Câu chuyện về nạn hát karaoke trong khu dân cư bất kể giờ giấc, công suất loa hết cỡ đã nhiều lần được Thanh Niên lên tiếng, nhưng có vẻ các cơ quan chức năng ở nhiều nơi vẫn chưa nhận thức rõ “đây không hề là vấn đề nhỏ”.
Trên fanpage Báo Thanh Niên (facebook.com/thanhnien), với khoảng 1,8 triệu người theo dõi, nhiều người đã “inbox” cho nhóm quản trị với lời lẽ thống thiết: Tình trạng hàng xóm hát karaoke bằng loa kẹo kéo, ô nhiễm tiếng ồn hiện tại quá nhiều. Mong Báo Thanh Niên có thể tiếp tục phản ánh về vấn đề này.
Karaoke mọi lúc mọi nơi, bất kể giờ giấc khiến người nghe bị “tra tấn” |
ĐÌNH TUYỂN |
Không thể để tồn tại kéo dài
Quả đúng vậy! Đây không phải là vấn đề nhỏ, khi mà hôm 22.12, Công an tỉnh Thanh Hóa phát đi cảnh báo về tình trạng xô xát, đánh nhau vì… karaoke. Theo Công an Thanh Hóa, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ ẩu đả, gây thương tích do mâu thuẫn từ việc hát karaoke trong các khu dân cư. Do vậy, Công an tỉnh khuyến cáo người dân khi hát karaoke phải đúng nơi, đúng thời điểm, tránh xảy ra tình trạng gây mất an ninh trật tự.
Bạn đọc (BĐ) Phương Thảo bức xúc: “Cứ đến gần tết lại bị tra tấn bởi karaoke và nhạc xập xình ở các quán nhậu từ thành phố đến vùng quê. Không biết bao giờ cơ quan chức năng mới mạnh tay với loại hình bị lạm dụng và gây phiền nhiễu này?”.
BĐ Trọng Tín ví von: “Hàng xóm chịu đựng tiếng ồn karaoke giống như cây cầu chịu lực cộng hưởng của người đứng nhún nhảy từng nhịp, từng nhịp trên đó vậy. Hát một khoảng thời gian nào đó thì không sao, còn kiềm chế được. Nhưng hát lâu quá, một người càng hát càng phấn khích, một người càng nghe càng bị cộng hưởng âm thanh. Đến khi điên tiết lên rồi chịu hết nổi, gãy cầu...”.
“Thỉnh thoảng báo chí đưa tin về vụ ẩu đả, án mạng thậm chí dẫn đến chết người cũng chỉ vì những xích mích, mâu thuẫn tưởng rằng nhỏ khi hàng xóm hát karaoke gây ồn ào. Những vụ án mạng đau lòng xảy ra trong thực tế ấy là điều không ai mong muốn, nhưng phần nào đó cho thấy, không thể cứ để nạn karaoke “tra tấn” người khác trong khu dân cư tồn tại từ năm này sang năm khác mà không có giải pháp chấn chỉnh”, BĐ Hoa Lúa đề nghị.
Quyết tâm là làm được !
Nhiều BĐ nhìn nhận, xử lý ô nhiễm tiếng ồn nói chung, trong đó có vấn nạn hát karaoke quá công suất, không đúng nơi quy định “tra tấn” người nghe, đang thiếu điều kiện thực tế để cơ quan chức năng có thể xử lý được ngay. Như phân tích của BĐ Trần Ngọc Đại: “Muốn xử lý, cơ quan chức năng phải có thiết bị phù hợp để đo xem độ ồn phát ra có vượt ngưỡng hay không, hoặc khi được người dân báo có tình trạng hát karaoke không tuân thủ giờ giấc quy định, tiếng ồn vượt ngưỡng cho phép, lúc cơ quan chức năng xuống hiện trường thì mọi thứ đã được “tẩu tán” dẫn đến rất khó “bắt tận tay, day tận mặt”.
Khổ với mấy “bợm nhậu” gần nhà. Mọi người có tư tưởng cuối tuần là “chơi”, hát nhậu nhẹt. Nhưng họ đâu nghĩ ngược lại rằng, có rất nhiều người tận dụng thời gian cuối tuần để nghỉ ngơi. Đúng là nạn hát karaoke công suất lớn, bất kể giờ giấc, địa điểm… “tra tấn” mệt cái tai.
Trần Văn Khanh
Nên sớm ban hành hẳn luật về ô nhiễm tiếng ồn. Nếu cơ quan chức năng xét thấy không cần thiết phải có hẳn một luật như vậy thì đưa ra quy định cấm hát karaoke ở khu dân cư, ngoài trời mà không đảm bảo yếu tố cách âm, giờ giấc để người dân được… bình yên. Nếu muốn, thì vào phòng đóng kín cửa, phòng có hệ thống cách âm đủ điều kiện được bố trí ngay trong nhà của người hát để “thưởng thức”, hoặc tự “thưởng thức” với nhau. Toàn hát lạc tông, lạc điệu, gầm rú... nghe bị ức chế lắm!
Phat Hoang
Tuy nhiên, nhiều BĐ cho rằng, không vì thế mà cơ quan chức năng cứ để tồn tại thực trạng ô nhiễm tiếng ồn mà nhiều người cho là “vấn nạn” này. Dẫn ra trường hợp TP.Đà Nẵng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với một số nhà hàng, quán nhậu vi phạm các quy định về tiếng ồn (mở nhạc gây ồn) vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA, BĐ Trần Tiến Cử khẳng định: Nếu quyết tâm và có sự quyết liệt từ cấp chính quyền cấp cơ sở có thể hạn chế được nạn ô nhiễm tiếng ồn, hát karaoke “tra tấn” người khác.
Một số BĐ cũng đưa ra giải pháp, lãnh đạo tổ dân phố, khu phố, ban quản lý chung cư nên đến từng nhà trong địa bàn mình quản lý vận động, thuyết phục người dân tuân thủ nghiêm quy định về tiếng ồn, để từ đó, ý thức của người dân được cải thiện, bởi theo BĐ D.Q.Cuong: “Nếu không xử lý quyết liệt, e rằng sẽ lại xảy ra án mạng”.
Bình luận (0)