Cười chảy nước mắt với 'Tiệc trăng máu'

21/10/2020 06:33 GMT+7

Tiệc trăng máu của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã có buổi chiếu ra mắt báo giới tại TP.HCM tối 19.10. Phim được nhận xét là bản Việt hóa tốt, chỉn chu, đem tới nhiều cảm xúc cho người xem và tạo cảm giác gần gũi với thị hiếu khán giả Việt.

Kịch bản châm biếm sâu cay

Tiệc trăng máu là tác phẩm remake (làm lại) bộ phim nổi tiếng của Ý Perfetti Sconosciuti (tựa Anh: Perfect Strangers), từng được 20 quốc gia làm lại với nhiều phiên bản khác nhau. Trong đó, điện ảnh Hàn Quốc đã remake khá thành công với tựa Người quen xa lạ (Intimate Strangers) cũng từng chiếu rạp Việt vào năm 2018. Nói như thế để thấy bản thân Perfect Strangers đã có một kịch bản rất hay với những diễn biến, xung đột tâm lý từ các nhân vật chính, mà qua đó nhiều thông điệp xã hội được chuyển tải dưới thể loại phim “hài đen” (có thể hiểu theo kiểu Việt là “hài châm biếm”). Vậy thì Tiệc trăng máu của Việt Nam có gì để tạo nên sự khác biệt, độc đáo?
Tiệc trăng máu tất nhiên vẫn khai thác về bản thể của mỗi con người, về tình bạn, tình yêu theo hướng kịch tính, châm biếm thông qua trò chơi từ chiếc điện thoại cá nhân của 7 người bạn ở một buổi tiệc tân gia; để rồi từ đó họ phát hiện ra những bí mật, góc khuất đen tối khiến mọi thứ đổ vỡ, kể cả tình yêu, tình vợ chồng, tình bạn thân thiết kéo dài gần 40 năm qua. Tuy nhiên có thể thấy, kịch bản gốc của Ý hay bản Hàn mà Tiệc trăng máu làm lại đã được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng Việt hóa một cách đặc sắc với câu chuyện, nhân vật có tính cách, lời đối đáp “theo trend” rất Việt Nam và ngay cả căn nguyên mấu chốt bước vào “trò chơi điện thoại” làm nảy sinh tấn bi hài kịch này cũng không gượng ép, mà tự nhiên như đời thường đối với cảm nhận của khán giả Việt.
Phải nói, cái hay của kịch bản gốc thu hút sự quan tâm của điện ảnh nhiều nước để họ quyết định remake phim chính là vẫn là câu chuyện ấy, trước mỗi vấn đề xã hội “nhạy cảm” mà phim đưa ra thì sẽ có cách ứng xử, phản ứng khác nhau tùy thuộc vào văn hóa, hành vi của mỗi con người ở đất nước đó. Và Tiệc trăng máu đã thuyết phục khán giả Việt với những châm biếm sâu sắc về mọi ngóc ngách đời sống xã hội, như mối quan hệ của con người trong thời đại số, chuyện những gia đình “kiểu mẫu” tưởng vô cùng hạnh phúc nhưng ai cũng ngoại tình, chuyện “ăn cơm trước kẻng” - tình dục trước hôn nhân, chuyện phụ nữ hay nói xấu sau lưng nhau, vấn đề con dâu không muốn ở chung mẹ chồng nên tìm cách đưa vào viện dưỡng lão… Cứ thế, rất nhiều tình tiết “đắt” và mới liên tục được “quăng” ra, giúp bộ phim giữ được sự kịch tính và dần đẩy mâu thuẫn lên cao trào. Tất cả đã tạo ra một buổi tiệc rộn ràng tiếng cười trào phúng nhưng kèm theo đó là những tâm trạng, ánh mắt thảng thốt, những biểu cảm không nói thành lời đến mức chua chát, bẽ bàng. Nói phim “cười đến chảy cả nước mắt” là ở chỗ đó!

Diễn xuất ăn ý của dàn sao Việt

Một điểm cộng để thu hút khán giả đến với Tiệc trăng máu là diễn xuất của dàn diễn viên Việt Nam không thua kém phiên bản phim này của nước nào, thậm chí nói không ngoa là nhỉnh hơn nhiều. Bối cảnh quay không nhiều, chỉ gói gọn trong một căn hộ chung cư nên nội lực diễn xuất của diễn viên quyết định lớn đến sự thành bại của phim. Chính vì thế, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh đã quyết định bỏ “vốn lớn” để mời 7 ngôi sao phòng vé, diễn viên gạo cội về diễn xuất để đảm nhận 7 nhân vật chính trong phim: Thái Hòa, Thu Trang, Hồng Ánh, Hứa Vĩ Văn, Kiều Minh Tuấn, Kaity Nguyễn, Đức Thịnh. Mỗi người đều có số phận riêng dù chỉ qua vài chi tiết phác họa nhưng lại khá sâu ở nội tâm, hoàn cảnh riêng; và các diễn viên Việt đều diễn xuất duyên dáng, tạo nên sự tung hứng ăn ý. Trong đó, nhân vật để lại nhiều ấn tượng nhất là cô vợ ham mê đọc thơ nhưng chỉ ở nhà nội trợ tên Thu Quỳnh, do Thu Trang thủ vai. Với những miếng hài vì sự làm lố hay éo le của nhân vật, Thu Trang như “cá gặp nước”, diễn sinh động và tự nhiên vai một phụ nữ nhìn qua rất nông cạn, vô duyên nhưng tận sâu bên trong lại ẩn chứa nỗi đau nội tâm, mặc cảm với chồng, muốn được yêu thương nhưng lại "mắc kẹt" trong chính ngôi nhà của mình.
Bản Việt hóa Perfect Strangers còn gây ấn tượng ở cách đặt tựa phim Tiệc trăng máu và hình ảnh mặt trăng tròn - khuyết trong phim theo thời gian như một nhân vật chứng kiến toàn bộ diễn tiến câu chuyện. Sự ẩn dụ “trăng máu” (nguyệt thực toàn phần) của đạo diễn chính là để ám chỉ bản chất con người luôn có những bí mật như một câu thoại trong phim: “Bản tính con người cũng giống như trăng máu, có thể bị che lấp đi trong chốc lát, nhưng cuối cùng thì cũng sẽ lộ ra”. Chính sự mới mẻ của “một bữa tiệc của sự đổ vỡ, sau những tràng cười là tiếng khóc”, Tiệc trăng máu (chiếu từ 23.10) đang được kỳ vọng sẽ là “cú nổ” phòng vé sau thời gian ảm đạm vì ảnh hưởng dịch Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.