Trong hành trình 7 tháng tham gia cuộc thi, 104 học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 đã xuất sắc vượt qua hơn 12.000 thí sinh trên cả nước để bước vào vòng chung kết. Đây là “sân chơi” trí tuệ (từ tháng 6 đến 12) do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phối hợp Viện Kỷ lục Việt Nam tổ chức, với sự đồng hành của Bộ GD-ĐT và sự tài trợ của Tập đoàn Giáo dục Tâm Trí Lực và được Báo Thanh Niên bảo trợ truyền thông.
Buổi giới thiệu thông tin vòng chung kết cuộc thi Sơ đồ Tư duy Việt Nam 2022 |
Trịnh Minh Triết |
Phát biểu tại buổi họp báo, tiến sĩ Thang Văn Phúc, Chủ tịch Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho biết: “Đối với nội dung đồng đội, cuộc thi được tổ chức theo hình thức game show trên VTV, thu hút hàng trăm đội từ 569 trường ở 45 tỉnh thành, giúp lan tỏa phương pháp dạy và học hiệu quả, học nhẹ nhàng, nhớ dễ dàng. Còn trong vòng chung kết nội dung cá nhân diễn ra tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM) ngày 18.12, có 104 thí sinh tranh tài trực tiếp để tìm ra 12 nhà vô địch của 12 khối lớp”.
Sau phần thi chung kết, lễ trao giải được tổ chức vào tối 18.12 tại TP.HCM dành cho hạng mục đồng đội và cá nhân. Mỗi người trong số 12 nhà vô địch cá nhân (tức đạt giải Nhất) sẽ được nhận thưởng 10 triệu đồng, huy chương vàng, cúp vô địch và giấy khen. Còn đối với 24 thí sinh được trao giải Nhì, Ba tại 12 khối lớp thì mỗi em được thưởng lần lượt 8 triệu và 5 triệu đồng. Các nhà vô địch sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự những giải đấu Sơ đồ Tư duy quốc tế thời gian tới.
Trong hạng mục đồng đội, sau 16 trận vòng loại và 3 trận bán kết gây cấn, ban tổ chức cho biết 3 đội mạnh nhất là Bright Stars (Hải Phòng), Sáng tạo 1 (Trường tiểu học Hành Thịnh, Quảng Ngãi) và Dừa Xiêm (Trường tiểu học Số 1 Hoài Châu Bắc, Bình Định) tranh tài tại trận chung kết được phát sóng trên kênh VTV2 lúc 16 giờ 30 ngày 18.12. Giải thưởng cho Đội Vô địch là 50 triệu đồng cùng cúp và giấy khen, quà tặng của ban tổ chức. Các đội đạt giải Nhì, Ba sẽ nhận tiền thưởng lần lượt 20 triệu và 10 triệu đồng.
Ban tổ chức cho biết, bên cạnh giải cá nhân được tổ chức đúng tiêu chuẩn cuộc thi Sơ đồ Tư duy thế giới thì cuộc thi của Việt Nam năm nay có nhiều điểm đặc biệt. Cụ thể là Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức cuộc thi Sơ đồ Tư duy 2022 dành cho đội nhóm theo hình thức game show truyền hình.
Kỷ lục gia Siêu trí nhớ thế giới Nguyễn Phùng Phong, Chủ tịch Tổ chức Mindmap Việt Nam - Nguồn: Trịnh Minh Triết |
Là người dày công mang các cuộc thi Siêu trí nhớ và Sơ đồ Tư duy thế giới về Việt Nam trong 6 năm qua, Kỷ lục gia Siêu trí nhớ thế giới Nguyễn Phùng Phong, Chủ tịch Tổ chức Mindmap Việt Nam, cho biết ông rất háo hức chờ đón trận chung kết để được nhìn thấy sự sáng tạo và trưởng thành của thí sinh trong 1 năm rèn luyện vừa qua. “Chất lượng bài thi của thí sinh năm nay khá vượt trội. Các em đã vượt xa mong đợi của các thành viên trong ban tổ chức. Những bài thi đều cho thấy sự sáng tạo không có biên giới của thí sinh Việt Nam trong việc tạo ra các sơ đồ tư duy (mind map) hiệu quả”, ông Phong nói.
Bên cạnh đó, giáo sư Marek Kasperski, Trưởng ban Trọng tài Toàn cầu của Giải Vô địch Sơ đồ Tư duy và Đọc nhanh thế giới, đánh giá hội đồng giám khảo với hơn 350 trọng tài chuyên nghiệp được đào tạo chuyên nghiệp đã huấn luyện thí sinh Việt Nam và chấm điểm theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.
"Việt Nam đang tiến gần đến vị trí top 3 toàn cầu về mindmap và có nhiều tiềm năng dẫn đầu thế giới sau khi ghi dấu ấn tại cuộc thi Siêu trí nhớ Việt Nam 2019, tổ chức thành công cuộc thi Sơ đồ tư duy cấp quốc gia đầu tiên năm 2021 và lần thứ 2 năm nay. Đến nay, hơn 300.000 học sinh ở Việt Nam được đào tạo về mindmap. Đây là một nỗ lực và thành quả tuyệt vời của Việt Nam”, ông Kasperski nói.
Ông Kasperski đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Kỷ lục gia Siêu trí nhớ thế giới Nguyễn Phùng Phong và Tập đoàn Giáo dục Tâm Trí Lực khi giới thiệu phương pháp “5 phút thuộc bài” và ứng dụng vẽ mind map trên các thiết bị điện tử (sắp ra mắt vào năm 2023).
Dịp này, Tổ chức Mindmap Việt Nam cũng được chọn làm đơn vị lưu trữ kỷ vật của ông Tony Buzan (1942-2019), cha đẻ của phương pháp sơ đồ tư duy. “Chúng tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam dẫn đầu thế giới trong nỗ lực giới thiệu lý tưởng của ông Tony Buzan và mind map cho cộng đồng”, ông Kasperski nói.
Đồng thời, Quỹ Tony Buzan được khởi tạo tại Việt Nam vào ngày 17.12 để lan tỏa phương pháp mindmap, môn thể thao trí nhớ ngày càng sâu rộng ở Việt Nam và Tập đoàn Giáo dục Tâm Trí Lực là đơn vị đầu tiên đóng góp 500 triệu đồng cho quỹ này. Ngoài ra, buổi họp báo hôm 17.12 cũng diễn ra lễ ký kết công nhận 13.4 - ngày mất của ông Tony Buzan - là “Ngày Tony Buzan” nhằm lan tỏa lý tưởng của ông về phương pháp học tập nhẹ nhàng, dễ nhớ.
Vòng chung kết Vietnam Mindmap Championship 2022 đón nhận sự tham gia của nhiều cao thủ về Siêu trí nhớ và Sơ đồ Tư duy cũng như các lãnh đạo cấp cao của Hội đồng Sơ đồ Tư duy thế giới.
Đó là Giáo sư Marek Kasperski, Phó chủ tịch của Công ty Tony Buzan, chủ trì Hiệp hội Trọng tài Thể thao Trí nhớ quốc tế (G.O.M.S.A), Trưởng ban Trọng tài Toàn cầu của Giải Vô địch Sơ đồ Tư duy và Đọc nhanh thế giới; thầy Dominic O’Brien, tượng đài Siêu trí nhớ với 8 lần vô địch thế giới, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về trí nhớ, Trưởng ban Đạo đức Cuộc thi Siêu trí nhớ thế giới; ông Teo Kim Foo, Chủ tịch Hội đồng Thể thao Trí nhớ thế giới Malaysia, Trưởng ban Trọng tài của Giải vô địch trí nhớ Malaysia, Phó chủ tịch Hội đồng Thể thao Trí nhớ châu Á Thái Bình Dương; công chúa Malaysia Tengku Faizwa Razif, người tổ chức Giải Vô địch Trí nhớ thế giới lần thứ 22 tại Malaysia.
Bình luận (0)