Thơ Khét hiện đại, có cội nguồn, như gói cả mây, gió, nước và lửa. Với thi từ hồn nhiên, phá cách và phóng túng, thơ Khét đầy nỗi niềm và trăn trở, nỗi trăn trở của một thi sĩ tâm hồn hào sảng và kiêu bạc nhưng luôn đau đáu nỗi nhớ thương Mẹ và quê hương, nên thơ anh bay bổng và buồn, nỗi buồn của kẻ lòng dễ lắc lư trước những nghiệt ngã: “ta đã nhốt ta cùng buổi chiều biền biệt khói/ mái tranh buồn rệu rã vách quê hương/ ai quăng chài chi lên đất lòng nứt nẻ/ vấp bóng cò hay dáng mẹ ta gầy” (và tiếng ngựa hoang mang).
Thơ Khét luôn song hành cùng nỗi buồn nhưng ta không nhìn thấy sự bi lụy mà ngược lại luôn nhìn thấy một Khét hồn nhiên vì sau lưng anh đã có quê hương, có Mẹ và một tổ ấm để đi về: “vác ba lô lên/ cha sẽ đưa con về quê/ ba lô nhỏ thôi hoặc chẳng mang theo gì cả/ ba lô bé thôi đủ để tuổi thơ con vào đó” (vác ba lô lên cha sẽ đưa con về quê).
Trong một bài thơ khác: “về thôi, về bên mẹ ta thôi/ ta vay đời nhiều khoảng lặng/ những nốt buồn hằn mộng đêm xa xôi/ mẹ trả lại ta tuổi hồn nhiên như cỏ” (về bên mẹ ta thôi).
Về, về rồi lại đi như một vòng lẩn quẩn: “cho những chuyến trở về/ tôi đã đi/ ngân nga điệu trẻ/ vung vãi hiên nhà trống cả đời tôi”.
Mình mắc cạn vào nhau cũng là nỗi ngậm ngùi sau những lao đao, nên “thôi về…” về để “tôi ru em ngủ”, về để “dạy con lúng liếng à ơi”. Cuộc sống như một guồng quay, có lúc vội vã đến nỗi chẳng thể nhớ nổi một ngày đã trôi qua ra sao, vội đến nỗi “quên bẵng” “chạm bàn tay ai đó”. Khi mà “ngày của hôm nay” vẫn mãi là những ngày “không thấy được mặt trời” thì “con trâu, con đò” cũng phải “đi ăn những ảo ảnh” để lại một tôi cô quạnh, tự ăn mình “trong gác tối” và “chạy trốn phố phường”. Bức bách và tù túng khi “phận mây, phận gió” bị nhốt đến “bất lực” trước “những khoảng vuông góc tối” để một ngày tất cả như đã “hóa mồ côi”.
Mình mắc cạn vào nhau cũng có khi là nỗi khắc khoải trước cuộc đời đầy biến động. Bất lực trước nó, Khét không than khóc, mà đau, thầm lặng đau khi thấy “buôn bản ta làm gì còn cỏ”, đến con cá dưới suối cũng chẳng còn hồn nhiên mà bơi nữa, nó cũng âu lo “thắc thỏm” liệu sau mưa có còn gì không? Trong tiếng tù và, tiếng gió từ rừng sâu vọng về, hồn người cũng khủng hoảng, oán than:
“rừng bọn ta gãy ngọn
gốc rễ đâu lên xanh trên sỏi đá loài người”
(gió gọi jrai)
Những cánh đồng cũng khô, cũng mặn, cạn kiệt cả rồi thì “lấy gì làm khai sinh cho hạt non” khi “không nước để rửa mặt không nước để làm mực không còn chỗ nằm cữ cho cánh đồng”(đồng đã mặn hơn nước mắt nàng).
Cũng là nỗi niềm của anh trước cuộc đời:
“ai ầu ơ nữa đâu mà bìm bịp khóc ròng ru nước lớn”
“có rụng hay không bướm cũng không về đâu mà bươn bả”
(sông cũng đau vài bữa rồi về)
Và, những đứa trẻ đồng quê lớn lên có lúc cũng lạc lối đi hoang. Chao ơi vậy là nó thèm “thèm lời à ơi, câu chuyện bà kể dù cổ tích không thiêng” “thèm uống nửa trưa đồng nắng hạ”. Nỗi thèm muốn được quay trở lại ngày xưa của những đứa trẻ lạc lối chỉ muốn trở về ngồi bên hiên nhà cùng mẹ để “tuốt sợi rơm vàng, ngồi khóc để con diều ăn gió” (lạc).
Thơ Khét bình dị, mộc mạc, thấm đẫm tình nhưng cũng đầy chí trai “anh sẽ lấy tất cả những gì mang theo được từ em”. Vậy mà ngày đi đã biết, biết rằng sẽ nhớ, sẽ thương, sẽ đau đáu quê nhà nhưng vẫn đi, đi và gói, gói cho bằng hết “vào ba lô cho thỏa”: “ngày xa xứ/ cái sóc, cái phum, cái chài, cái cối/ ới lý xàng xê còn đê mê ngày mở cõi/ quẫy máy chèo bẻ chênh chếch ánh trăng” (bưng biền tôi).
Đã gói mang theo rồi mà vẫn nhớ, nhớ đến cháy lòng “chái bếp, nhà sau” nhớ “cánh chuồn kim ghẹo bông điên điển” - một hình ảnh đầy chất thơ của Cà Mau sông nước. Và thương, thương đến “đứt ruột cọng ngò nhà ngoại” (quê tôi ba mươi).
Cũng có khi là nỗi thương cảm trước thân phận những người đàn bà đã đi qua giông bão, như con sư tử liếm láp vết thương sau cuộc chiến. Những người đàn bà cũng vậy, tỉ mẩn “ngồi khâu lại vết thương sau cuộc cãi vã”, họ sắp xếp lại cuộc đời và mọi thứ cho ngăn nắp để đi tiếp, nhưng bão giông đã qua vẫn còn mãi đó, là những nỗi “u ám, những mảnh kí ức rơi, gãy gập” vẫn còn đó và nụ cười cũng “biết buồn từ đó” (người đàn bà ngồi khâu lại vết thương).
Với cuộc đời, thơ Khét gai góc, khắc khoải bao nhiêu thì với tình yêu thơ anh lại đầy chất thơ và mượt mà bấy nhiêu: “mùa hạ xưa em đến ve không còn khóc nữa/ thuở đôi mươi ngủ dưới chòm hoa dại/ em mặc áo nâu cho vạt nắng/ em gánh nước vào anh” (ơn em).
Đôi khi có cả những ngậm ngùi: “ừ thì chúng mình cùng buồn như cỏ dại/ từng lang thang đầu bãi cuối ghềnh/ nhưng tôi vẫn xin níu lại chút hoang mang thời trẻ dại/ ta tập lại ít khạo khờ để sống nốt hôm nay” (xin phép… làm người dở dang).
Sau cuối, những bôn ba vay trả cuộc đời, thì Mẹ và quê hương luôn còn lại trong anh, đó là nơi anh luôn khắc khoải, ngóng trông. Khi “tôi vấp vào em thôi cũng mất một nửa đời” anh lại nhớ “mẹ vấp vào gì mà chẳng còn tuổi nào”. Tuổi nào mẹ “ngồi khỏa nước, mặc áo bà ba”, tuổi nào “mẹ sang sông”?
69 bài thơ, một phong thái, một giọng thơ, mỗi bài thơ là một tâm tình anh gửi gắm. Thơ Khét lạ, hồn nhiên mà già dặn, cái đặc trưng ấy ai đã đọc một lần sẽ nhớ. Sau bão giông là khoảng lặng, khoảng lặng trong tiếng chuông rơi, có phần u uất và chùng lại như một nốt trầm, nhưng cũng chính nốt trầm này đã cho thơ Khét thăng hoa:
“tôi đồ tể nghe kinh
lăn mình theo tràng chuỗi
tay sầu sâu hoăm hoắm
tiếng chuông rơi lặng thinh”
(kinh)
Và cuối cùng, chàng trai miền sông nước ấy đã tìm thấy sự thanh thản sau những phù du hư ảo như là một triết lý sống ở cõi nhân gian “một ngày chân gối mỏi/đi về phía lặng thinh” (lặng).
Bình luận (0)