Ông Monti phải cam kết từ chức thì mới giành được sự ủng hộ của những dân biểu thuộc phe của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đối với việc thông qua kế hoạch trên. Việc thực hiện cam kết còn là cách giúp ông Monti gây dựng vị thế thuận lợi nhất cho trường hợp tham gia cuộc tổng tuyển cử tới.
Tuy nhiên, Ý lại lâm vào khủng hoảng chính phủ. Trong hơn một năm cầm quyền vừa qua, ông Monti làm được một số việc nhằm đưa Ý thoát khỏi khủng hoảng. Thế nhưng, những dự định cải cách chưa làm được còn nhiều hơn. Thậm chí, những gì đã làm được lại đang đứng trước nguy cơ bị đảo ngược.
Cuộc tổng tuyển cử sắp tới được tiến hành theo luật bầu cử cũ vốn do cựu Thủ tướng Berlusconi nhào nặn với mục đích không đảng nào có thể thành lập được chính phủ liên hiệp mới nếu bỏ qua vai trò của phe ông. Phe trung tả không giấu giếm chủ định nếu thắng cử sẽ lật lại những cải cách xã hội và lao động mà ông Monti đã tiến hành. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất ở Ý đều cho thấy phe trung tả sẽ trở thành phe phái lớn nhất trong quốc hội tới. Như vậy, rủi ro đối với thành tựu cầm quyền của ông Monti rất hiện thực.
Chính phủ không có đại diện nào của phe ông Monti là một cuộc thí nghiệm chính trị bất đắc dĩ. Đây sẽ là điều có một không hai cho tới nay ở Ý. Sự giữa chừng đứt gánh báo hiệu nguy cơ bất ổn chính trị ở Ý và cuộc thí nghiệm dang dở còn là thất bại của EU.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)