Nhiều vụ cướp táo tợn
Nhiều người đã nói như thế vì đây là thời điểm cuối năm, và nhất là khi thời gian qua có nhiều vụ cướp giật táo tợn đã diễn ra.
Mới đây, vào chiều ngày 17.12, chị L.T.T (42 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) bưng tô hủ tiếu về trước cửa nhà thì hai người đi trên xe máy BS 59T1 - 889.25 xuất hiện vòng xe qua trước mặt chị T. Bất ngờ người ngồi sau nhanh như chớp giật phắt sợi dây chuyền nạn nhân đang đeo rồi cả hai phóng xe lao đi.
Ngay sau đó, Đội CSHS đặc nhiệm (Đội 3 - PC02 - Công an TP.HCM) cho biết đơn vị này vừa phối hợp với Công an H.Bình Chánh (TP.HCM) truy xét và bắt được hai nghi phạm gây ra vụ cướp giật dây chuyền tại địa phương.
Cùng ngày 17.12, một nữ nghi can cướp giật tại tiệm vàng Phi Hùng Phát (P.Tân Hiệp, TX.Tân Uyên, Bình Dương) đã bị người dân bao vây, bắt giao công an xử lý.
Những vụ việc như thế đã khiến nhiều người cảnh báo nhau "phải cẩn thận, kẻo trở thành nạn nhân của tình trạng cướp giật hoành hành".
|
Giới trẻ hiến kế cho nhau
Mới đây, thành viên Chánh Chung đăng tải chia sẻ về câu chuyện đi rút tiền ở nhà điều hành ĐH Quốc gia TP.HCM, và phát hiện những kẻ tình nghi là trộm cướp đã khiến nhiều sinh viên lo lắng. Theo Chung, các đối tượng đi xe tay ga, dùng khẩu trang y tế che lại biển số và hay lân la ở các điểm đặt trụ ATM.
Chia sẻ này đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm sinh viên đang trọ học ở Làng ĐH Thủ Đức. Chung chia sẻ kinh nghiệm khi đi rút tiền, cần rủ bạn bè đi cùng để yên tâm, không nên một mình đi rút tiền vào giờ trưa.
Cũng liên quan tới việc rút tiền ATM, nhiều ý kiến lưu ý: Khi đi rút tiền, đừng quên rút chìa khóa, và phải luôn chú ý xe dựng bên ngoài, kẻo rút tiền xong thì xe đã "bốc hơi".
tin liên quan
Cẩn thận chiêu 'ảo thuật' để trộm tài sản nhanh như chớpTheo Lê Anh Tuấn, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM thì "cuối năm nên trộm cướp sẽ nhiều hơn. Vì thế, nếu chủ quan thì dễ mất tài sản". Tuấn cho biết vào thời điểm này năm ngoái, phòng trọ của Tuấn ở gần Công ty TNHH Thương mại Chế biến thực phẩm Tân Tân (Dĩ An, Bình Dương) đã bị trộm bẻ khóa và lấy đi 2 điện thoại, 1 laptop và 1 ví tiền. "Kể từ đó, mình rất cảnh giác. Luôn khóa cửa hai lớp, không để tài sản có giá trị trong phòng khi ra ngoài", Tuấn nói.
Nguyễn Quang Vũ, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, chia sẻ từng thấy cảnh cướp giật trên QL 1A, ngay khu vực trước Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Nạn nhân đã bị giật dây chuyền. Vì bị giật bất ngờ nên không thể làm chủ tay lái và ngả xuống đường. "Mong là mọi người đi đường đừng nên đeo nữ trang quý giá, hoặc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Vì đó sẽ là 'mồi ngon' cho bọn trộm cướp. Thời điểm cuối năm rồi, phải cẩn thận hết cỡ", Vũ chia sẻ.
Đã từng là nạn nhân của vụ trộm năm ngoái khi đang trọ ở đường Hoàng Diệu 2 (Q.Thủ Đức, TP.HCM), chị Trương Thị An (32 tuổi, đang là công nhân Khu chế xuất Linh Trung) chia sẻ kinh nghiệm: "Cần đoàn kết với những người ở trọ trong cùng khu. Để qua đó nhờ họ canh nhà giúp, xem có người lạ lảng vảng trong khu vực phòng trọ không. Cũng như khi đi làm về, dù mệt cũng phải khóa xe cẩn thận hoặc dắt vô phòng. Khi ngủ phải đóng cửa cẩn thận, không nên để ví tiền, điện thoại hoặc tài sản có giá trị ở gần cửa sổ rất dễ bị "câu".
"Chỉ có sự cảnh giác và cẩn thận thì mới có thể giúp mỗi người thoát khỏi tình cảnh bị trộm, bị cướp giật. Chỉ cần một chút lơ là trong việc bảo vệ tài sản là mọi thứ có thể 'không cánh mà bay', chị An nói thêm.
Sự cẩn thận là không thừa
Theo "hiệp sĩ" Nguyễn Văn Minh Tiến, thì khi tham gia giao thông, nên nhìn gương chiếu hậu xem có ai dõi theo mình suốt một quãng đường dài hay không. Hoặc khi dừng xe đèn đỏ thì cũng nên chú ý xem có ai hay nhìn về phía mình. Nhất là những khi vừa rút tiền ở các trụ ATM, cần cảnh giác coi có ai đang hành động khả nghi. "Sự cẩn thận là không thừa, giúp mọi người có thể tránh bị cướp giật".
Còn tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, người từng tham gia hướng dẫn nhiều khóa kỹ năng sống cho giới trẻ, thì chia sẻ để phòng tránh bị giật đồ, khi đang đi bộ nên đeo giỏ xách chéo vai và hướng vào phía trong, đồng thời đi sâu vào trong lề, tay giữ chặt giỏ, mắt thỉnh thoảng quan sát từ xa để phát hiện những kẻ tình nghi. Khi thấy kẻ khả nghi, cần tạt vào nhà dân hay hàng quán bên đường ngay lập tức, đợi kẻ tình nghi đi khuất rồi mới tiếp tục ra đường.
Còn khi đi xe thì nên cất giỏ xách vào cốp xe, hoặc không thì quấn chặt quai nhiều vòng vào cổ xe và lấy áo khoác đậy lại, không nên đeo trên vai dù là đeo xéo vai vì rất dễ bị cắt hoặc khi bị giật nạn nhân sẽ bị kéo lê trên đường.
Ông Hiếu cũng khuyên mọi người không nên phô diễn tài sản ngoài đường phố. Nếu như không cất nữ trang vào cốp xe thì nên gài nút cổ, che kín vòng vàng nhẫn kim cương bằng bao tay và áo khoác. Bên cạnh đó, nên từ bỏ thói quen nghe điện thoại ngoài đường, sử dụng điện thoại khi đang lưu thông. “Không có 'công thức thoát hiểm' nào hiệu quả 100%. Cách ứng phó tốt nhất là hãy đề phòng cảnh giác. Càng ít sơ hở, chúng ta càng đỡ”, ông Hiếu nói.
Bình luận (0)