'Cuộc tình' giữa thời trang và công nghệ số: Lúc nóng lúc lạnh

27/04/2019 19:07 GMT+7

Các phụ kiện như đồng hồ, mắt kính, túi xách... được các nhà thiết kế thời trang kết duyên với những tên tuổi khổng lồ công nghệ tạo ra dòng sản phẩm 'công nghệ thời trang số' thành công đình đám nhưng cũng lắm gập ghềnh.

Lâu nay, các tuần lễ thời trang, sàn diễn catwalk còn là nơi ra mắt các phụ kiện, kể cả khi chúng là sản phẩm công nghệ số, bởi đều là những đứa con tinh thần của các nhà thiết kế thời trang. Thời gian gần đây, hai nền công nghiệp khác biệt hoàn toàn này đã nương tựa nhau để phát triển nhằm thu lợi nhuận. Nhưng cho đến giờ, xem ra công nghiệp thời trang và công nghệ số vẫn chưa thể trở thành cặp đôi hoàn hảo. Điển hình là cuối tháng 3 vừa qua, người khổng lồ công nghệ Apple “mặt nặng mày nhẹ” đưa ra lời tuyên bố chia tay với thời trang. Chuyện gì đã xảy ra?
Giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook với vợ Steve Jobs - Laurene Powell Jobs, tại buổi dạ tiệc Manus x Machina tại Met Gala chủ đề Cuộc tình giữa thời trang và công nghệ Ảnh: New York Times

Cách đây gần 5 năm, ngày 9.9.2014, tại đại bản doanh Cupertino của thương hiệu quả táo ở Mỹ, đồng hồ thông minh Apple Watch được trang trọng trình làng, lôi kéo được những nhà điều hành thời trang sừng sỏ quy tụ về cùng làm việc. Những cái tên nổi bật trong làng mốt lúc bấy giờ có thể kể Paul Deneve, Giám đốc điều hành của nhãn hàng Yves Saint Laurent, Patrick Pruniaux của Tag Heuer và Angela Ahrendts đến từ Burberry.

Ngày hôm ấy, ngay cả Alexandra Shulman và Lauren Indvik, hai biên tập viên của các tạp chí thời trang tiếng tăm là Vogue Anh và Fashionista cũng bỏ ngang Tuần lễ Thời trang New York để bay đến Cupertino, góp mặt ở hàng ghế đầu trong buổi ra mắt Apple Watch. Đứa con cưng công nghệ số mới của người kế vị Steve Jobs còn lên cả bìa Vogue phiên bản Trung Quốc, đồng thời chiếm hết 12 trang quảng cáo của Vogue phiên bản Mỹ. Chỉ một năm sau buổi trình làng hoành tráng ấy, Apple thông báo đã bắt tay với Hermes, một đối tác sừng sỏ của làng thời trang khác. Rồi cũng tháng 5 năm ấy, công ty đứng ra bảo trợ cho show diễn Manus x Machina nhân sự kiện Met Gala mang chủ đề Cuộc tình giữa thời trang và công nghệ. Đầy đủ các ban bệ của Apple như Tim Cook hay Jony Ive đều có mặt đồng chủ trì sự kiện cùng Anna Wintour, Giám đốc nghệ thuật của Condé Nast kiêm tổng biên tập Vogue. Còn tại Tuần lễ Thời trang Paris, Apple cũng “tận dụng” chương trình để ra mắt siêu cửa hàng Colette của mình, và huyền thoại kéo vải Karl Lagerfeld, nhà thiết kế Olivier Rousteing của Balmain cùng siêu mẫu Cara Delevingne cũng đến tham dự.  

Đồng hồ thông minh Gear S của Samsung cũng được ra mắt trong một tuần lễ thời trang riêng của họ vào tháng 9.2014 với sự tiếp tay của nhãn hiệu thời trang Diesel Black Gold. Intel kết hợp với hai nhà thiết kế trang phục Mỹ Humberto Leon và Carol Lim để sáng tạo vòng tay đồng hồ thông minh MICA. Rapper kiêm nhà thiết kế Will.i.am giới thiệu vòng đeo tay dùng xung điện kiểm tra sức khỏe, lấy cảm hứng từ mẫu vòng đeo cách điệu Malteses của Chanel. Không lâu sau đó, chính Ralph Lauren cũng trình làng liên tiếp túi xách Ricky có nối kết cổng có đèn cùng bộ sạc pin và áo thi đấu quần vợt tích hợp thiết bị đo nhịp tim. Đó là chưa kể bộ ba Tag Heuer, Intel và Google cùng chung tay tạo ra đồng hồ Carrera, trong khi Louis Vuitton tham vọng hơn, chào hàng đồng hồ Tambour Horizon có nối kết, một điển hình cho thế giới internet tương lai của các sản phẩm thuộc Louis Vuitton. Tất cả làm nên cơn cuồng phụ kiện thông minh ngay trong lãnh địa của thời trang.      

Thời trang và công nghệ số, những ngày hôn nhân hạnh phúc

 
AirPods và tai nghe của Louis Vuitton giá đắt, bán chạy tạo nên cơn cuồng công nghệ trong lãnh địa thời trang
Ảnh: New York Times

Cuộc hôn nhân ngày ấy giữa thời trang và công nghệ số đầy màu hồng. Thay vì cạnh tranh, cả hai đã chia sẻ chung một ví tiền của người tiêu dùng để cùng hưởng lợi. Người ta sẽ khó quên khoảnh khắc những chiếc kính thông minh Google Glass xuất hiện trên gương mặt các người mẫu trong show diễn của nhà thiết kế Diane von Furstenberg năm 2012, khán giả như phát cuồng. Sáng tạo độc đáo của đế chế công nghệ vùng California xem ra đang xóa mờ vẻ "hốc hác" của thế giới thời trang, còn sự quyến rũ của thời trang kỳ vọng lấp đầy khao khát của người tiêu dùng bằng những sản phẩm cách tân của mình  

Cũng giống như mũ nón, ví da, túi xách, thắt lưng, giày dép… đồng hồ là một phụ kiện gắn bó với quần áo từ lâu. Bên cạnh đó, vòng tay cũng là nét điểm xuyến tinh tế cho phong cách thời trang. Thế nên mặc nhiên đồng hồ thông mình dưới nhiều hình thức trở thành một kết quả phổ biến nhất của sự kết hợp giữa nhà thiết kế thời trang và giới công nghệ. Chúng đủ đáp ứng cơn đói những thứ mới mẻ vốn không bao giờ no của người tiêu dùng, tạo nên thời hoàng kim nhất định cho cả thương hiệu công nghệ lẫn thời trang. Ở chiều ngược lại, chính công nghệ số cũng truyền cảm hứng cho thời trang, nhất là khi thời của kỹ thuật nano và vải sợi sinh học vừa kịp trờ tới.

Mới đây, Jimmy Choo cho ra mắt loại ủng đi bộ đường dài tích hợp pin và nối kết ứng dụng ở smartphone để kiểm soát và theo dõi nhiệt độ. Còn Ralph Lauren đã thiết kế các phiên bản áo khoác phao cho TVH Olympic và áo thun Polo 11 có hệ thống sưởi tích hợp được điều khiển bởi ứng dụng RL Heat độc quyền. Và sự lấn sân này không phải là không thành công, dù khác chủng loại. AirPods và tai nghe của Louis Vuitton giá đắt mà vẫn bán chạy gấp 3 lần đồng hồ thông minh thế hệ thứ hai của chính họ. Theo đánh giá của các chuyên gia, cuộc "hôn nhân" thời trang và công nghệ đã xuất hiện bước gập ghềnh ở riêng mảng đồng hồ kỹ thuật số. Còn về các thiết bị đeo tai, cả hai ngành công nghiệp xem chừng vẫn còn gắn bó lâu, với dự báo năm 2030 dòng sản phẩm này sẽ là hạng mục thiết bị đeo lớn thứ nhì, chiếm 31% thị trường. 

 Jimmy Choo cho ra mắt loại ủng đi bộ đường dài tích hợp pin và nối kết ứng dụng ở smartphone để kiểm soát và theo dõi nhiệt độ Ảnh: New York Times

Nhưng cũng lắm rắc rối

Tương tự như sóng gió ở các cặp vợ chồng, sau thời gian mặn nồng sẽ có lúc khủng hoảng. Mối duyên thời trang và công nghệ số cũng vậy. Giờ đây cả Deneve lẫn Pruniaux đã rời Apple, tháng tới đến phiên Ahrendts cũng nối gót ra đi. Năm 2017 vừa qua, Intel ngưng cuộc chơi với các thiết bị đeo. Will.i.am tập trung vào mảng trí thông minh nhân tạo và điện toán điều khiển bằng giọng nói. Ralph Lauren thôi không bán túi xách có kết nối ứng dụng nữa. Những ồn ào về mối liên đới giữa các thiết bị đeo và thời trang nay đã trầm lắng.

Thiên đường tình yêu của cả hai đã lâm cảnh rắc rối? Nhận định về tình hình này, Scott Galloway, Giáo sư nghiên cứu thị trường thuộc Đại học New York chia sẻ: “Bản chất của công nghệ là tạo ra tiện ích và lan tỏa nó đến hàng tỉ người. Còn thời trang là một khoảnh khắc phát kiến, gợi mở một trào lưu, một sự lãng mạn và chuyển tải chúng đến một nhóm nhỏ những người có ảnh hưởng”.

Sự trầm lắng tương tự cũng đang bao trùm cả ở những tuần lễ thời trang. Tại Milan Fashion Week gần đây, ủng thông minh có kết nối ứng dụng của Jimmy Choo không còn chiếm vị trí nổi bật trong bộ sưu tập, dù vẫn được nhiều người đón nhận. Còn với nhãn hàng Levi’s, dẫu vị thế của áo khoác thông minh vẫn không thay đổi trong bộ sưu tập Commuter, nhưng hãng sẽ không triển khai mẫu mới hay sản phẩm mới nữa, nó vẫn được giữ nguyên, chỉ có cập nhật các ứng dụng. Bài học rút ra từ những năm qua là gì? Có lẽ tương lai đích thực của thời trang và công nghệ sẽ không liên quan nhiều đến những thứ có màn hình. Thuật ngữ “sản phẩm độc tôn” xem ra chỉ có trong thế giới công nghệ số chứ không thể xưng hùng xưng bá trong đế chế công nghiệp thời trang vốn đã có những “hàng khủng” riêng. Đó là những thứ gợi ra khát vọng, thứ khiến người ta cảm thấy mãn nguyện, là công cụ tự thể hiện bản thân và là biểu tượng của thành viên trong nhóm. Cuộc tình thời trang -công nghệ có lúc mặn nồng rồi đến ngày phân ly cũng lẽ thường tình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.