Cuộc trò chuyện cách 6 múi giờ với Thomas Billhardt

15/02/2021 10:00 GMT+7

Năm 1962, lần đầu tiên Thomas Billhardt tới Việt Nam. Một hành trình mới ở đất nước xa lạ bắt đầu, để sau đó ông trở thành nhiếp ảnh gia của CHDC Đức nổi tiếng khắp thế giới với những bức ảnh về chiến tranh tại Việt Nam.

Thomas Billhardt đến Việt Nam vào nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Trong đó, khoảng thời gian mà ông trở đi trở lại nhiều lần là những năm 1962 - 1975 và sau đấy là năm 1979, khi nổ ra chiến tranh biên giới. Triển lãm Hà Nội 1967 - 1975 diễn ra tháng 10.2020 giới thiệu 130 bức ảnh chụp Hà Nội trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, và cuốn sách ảnh cùng tên xuất bản tại Việt Nam ra mắt tháng 11.2020 cho thấy một phần kho ảnh đồ sộ của Thomas Billhardt.
Những bức ảnh của Thomas Billhardt cùng những câu chuyện đằng sau khiến tôi tò mò về ông, một nhiếp ảnh gia - nhà báo chiến trường không chỉ làm công việc ghi lại lịch sử, mà còn hàn gắn những vết thương trong lịch sử. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi, từ hai đất nước Đức và Việt Nam - cách nhau 6 múi giờ, đã bắt đầu với sự tò mò đó.

Cuộc hội ngộ của viên phi công Mỹ và nhiếp ảnh gia

Năm 1967, hai nhà làm phim của CHDC Đức là Walter Heynowski và Gerhard Scheumann nhận được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện bộ phim tài liệu về những viên phi công Mỹ bị giam giữ có tên Piloten im Pyjama (tạm dịch: Những phi công mặc pyjama). Thomas Billhardt khi ấy giữ vai trò là người chụp ảnh tư liệu.
Sinh năm 1937 tại Chemnitz (Đức), Thomas Billhardt là một trong những nhiếp ảnh gia, nhà báo chiến trường được nước Đức tôn vinh. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng, huân chương cao quý như: Huân chương Erich Weinert; giải thưởng nghệ thuật của Free Germans Youth (1965); giải thưởng nghệ thuật của CHDC Đức (1969); Huân chương Hữu nghị Đức - Việt (2016)…
Năm 2019, Hiệp hội Nghề nghiệp của nhiếp ảnh gia tự do và làm phim Đức (BFF) đã vinh danh ông với việc tạo nên những hình ảnh độc nhất và đáng nhớ của thế kỷ 20.
Ông đã thực hiện khoảng 100 cuộc triển lãm ảnh cá nhân tại Đức và nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều cuốn sách ảnh của ông đã ra mắt độc giả quốc tế, trong đó có những cuốn riêng về Việt Nam: Khát vọng hòa bình - Việt Nam (1972), Hà Nội trước ngày hòa bình (1973), Những gương mặt Việt Nam (1978). Trong cuốn sách tổng kết sự nghiệp nhiếp ảnh của mình Thomas Billhardt Fotografie, ông dành 2 chương cho những hình ảnh về Việt Nam. Trong cuốn hồi ký vừa xuất bản, ông viết riêng 1 chương về Việt Nam.
Năm 1968, bộ phim được công chiếu cũng là lúc những bức ảnh của Thomas Billhardt được đăng tải trên hàng loạt tờ báo ở khắp thế giới. 30 năm sau, Dewey Waddell, một trong những viên phi công xuất hiện trong ảnh của Thomas Billhardt, đã đến thăm ông tại nhà riêng ở Kleinmachnow (Đức).
Thomas Billhardt kể: “Con trai tôi khi là một nhiếp ảnh gia thời trang làm việc tại Miami (Mỹ) đã nhận ra những bức ảnh tôi chụp Dewey Waddell được đăng tải trên một tờ báo của Mỹ. Đó là cơ duyên để chúng tôi gặp lại nhau”. Trong cuộc hội ngộ, Dewey Waddell đã cảm ơn Thomas Billhardt vì nhờ bức ảnh của ông mà người thân biết được Dewey Waddell vẫn còn sống, và ông có cơ hội trở về quê nhà.
Còn với Thomas Billhardt, ông hạnh phúc vì “vết thương chiến tranh” đã có thể khép lại, hai con người từng ở hai phía - kẻ gây ra tội ác, người lên án tội ác - đã tha thứ và trở thành những người bạn.
Năm 1999, 24 năm sau khi chiến tranh tại Việt Nam kết thúc, Thomas Billhardt trở lại mảnh đất này và nảy ra ý tưởng tìm lại các nhân vật trong những bức ảnh của mình. Ông muốn biết cuộc sống của họ như thế nào sau cuộc chiến. Một cuộc trưng bày những bức ảnh của Thomas Billhardt với kích thước lớn đã diễn ra ngay tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội). Nhiều nhân vật, người thân của những người xuất hiện trong ảnh biết được đã đến gặp ông, trong đó có gia đình một em nhỏ qua đời do trúng bom Mỹ. Lúc đấy, Thomas Billhardt mới biết rằng gia đình em đã dùng bức ảnh ông chụp làm ảnh thờ, bởi đó cũng chính là lần đầu tiên con của họ được chụp ảnh.

Hình ảnh Hà Nội những năm 1967 - 1975

Ảnh: Thomas Billhardt

Mỗi bức ảnh của Thomas Billhardt đều có câu chuyện phía sau. Năm 1969, ông sang Việt Nam với vai trò phóng viên chiến trường của một tờ báo. Thomas Billhardt nhận ra ở nơi mưa bom bão đạn, sự sống vẫn tiếp tục sinh sôi. Ông đã chụp ảnh các em bé chào đời trong hầm trú ẩn của bệnh viện tại Hà Nội. Một ngày sau khi trở về từ chuyến đi đó, ông cũng đón nhận hạnh phúc làm cha: con gái Katrin của ông chào đời tại bệnh viện ở Berlin. Câu chuyện đặc biệt đó đã khiến đạo diễn Harry Hornig quyết định thực hiện bộ phim tài liệu Report für Katrin (tạm dịch là Bản báo cáo cho Katrin).
“Hai đất nước Đức và Việt Nam có những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa… nhưng điều tôi quan tâm không phải là những khác biệt đó, mà chính là những thứ kết nối chúng ta về mặt con người. Tôi muốn chụp những bức ảnh để tố cáo tội ác chiến tranh mà Mỹ gây ra với người dân Việt Nam và kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân quốc tế”, Thomas Billhardt nói.
. Cuộc trò chuện cách 6 múi giờ với Thomas Billhardt

Hình ảnh Hà Nội những năm 1967 - 1975

Ảnh: Thomas Billhardt

Nhà báo của hòa bình

“Nhiếp ảnh có thể tạo nên lòng tin lớn ở độc giả. Đó là lý do vì sao người cầm máy có trách nhiệm lớn trong việc mang đến sự thật. Khi chụp ảnh, tôi có một sự phân biệt rõ ràng với những người tôi đứng về phía họ”, Thomas Billhardt nói. Và khi tôi muốn biết “Điều mà ông muốn truyền tải là gì?”, ông đáp: “Tố cáo chiến tranh. Ủng hộ tinh thần đoàn kết quốc tế”.
Những bức ảnh chụp Việt Nam của Thomas Billhardt đã được trưng bày tại những thành phố lớn khắp thế giới. Không thể kể hết những buổi trò chuyện của Thomas Billhardt về nhiếp ảnh cùng sự kêu gọi công chúng ủng hộ người dân Việt Nam phản đối chiến tranh.
. Cuộc trò chuện cách 6 múi giờ với Thomas Billhardt

Thomas gặp lại gia đình em nhỏ đã chết vì bom Mỹ tại Hà Nội, năm 2000

Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Một phóng viên của đài phát thanh đã gọi tôi là “nhà báo của hòa bình” chứ không phải phóng viên chiến trường. Điều đó khiến tôi tự hào”, Thomas Billhardt bày tỏ. Nhiều giải thưởng nhiếp ảnh, huân chương đã được trao cho nhiếp ảnh gia gạo cội này. “Nhưng phần thưởng giá trị lớn nhất với tôi là khi có nhiều người thích xem những bức ảnh tôi chụp và trò chuyện với tôi về Việt Nam”, ông chia sẻ.
Tôi hỏi nhiếp ảnh gia nay đã ở tuổi 83: “Đến giờ ông có còn cầm máy không?”. Thomas Billhardt trả lời tôi bằng những cuộc triển lãm mà ông vừa thực hiện vào năm ngoái tại Đức, cũng như dự kiến sẽ diễn ra tại Ý, Áo… vào năm sau. Ông kể, ngay từ thời sinh viên cho đến bây giờ, ông vẫn giữ sở thích chụp ảnh quảng trường Alexanderplatz ở Berlin; khi để những bức ảnh này lại với nhau sẽ cho thấy sự thay đổi của Berlin hay của nước Đức theo dòng thời gian.
“Tôi cũng muốn trở lại Việt Nam nhiều lần để ghi lại hình ảnh một đất nước được tái thiết, hiện đại và hạnh phúc”, Thomas Billhardt nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.