Trong thư, phụ huynh viết: "Vào ngày 21.5.2023, chúng tôi được mời dự họp phụ huynh cuối năm học để biết về tình hình học tập của con em. Tuy nhiên, ngoài vấn đề đó thì nhà trường còn tổ chức thu tiền để trang bị ti vi cho học sinh. Chúng tôi thắc mắc là mỗi lớp đều có ti vi và đã cuối năm học rồi thì trang bị để làm gì nữa. Trong khi đó, mang danh nghĩa là tự nguyện nhưng khi triển khai thì ban đại diện chia thẳng theo đầu người (danh sách phụ huynh có ký tên nhưng không ghi số tiền cụ thể vì mặc định mỗi phụ huynh là 210.000 đồng)…".
Ngày 22.5, trả lời phóng viên Báo Thanh Niên qua email về vấn đề vận động tài trợ ti vi 65 inch, cô Phạm Thị Kim Ngân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng, Q.12, TP.HCM, cho biết, tại buổi họp cha mẹ học sinh cuối năm hôm 21.5, nhà trường có kết hợp báo cáo hoạt động của nhà trường và tình hình học tập của học sinh cho phụ huynh các lớp.
Đồng thời, nhà trường triển khai kế hoạch số 87/KH-KĐ ngày 18.5.2023 về việc vận động tài trợ giáo dục "Trang bị màn hình ti vi LCD 65 inch cho các lớp học đã được phê duyệt của Phòng GD-ĐT theo Thông tư số 16 năm 2018 của Bộ GD-ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Lộ trình thực hiện từ tháng 4.2023 đến tháng 4.2024, theo cô Ngân.
Cô Ngân khẳng định: "Nhà trường đã quán triệt cho đội ngũ giáo viên, khi triển khai thực hiện vận động phải nói rõ việc vận động thực hiện công trình tài trợ phải hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc, không có sự cào bằng".
Trên tinh thần cầu thị, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng cho biết sẽ mời người phản ánh thông tin với báo chí để gặp gỡ, làm rõ thông tin mà phụ huynh đã phản ánh (về việc ban đại diện phụ huynh thu tiền từng phụ huynh là 210.000 đồng/người chứ không trên tinh thần tự nguyện-PV).
Nhà trường công khai kế hoạch vận động tài trợ ti vi 65 inch
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh Niên, từ ngày 20.5.2023, website chính thức của Trường tiểu học Kim Đồng, Q.12, đăng tải công khai văn bản "Kế hoạch vận động tài trợ trang bị màn hình ti vi LCD 65 inch cho các lớp học".
Bài đăng đính kèm bản scan kế hoạch vận động tài trợ có xác nhận, phê duyệt của lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.12, TP.HCM; bảng chào giá của một công ty cung cấp, tất cả chi phí cho 1 màn hình ti vi 65 inch kèm chi phí lắp đặt, gia công bảng đen hiện hữu thành bảng khung trượt, chi phí nhân công… là 20.058.500 đồng (đã tính thuế VAT).
Trong văn bản kế hoạch vận động tài trợ trang bị màn hình ti vi, Trường tiểu học Kim Đồng nêu ra những khó khăn trong công tác vận động tài trợ.
"Nguồn kinh phí thường xuyên của đơn vị không thể cân đối để thực hiện tất cả các nội dung mua sắm, nhất là những nội dung phát sinh trong thực tế quản lý đơn vị. Một vài phụ huynh học sinh còn tư tưởng "nhà nước phải trang bị cho trường công lập tất cả thiết bị theo nhu cầu", chưa thấu hiểu khó khăn của nhà trường trong việc thực hiện xã hội hóa, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, phục vụ dạy học đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đổi mới giáo dục", theo văn bản của Trường tiểu học Kim Đồng.
Cũng theo văn bản này, về thiết bị hỗ trợ dạy học, màn hình ti vi 32 inch tại các lớp học được trang bị từ năm học 2011-2012 đã xuống cấp, vài ti vi hỏng màn hình, mất kết nối internet nên khó khăn trong ứng dụng công nghệ trong dạy học; kích thước màn hình ti vi khá nhỏ, bắt chếch trên cao, lệch sang một phía, ảnh hưởng sức khỏe học sinh ngồi bàn đầu và học sinh khó quan sát, nhất là những học sinh ngồi cuối lớp.
Bộ GD-ĐT quy định như thế nào về vận động tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân?
Trong Thông tư số 16 ban hành ngày 3.8.2018, Bộ GD-ĐT quy định cụ thể nguyên tắc, nội dung, hình thức, quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo đó, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh những nguyên tắc cơ bản trong việc tài trợ: Phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Cũng theo Thông tư số 16, Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục được nhận tài trợ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành. Việc quản lý, sử dụng các khoản tài trợ phải theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích và không để thất thoát, lãng phí. Không tiếp nhận các hiện vật không đáp ứng mục đích sử dụng trong cơ sở giáo dục, hiện vật độc hại, nguy hiểm đối với môi trường, sức khỏe của cán bộ, giáo viên, nhân viên và người học.
Thông tư đồng thời quy định rõ những nội dung được vận động tài trợ như: Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục; hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh cơ sở giáo dục không tiếp nhận tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.
Bình luận (0)