. Trên các tuyến vận chuyển Á - Âu, các hãng tàu cũng cung cấp nhiều không gian hơn trong tháng 7. Theo Linerlytica, có một thông tin tích cực là cước tàu có thể đã đạt đỉnh trong tháng 7, ít có khả năng tăng thêm và có thể quay đầu giảm.

Cước tàu biển khó giảm sâu- Ảnh 1.

Cơn sốt cước tàu biển có thể hạ nhiệt nhẹ vào tháng tới

Đào Ngọc Thạch

Cước tàu biển bất ngờ tăng mạnh trong tháng 5 - 6 ảnh hưởng hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều ngành hàng và doanh nghiệp (DN) VN. Nguyên nhân của đợt tăng cước này là do hàng hóa từ Trung Quốc được vận chuyển sang Mỹ tăng đột biến nhằm đối phó với việc Mỹ tăng thuế lên nhiều loại hàng hóa từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1.8. Không chỉ cước tàu tăng gấp đôi, mà để đặt được tàu hoặc container rỗng nhiều DN VN cũng gặp khó khăn. Không ít DN VN và đối tác phải chọn cách kéo dài thời gian giao nhận hàng sau tháng 8 với kỳ vọng sau cao điểm Mỹ - Trung, cước sẽ giảm.

Trả lời Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Kim Huyền, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Global Maritime Services, xác nhận: "Cước tàu đang giảm nhẹ. Nhưng cần phải tiếp tục theo dõi và cập nhật thêm các thông báo mới từ các hãng tàu".

Liên quan việc ách tắc từ một số cảng biển lớn, ông Đặng Đình Long, Tổng giám đốc Công ty Logistics Mega A (TP.HCM), cho biết: Cảng lớn nhất trong khu vực là Singapore, bình thường tàu vào cầu cảng chỉ phải đợi từ 8 - 12 giờ đồng hồ nhưng vừa qua do lượng tàu và hàng hóa tăng đột biến nên thời gian chờ lên tới 24 thậm chí là 36 giờ. Tuy nhiên gần đây mức độ ách tắc có giảm bớt.

Bất chấp cước tàu tăng, trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu của VN tăng trưởng tốt. Một trong những lĩnh vực đáng chú ý là gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 7,4 tỉ USD tăng đến 22,2% so với cùng kỳ năm 2023 hay giày dép đạt gần 11 tỉ USD tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển sản xuất - thương mại Sadaco (TP.HCM), cho biết: Đối với sản phẩm gỗ, cước vận tải là một phần quan trọng cấu thành nên giá thành sản phẩm do kích thước và trọng lượng đặc biệt của nó. Căng thẳng Mỹ - Trung chỉ là một phần trong việc đẩy cước tàu tăng mạnh thời gian vừa qua. Những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cước tàu như căng thẳng Biển Đỏ, địa chính trị bất ổn nhiều nơi khiến các hãng tàu phải đi đường vòng. Điều này là một phần lý do khiến cho khách không dám đặt những đơn hàng lớn như trước. So với năm 2023 thì năm nay hoạt động thương mại có phần khởi sắc hơn nhờ lượng đơn hàng tăng ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, so với những năm trước thì thị trường hiện nay có nhiều thay đổi khi không có đơn hàng lớn. Khách chủ yếu đặt đơn nhỏ, yêu cầu cao về chất lượng mẫu mã. Chính vì vậy, DN phải tốn nhiều chi phí đầu tư vào khâu sản xuất hơn, khiến lợi nhuận giảm. Cộng đồng DN nói chung vẫn đang phải nỗ lực rất nhiều để thích ứng với những thách thức hiện tại.

Tương tự, một số DN thủy sản cho biết so với năm 2023, hoạt động xuất khẩu khởi sắc nhưng nhiều khó khăn mới lại xuất hiện. Đặc thù của ngành thủy sản cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác là cần có container lạnh và thời gian vận chuyển là rất quan trọng. Việc thay đổi hướng tuyến hay phương thức vận chuyển sẽ khó khả thi vì liên quan đến quy trình vận chuyển và cước phí. Mặt khác, việc vận chuyển lại phụ thuộc chủ yếu vào các hãng tàu quốc tế nên rất khó ứng phó.

6 biện pháp thích ứng

6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của VN đạt 368 tỉ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 190 tỉ USD, tăng 14,5%; ở chiều ngược lại kim ngạch nhập khẩu đạt 178 tỉ USD, tăng 17%. Cán cân thương mại thặng dư 11,6 tỉ USD. Những con số trên phản ánh tín hiệu tốt của nền kinh tế, đặc biệt là so với năm 2023. Trong 6 tháng cuối năm cũng là mùa cao điểm của hoạt động sản xuất kinh doanh, các DN đang nỗ lực tăng tốc để đạt các mục tiêu tăng trưởng. Một trong những vấn đề cần giải quyết là giảm chi phí sản xuất trong đó có vấn đề liên quan tới cước tàu.

Theo Bộ Công thương, để ứng phó với cước tàu biển tăng mạnh có 6 giải pháp.

Đầu tiên là các hiệp hội ngành hàng, logistics, chủ tàu, đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải tập hợp DN hội viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch vận chuyển, kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hóa làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu tối đa tác động của giá cước, phụ phí trong giai đoạn thị trường quốc tế nhiều diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay.

Thứ hai, phân luồng hàng hóa và tuyến đường thay thế: Bên cạnh tuyến đường biển hiện tại, DN xuất nhập khẩu với châu Âu có thể xem xét các tuyến đường thay thế, trong đó có tuyến đường vận tải đa phương kết hợp, đi đường biển đến các cảng ở Trung Đông, sau đó đi đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ sang châu Âu.

Thứ ba, tăng cường tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các hiệp định này.

Thứ tư, các DN xuất nhập khẩu phối hợp với cơ quan hải quan, DN khai thác cảng đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hóa tồn đọng tại các cảng, góp phần thúc đẩy luồng hàng lưu thông và nâng cao năng lực xử lý hàng hóa tại cảng.

Thứ năm, hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực đàm phán hợp đồng mua bán, hợp đồng bảo hiểm.

Thứ sáu, xây dựng kế hoạch phòng ngừa và phản ứng nhanh trước các sự cố phức tạp, rủi ro tương tự trong tương lai.

Cao điểm của cơn sốt cước vận tải liên quan tới Mỹ - Trung có thể qua, nhưng hiện tại lại bước vào giai đoạn mùa vận chuyển cuối năm. Các nhà thương mại tích cực chuẩn bị hàng cho mùa mua sắm cuối năm ở Mỹ và EU nên nhu cầu vẫn cao và khả năng giá cước khó giảm sâu.

Ông Đặng Đình Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.