Đồng loạt ra quân cày đường
|
Đáng nói, hai bên đường Hoàng Diệu hầu hết là các hộ kinh doanh, công trình ngổn ngang kéo theo bụi mù mịt ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của những hộ này cũng như việc đi lại của người dân.
“Đường này cũng có lồi lõm do xe tải thường xuyên qua lại ban đêm nhưng đâu phải mới. Quanh năm không làm, cuối năm người ta buôn bán chạy hàng lại đè ra cào lên lấp lại. Bụi bặm mù mịt thế này, nhà cửa còn phải đóng cửa im ỉm chứ bán buôn gì nổi”, chị Hoài, bán tạp hóa tại đường Hoàng Diệu, than.
Cũng trên địa bàn Q.4, dọc đường Nguyễn Tất Thành, kéo dài tới đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7), hàng loạt lô cốt chiếm dụng mặt đường khiến các “điểm đen” giao thông càng thêm ùn tắc nghiêm trọng.
Vào giờ cao điểm, hàng dài xe máy, ô tô chen nhau nhích từng chút vào đường Nguyễn Tất Thành, lan sang tới cầu Khánh Hội, áp lực lên cả giao thông phía đường Tôn Đức Thắng (Q.1).
tin liên quan
TP.HCM tạm ngưng các công trình đào đường để phục vụ Tết Dương lịch 2019Tương tự, đoạn giao Nguyễn Đình Chiểu - Mạc Đĩnh Chi (Q.1), nhiều con hẻm thuộc đường Võ Văn Tần (Q.3), Phạm Thế Hiển (Q.8), Minh Phụng, Võ Văn Kiệt (Q.6)... cũng xuất hiện loạt công trình rải nhựa, rào chắn dựng lô cốt thi công đào đường, chỉnh trang vỉa hè...
Theo Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra công tác thi công xây dựng các công trình hạ tầng giao thông đường bộ của Thanh tra Sở GTVT, tính đến tháng 12, trên địa bàn TP.HCM có tổng cộng 123 vị trí rào chắn trên 48 tuyến đường để phục vụ thi công các công trình.
Từ 22.11 - 18.12, Thanh tra Sở đã phát hiện và lập 62 biên bản vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 406 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong, không thu dọn ngay các biển báo hiệu, rào chắn, phương tiện thi công...
Cuối năm mới có tiền để làm ?
Lý giải về “điệp khúc” cuối năm lại đào đường, một nguyên cán bộ tại Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện các công trình chủ yếu thuộc quản lý của quận, huyện và được xây dựng kế hoạch, đăng ký vốn, báo cáo về UBND TP từ đầu năm. Tuy nhiên các thủ tục dự toán, đấu thầu và đặc biệt là giải ngân vốn diễn ra rất chậm. Thông thường, các dự án được duyệt từ đầu năm nhưng phải đến quý 3, quý 4 mới được cấp vốn để thi công. Do đó tình trạng dồn dự án, đồng loạt khởi công vào giai đoạn cuối năm gần như năm nào cũng diễn ra.
“Vẫn biết là không tốt nhưng cơ chế như vậy rất khó để thay đổi. Ngân sách nhà nước nên việc gì cũng phải làm từ từ, sợ trách nhiệm nên không ai dám làm nhanh, làm tắt”, vị này nói.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hùng, Phó phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía nam, cho rằng cơ chế quản lý hành chính chỉ là một phần nguyên nhân. Quan trọng là lực lượng quản lý có muốn thay đổi không hay cố tình lợi dụng bất cập của cơ chế để “chạy” cho kịp chỉ tiêu giải ngân, gom số ngân sách còn dư đổ vào các dự án làm dịp cuối năm.
Theo ông Hùng, việc cấp tập thi công dịp cuối năm không chỉ gây xáo trộn cuộc sống người dân, nhếch nhác bộ mặt đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ tạo ra các công trình kém chất lượng. Vì một số đơn vị thi công ngày lễ, tết có tâm lý lợi dụng tình thế cấp tập, đơn vị quản lý dễ bỏ qua sai sót nhỏ, dễ nghiệm thu... để luồn lách, thi công không đảm bảo chất lượng.
PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng không thể để chuyện này kéo dài mà cần phải có giải pháp để thay đổi.
Theo đó, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích đầu tư hợp tác công - tư để mở rộng khả năng thu hút vốn tư nhân hoặc vay vốn ngân hàng, ứng trước vốn cho các đơn vị thi công để có thể chủ động triển khai dự án sớm.
Bình luận (0)