Cước vận tải biển hạ nhiệt?

22/08/2024 06:18 GMT+7

Sau khi tăng mạnh đầu tháng 7, theo cơ quan quản lý, giá cước vận tải biển đã hạ nhiệt. Thế nhưng các nhà xuất khẩu nói mức giảm trên thực tế rất ít, không đáng kể.

Cước giảm ít, thị trường vẫn bấp bênh

Theo dữ liệu của Công ty tư vấn hàng hải Drewry, mức cước vận tải giao ngay của một container hàng hóa 40 feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến New York (Mỹ) đã đạt mức 9.387 USD vào ngày 11.7. Con số này cao gấp đôi so với hồi tháng 2, dù vẫn thấp hơn mức đỉnh 16.000 USD trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Chi phí vận chuyển một container 40 feet từ Hàn Quốc đến EU cũng tăng tháng thứ 2 liên tiếp và tăng 121,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cước tăng chủ yếu do các hãng vận tải buộc phải chuyển hướng tránh đi qua kênh đào Suez do rủi ro an ninh trên biển Đỏ, khiến thời gian vận chuyển kéo dài hơn và làm tăng chi phí. Nhiều doanh nghiệp (DN) thậm chí phải hoãn giao hàng vì không chịu nổi giá cước. Tuy nhiên, đà tăng giá cước vận tải biển thế giới đang có dấu hiệu đi xuống.

Cước vận tải biển hạ nhiệt?- Ảnh 1.

Phí vận tải biển giảm mạnh từ đầu tháng 8

Ng.Nga

Cục Hàng hải cho biết giá cước vận tải biển bắt đầu giảm dần từ giữa tháng 7 đến nay. Đến giữa tháng 8, giá cước đã giảm trên tất cả các tuyến, mạnh nhất là trên tuyến châu Á đi bờ Tây nước Mỹ và châu Âu với mức giảm khoảng 20 - 30% so với cùng kỳ tháng trước. Mức giá trên các tuyến vận tải khác cũng giảm khoảng 15 - 25%. Mức giá cước vận tải biển hiện nay chỉ bằng 44% so với mức giá thời kỳ đỉnh điểm trong dịch Covid-19 (tháng 9.2021). Cục Hàng hải dự báo giá cước vận tải biển sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do một số tác động tích cực từ thị trường và hiện tượng tắc nghẽn tại một số cảng lớn không còn xảy ra.

Ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam, lý giải cước vận tải biển đang giảm dần vì các cảng trên thế giới giảm ùn tắc và lịch tàu ổn định hơn nhiều. Nhiều "điểm nóng" khu vực cảng được cải thiện đáng kể.

Thị trường chỉ kỳ vọng giá cước ổn định hơn là cứ lên xuống rất khó chịu và gây khó khăn cho DN.

Chuyên gia Nguyễn Lý Trường An

Trả lời Thanh Niên, đại diện Công ty TNHH SeaAir Global xác nhận giá cước đi châu Á, đặc biệt sang thị trường Trung Quốc, đang giảm nhẹ và DN xuất khẩu hàng đi tuyến đường này đang hưởng lợi tốt. Từ đầu tháng 8 đến nay, việc đặt tàu container không còn khó khăn như hồi tháng 6 và 7 là thời điểm nhiều DN Trung Quốc "chiếm chỗ" đẩy nhanh việc xuất khẩu nhiều hàng hóa để né thuế từ Mỹ, có hiệu lực từ ngày 1.8.

"Nay đặt tàu container dễ hơn, nhưng giá vẫn còn cao. Bên cạnh đó, thị trường vẫn khá bấp bênh, không ổn định. Có tuần tăng 1 - 2%, tuần sau giảm 3%... Thế nên, các DN làm dịch vụ logistics khi báo giá cho khách hàng xuất nhập khẩu, chỉ báo giá trong ngắn hạn, từng tuần một chứ không báo giá có thời hạn lâu kéo dài cả tháng như trước", đại diện SeaAir Global nói.

Đại diện một DN xuất nhập khẩu ở Bình Dương cũng cho biết so đầu năm 2024 đến nay, cước vận tải hàng nhập khẩu không giảm, chỉ có hàng xuất từ đầu tháng 8 đến một số thị trường có giảm khoảng 10 - 15%.

Theo đại diện Công ty may mặc xuất khẩu Dony (TP.HCM), khi căng thẳng khu vực biển Đỏ tăng, cước vận tải biển phải cộng thêm phí bảo hiểm hàng hóa, tàu đi đường vòng đẩy các chi phí cước tăng theo và được neo cao cho đến tháng 7. Hiện giá cước giảm tại vài thị trường châu Á, nhưng hàng hóa xuất qua khu vực châu Phi, châu Âu chưa thấy báo giá giảm, thậm chí còn tăng nhẹ so với đầu năm. Trong khi đó, công ty phải tăng tốc làm hàng và xuất khẩu hàng loạt đơn hàng sang thị trường châu Phi.

"Cước vận tải biển neo cao, chi phí của DN tăng và chưa thấy hạ nhiệt như kỳ vọng. Tháng sau, công ty sẽ xuất 2 lô hàng sang thị trường châu Phi. Nếu giá cước giảm, đây là tin quá vui. Trong thực tế, chi phí sản xuất đầu vào tăng nhanh từ giá vải, cước, nhân công... nhưng giá bán tuyệt đối không tăng, nên lợi nhuận của đa số doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu thu hẹp lại. Nếu chi phí vận tải, cước phí các loại giảm, DN sẽ "dễ thở" hơn và giảm được gánh nặng chi phí trong mấy tháng cuối năm", đại diện Công ty Dony chia sẻ.

Mới giảm một số tuyến

Cục Hàng hải dự báo giá cước vận tải có thể giảm tiếp trong những tháng tới. Do "một số tác động tích cực từ thị trường và hiện tượng tắc nghẽn tại một số cảng lớn không còn xảy ra nữa". Tuy vậy, cục này cũng khuyến cáo các DN theo dõi sát tình hình thị trường giá cước vận tải biển thế giới, nhằm có những giải pháp ứng phó kịp thời trong trường hợp thị trường có biến động xấu.

Cũng theo cơ quan này, nhờ giá cước vận tải giảm mà sản lượng hàng hóa vận tải biển đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Theo số liệu cập nhật từ Tổng cục Hải quan, từ tháng 1 - 7, tổng trị giá xuất nhập khẩu của khối DN trong nước đạt 141,86 tỉ USD, tăng gần 21% tương ứng tăng 24,47 tỉ USD so cùng kỳ năm ngoái; xuất nhập khẩu của khối các DN đầu tư nước ngoài trong 7 tháng đạt 298,6 tỉ USD, tăng 15,6% tương ứng tăng gần 40,2 tỉ USD.

Thế nhưng, nỗi lo giá cước tăng với cộng đồng DN xuất khẩu thì vẫn còn nguyên. SSI Research mới đây đưa ra nhận định thị trường giao ngay giá cước vận tải container đang chững lại nhờ căng thẳng tại khu vực Trung Đông hạ nhiệt, trong khi thị trường thuê tàu định hạn phản ứng chậm hơn và vẫn duy trì đà tăng. Giá cho thuê tàu 1.700 TEU hiện đang tiến gần đến mức 26.000 USD mỗi ngày, tăng 50% kể từ đầu tháng 6.2024.

Tại sao lại có sự thiếu tương đồng giữa số liệu của cơ quan quản lý và thực tế hoạt động của DN? Chuyên gia logistics Nguyễn Lý Trường An phân tích trong thực tế, giá cước tại một số tuyến có giảm, mức giảm so với thời điểm tăng vọt hồi tháng 6 và 7. Thế nên, thống kê của ngành hàng hải giảm 20% so với lúc tăng đến 30% thì thực tế chưa giảm.

"Giá cước vẫn còn neo ở mức cao, chỉ thấp hơn nhiều so với mọi tuyến vận tải, nhưng trong thực tế, nguồn hàng đi các thị trường có cước vận tải giảm lại không nhiều. Chẳng hạn, xuất sang Trung Quốc bằng đường biển còn ít hơn đường bộ; hay đi đường biển, hay hàng hóa xuất sang Mỹ hay châu Âu cao hơn nhiều so với sang thị trường châu Á. Châu Mỹ và châu Âu là những thị trường xuất khẩu lớn của VN", ông An dẫn chứng cụ thể.

Phân tích tình hình thị trường vận tải biển trên thế giới, ông Trường An khẳng định trong thực tế, giá cước trên nhiều thị trường như Ấn Độ, Mỹ, châu Âu chưa thấy dấu hiệu trên đà giảm, mà chỉ dao động tăng giảm trong một vài tuần, có tuần giảm đến 3 - 4%. Chính vì dao động nên tính ổn định chưa cao. Vận tải biển được kỳ vọng giảm nếu đàm phán ngừng bắn tại khu vực Trung Đông trở thành hiện thực. Thế nên, dự báo hết quý 3, giá cước vận tải tàu biển các tuyến chính vẫn còn "neo cao". Nhưng xuất khẩu các tháng tới được dự báo sẽ tăng, mà thường xuất khẩu tăng, nhu cầu container rỗng tăng, việc để các hãng tàu giảm cước là điều không tưởng. "Thị trường chỉ kỳ vọng giá cước ổn định hơn là cứ lên xuống rất khó chịu và gây khó khăn cho DN", ông An nhấn mạnh. 

Một thành viên Hiệp hội Logistics VN dẫn chứng giá cước tàu biển đi khu vực EU nay đã giảm về mức 6.000 - 8.000 USD tùy vào từng ngành hàng; giá cước đi khu vực bờ Tây dao động ở mức 5.000 - 6.000 USD/container 40 feet, giảm mạnh 20 - 30% so với 2 quý đầu năm. Tuy vậy, giá cước đi khu vực bờ Đông vẫn neo mức cao hơn 9.000 USD/container 40 feet.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.