Những ngày này, TP.HCM đang vào cao điểm mùa cưới 2024. Giữa lúc kinh tế eo hẹp, giá vàng tăng chóng mặt, các cặp đôi ở TP.HCM đã chuẩn bị đám cưới cho mình như thế nào? Khách mời rơi vào cảnh "cháy túi" khi trong tháng nhận từ 3 – 4 thiệp mời cưới? Những người phải đi đám cưới của bạn bè thân thiết hay anh em ruột thịt… có đau đầu khi giá vàng tính đến hôm 5.11 đã sát nút 9 triệu đồng/chỉ, bằng thu nhập của một người.
Ghi nhận thực tế, chia sẻ những tâm tư của các cặp đôi đang rục rịch cưới và cả những người được mời cưới, Báo Thanh Niên đăng tải loạt bài "Cưới hỏi thời nay".
Có trăm triệu mới dám làm đám cưới?
Chỉ làm đám cưới và đãi tiệc ở TP.HCM, Nguyễn Thị Thùy Dương (chủ một tiệm nail ở Q.Bình Thạnh) cho biết, cô và chồng đã yêu nhau được 7 năm và vừa mới tổ chức đám cưới vào tháng 4 năm nay. Thời gian đó, lo chi phí ngày càng tăng, cả hai đã dự tính cho đám cưới bằng cách tiết kiệm tiền dần dần.
Dương ở Q.Bình Thạnh, chồng ở H.Củ Chi nên không phải di chuyển xa hay đãi tiệc nhiều nơi như nhiều người trẻ xa quê khác đang ở TP.HCM. Do đó, về phía nhà gái, Dương nhẩm tính đã từng bỏ ra hơn 150 triệu cho tiệc cưới.
Cụ thể cô nói: "Với cá nhân tôi dù đã tiết kiệm cho một số công đoạn nhưng cũng phải bỏ ra số tiền lớn như: trang điểm, thuê quần áo cưới gần 10 triệu đồng; chụp hình cưới ngoại cảnh 15 triệu; trang trí gia tiên gần 10 triệu; quay phim tiệc, kiểu truyền thống và phóng sự cưới cũng gần 20 triệu…"
Ngoài ra, Dương cũng cũng chi tiền đãi tiệc ở nhà hàng nằm khoảng 100 triệu đồng, với 20 bàn tiệc (trung bình mỗi bàn khoảng 5 triệu đồng). Do đó, cô nói rằng trước khi cưới đã khảo sát giá ở nhiều nơi và nhận thấy số tiền cưới như vậy chỉ ở mức trung bình trong thời điểm hiện nay.
Đồng quan điểm với Dương, anh Nguyễn Tuấn (29 tuổi, quê Đắk Lắk), hiện đang làm kỹ sư ở Q.Tân Phú cho biết dù vợ chồng anh có quê xa đều vào TP.HCM học tập rồi lập nghiệp.
Tháng 12 tới đây, vợ chồng anh Tuấn chỉ tổ chức tiệc báo hỷ, mời bạn bè, đồng nghiệp gần gũi với khoảng 10 bàn tiệc tại một nhà hàng ở Q.Tân Phú nhưng tính nhẩm cũng phải "dằn túi" hơn 100 triệu đồng.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, hiện nay người trẻ cần bao nhiêu tiền để tổ chức đám cưới?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Anh Tuấn đặt tiệc 3,7 triệu đồng/bàn, đồ uống tính riêng tại một nhà hàng tiệc cưới nhỏ, không quá nổi tiếng. Các chương trình hay trang trí tiệc đều được anh cắt giảm bớt để tiết kiệm.
"Tôi thấy hiện tại xung quanh bạn bè, đồng nghiệp ai cũng gặp khó khăn. Riêng tôi năm vừa qua cũng bị giảm lương nên rất hiểu, không phải tính toán nhưng có thể với các mối quan hệ đồng nghiệp trong công ty, bạn bè thường sẽ bỏ phong bì khoảng 500.000 đồng. Số ít bạn bè thân hơn thì bỏ khoảng 1 triệu đồng. Với số tiền chi cho bàn tiệc như thế, tôi hy vọng sẽ không phải bù lỗ", anh Tuấn nói.
Khác với chị Dương, anh Tuấn không thuê dịch vụ quay phim làm phóng sự cưới mà chỉ chụp hình tiệc để làm kỷ niệm. Vợ chồng anh cũng không chụp ảnh ngoại cảnh mà chọn gói chụp ở studio, in một tấm hình lớn để ở cổng cưới và vài tấm hình nhỏ để bàn trang trí, giá chỉ hơn 3 triệu đồng…
Đám cưới tối giản nhất: Sao vẫn phải chuẩn bị cả trăm triệu
Với lượng khách không quá nhiều, tối giản nhiều thứ nhưng tại sao anh Tuấn phải chuẩn bị cả trăm triệu đồng?
Đó là vì ngoài tiệc báo hỷ ở TP.HCM, vợ chồng anh Tuấn còn lo tiền đám cưới ở nhà trai và nhà gái. Bởi ba mẹ hai bên đều đã lớn tuổi, ít khả năng chi trả cho đám cưới của con cái, nên vợ chồng anh phải tự lo mọi thứ.
"Nhà tôi cách quê vợ gần 500 km nên phải tốn tiền thuê xe đi lại. Mỗi bàn tiệc ở quê hiện tại ít nhất cũng khoảng 2 triệu đồng. Bà con đông, tôi ước tính phải mời hơn 300 khách, vị chi là 60 triệu đồng cho tiệc cưới mỗi nhà. Chưa kể phải sắm vàng làm sính lễ, trang trí bàn gia thờ gia tiên, chụp ảnh, trang điểm, thuê đồ cưới nữa…", anh Tuấn chia sẻ.
Anh bật mí thêm, hiện tại giá vàng đang cao, cưới hỏi thời điểm này không khác nào "trúng mánh". Tuy nhiên, anh Tuấn chỉ cười trừ, cho rằng chính bởi vì giá vàng quá cao nên ba mẹ hay anh chị em ruột thịt cũng khó có thể sắm sửa. "Thay vào đó, có thể mọi người sẽ tặng một số tiền trong khả năng. Hơn nữa, tôi cũng thấy áp lực khi nhận vàng nên không dám trông đợi", anh Tuấn cho hay.
Cũng cưới vợ vào đầu năm 2018, Nguyễn Minh Quân (34 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) nhưng đến giờ anh vẫn nhớ như in thời điểm làm đám cưới của vợ chồng. Vào TP.HCM lập nghiệp nhưng khi cưới anh và vợ phải tổ chức ở 3 nơi là Khánh Hòa, Thanh Hoá và TP.HCM.
Dù tiết kiệm tối thiểu, nhưng anh cho rằng đó là số tiền rất lớn khi vừa ra trường làm việc được vài năm đã cưới vợ. Anh phải vay mượn thêm của bạn bè mới chu toàn được đám cưới.
Đầu tiên, anh Quân phải bỏ ra 8 triệu đồng cho chụp hình ngoại cảnh. Kế đến là cặp nhẫn cưới 2,5 triệu đồng, vàng cưới 5 triệu, và khoảng 10 triệu tiền mặt. Về phần tiệc chiêu đãi ở Thanh Hóa gia đình anh tự nấu ở nhà nhưng cũng mất hơn 15 triệu cho nguyên liệu thực phẩm, thuê rạp, chụp hình.
"Đó chỉ là phần nhỏ, còn riêng tiền vé máy bay đi lại 3 nơi cho gia đình 2 họ tôi cũng phải bỏ ra gần 30 triệu đồng. Chưa kể còn tiền lưu trú khách sạn, ăn uống lặt vặt cũng gần 30 triệu nữa. Cuối cùng là phần đãi tiệc báo hỷ trong nhà hàng tại TP.HCM vào khoảng 40 triệu đồng", anh Quân chia sẻ và tổng kết rằng chi phí cho đám cưới vào năm đó mất gần 150 triệu đồng.
Giá bàn tiệc ở TP.HCM mùa cưới ra sao?
Đầu tháng 11, PV Thanh Niên khảo sát mức giá dịch vụ tiệc cưới tại các nhà hàng ở trung tâm và ngoại ô TP.HCM.
Theo ghi nhận, dù trong cao điểm mùa cưới nhưng các nhà hàng vẫn còn trống khá nhiều sảnh tiệc vào 2 ngày cuối tuần, từ đầu tháng 11 đến hết năm 2024. Đặc biệt, nhiều nhân viên tư vấn tiệc cưới ở các nhà hàng cho biết xu thế chung của các cặp đôi năm nay là cắt giảm và giới hạn số lượng khách mời. Tiết kiệm tiêu chí mọi người ưu tiên hàng đầu thay vì thoải mái lựa chọn nhiều dịch vụ với quan niệm "đời người chỉ cưới 1 lần" như trước đây.
Tại một nhà hàng tiệc cưới tầm trung tại Q.1, mức giá dao động từ 3,9 – 5,9 triệu đồng/bàn 10 người. Nhà hàng cung cấp 2 loại sảnh tiệc, sảnh nhỏ từ 10 - 16 bàn, sảnh lớn tối đa 35 bàn. Nếu khách hàng chọn sảnh tiệc từ 19 bàn, tương đương 190 khách trở lên sẽ được nhà hàng miễn phí các gói dịch vụ đi kèm như trang trí sân khấu, dàn nhạc, tiết mục mở màn, MC…, bia và nước suối, nước ngọt phục vụ tối đa theo nhu cầu trong 2 tiếng rưỡi diễn ra tiệc cưới.
Các phát sinh khác ngoài thỏa thuận sẽ được nhà hàng tính thêm phí.
Còn một nhân viên tư vấn nhà hàng ở Q.10 tiết lộ giá bàn tiệc ở mức thấp nhất cũng với 3,9 triệu/bàn 10 người chỉ mới được nhà hàng đưa ra hồi giữa tháng 10 cho những khách đặt cọc giữ sảnh tổ chức tiệc từ 14.10 đến ngày 14.11. Thời gian áp dụng cho tiệc cưới diễn ra từ ngày 15.10 đến ngày 31.1.2025.
"Tâm lý chung của nhiều cặp đôi là muốn đặt chỗ sớm, trước ngày cưới khoảng vài tháng để chọn được ngày và sảnh ưng ý. Tuy nhiên, tùy từng thời điểm, nhà hàng sẽ có nhiều chương trình ưu đãi linh động như trên, khách hàng có thể nhận được ưu đãi bàn tiệc với giá thấp hơn bình thường", nhân viên này nói. Bởi, trước đó, nhà hàng này giữ mức giá thấp nhất là 4,3 triệu đồng/bàn tiệc.
Khảo sát thêm 5 nhà hàng tiệc cưới ở khu vực trung tâm và vùng ven TP.HCM, phóng viên ghi nhận mức giá bàn tiệc cũng dao động vào khoảng 3 – 5 triệu đồng/bàn. Như vậy, một tiệc cưới đơn giản có giá từ 60 – hơn 100 triệu đồng cho 20 bàn. Tuy nhiên, đa phần các tiệc cưới đều nhiều hơn 20 bàn thì giá cả tăng nhiều lần hơn.
Tất cả các nhà hàng đều nhận thanh toán trực tiếp hoặc chuyển khoản trong 3 lần. Lần thứ nhất là đặt cọc giữ sảnh theo ngày tổ chức tiệc đã chốt với mức giá từ 10 – 15 triệu đồng. Lần thứ 2 sẽ ký hợp đồng, khách hàng xác định dịch vụ và thực đơn, thanh toán 40% giá trị hợp đồng trong khoảng 60 ngày trước ngày tổ chức tiệc. Lần thứ 3 sẽ thanh toán sau khi tiệc kết thúc. Đặc biệt, nhà hàng sẽ không hoàn trả tiền cọc trong với bất cứ lý do nào khi đặt tiệc cưới.
Bình luận (0)