Cuối năm, tín dụng đen lại “cắt cổ” người vay

03/12/2020 06:22 GMT+7

Nhu cầu vay tiêu dùng cuối năm gia tăng nên lãi vay, phí các khoản vay tiêu dùng qua các app, vay ngang hàng... cũng “cắt cổ”.

Lãi vay “trên trời”

Vào dịp cuối năm, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân thường cao, trở thành mảnh đất màu mỡ cho tín dụng đen hoạt động mạnh. Các hình thức cho vay ứng dụng công nghệ qua các app, vay online, vay ngang hàng đang đua nhau mời chào.

Đặc điểm hoạt động cho vay tín dụng đen là lãi suất cao, cho vay bất hợp pháp (lĩnh vực cho vay là ngành nghề có điều kiện, phải được cơ quan nhà nước cấp phép) và điều cuối cùng đó là đòi nợ bằng xã hội đen. Trong khi người vay “lấy được” và người cho vay “bất chấp không cần biết là ai” mới dẫn đến những trường hợp thương tâm tìm đến cái chết để giải quyết. Các cơ quan chức năng cũng đã cảnh báo nhiều về những hoạt động cho vay bất hợp pháp này nên người dân tham gia cần thận trọng xem xét để tránh phiền phức.

LS Trương Thanh Đức

Đơn cử app cho vay Money Cat giới thiệu cho vay khoản 3 triệu đồng, thời gian vay 90 ngày, lãi suất “hứa hẹn” 18%/năm nhưng tổng số tiền sau thời gian vay đội lên hơn 4,3 triệu đồng đến từ phí tư vấn 585.000 đồng, phí dịch vụ 630.000 đồng. Tính tổng cộng lãi và phí sau thời gian vay lên đến 43% trong vòng 3 tháng. Hay app Mo Dong cho vay 1,6 triệu đồng, kỳ hạn 7 ngày nhưng số tiền app này giải ngân chỉ 1 triệu đồng, 600.000 đồng còn lại trừ vào các loại phí. Khách hàng phải trả đủ 1,6 triệu đồng sau 7 ngày, như vậy số tiền lãi “ẩn” lên đến 60% số tiền vay, tương ứng gần 8,6%/ngày. Đây chỉ là một số trong “rừng” app hiện nay trên thị trường sử dụng chiêu lách quy định của bộ luật Dân sự quy định lãi suất cho vay dưới 20% bằng các khoản phí khác. Thực tế tính cả lãi và phí cho vay thấp nhất cũng 100%/năm, có nơi lên đến 1.400%/năm.
Vay lãi suất cao, lãi mẹ đẻ lãi con dẫn đến khả năng không trả được nợ, có người đi vay thậm chí đã phải tìm đến cái chết khi nhân viên các app “khủng bố” đòi nợ như trường hợp con gái bà T.T.N.B (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) gây rúng động thị trường vào giữa tháng 11 vừa qua. Sau khi tự tử, cô gái mới 22 tuổi để lại thư do vay tiền qua 10 app và hiện không thể trả được nợ là nguyên nhân dẫn đến hành vi dại dột này. Một trường hợp khác cũng chọn cái chết khi vướng vào vay nợ các app. Ban đầu người này vay số tiền 8 triệu đồng qua app, nhưng đến hạn không có tiền trả liền vay các app khác. Cứ quay vòng 3 tháng vay lên đến 64 app với số tiền nợ 200 triệu đồng. Điều đáng nói là kẻ cho vay vẫn đeo bám gia đình nạn nhân như “đỉa” dù biết người vay đã mất nên họ phải nhờ sự giúp đỡ của cơ quan công an.

Những “thánh chửi” trong đường dây cho vay trăm tỉ qua app lãi suất “cắt cổ” - Video tư liệu

Nơi lãi thấp lại khó vay

Một nghịch lý hiện nay là các hoạt động tín dụng đen vẫn tồn tại dù nhiều ngân hàng hiện nay đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cuối năm với lãi suất khá thấp. Mới đây, Vietcombank TP.HCM mời chào khách hàng vay mua, xây, sửa nhà ở với lãi suất 7,29%/năm cố định trong năm đầu (giảm gần 0,8%/năm), 8,4%/năm cố định trong 2 năm, 9%/năm cố định trong 3 năm...
Riêng đối với lãi suất cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động sản xuất kinh doanh vào thời điểm cuối năm, ngân hàng này cho vay ở mức 5,8%/năm với thời gian vay dưới 3 tháng và 6%/năm từ 3 - 6 tháng. Các ngân hàng thương mại khác cũng đang đẩy mạnh nguồn vốn cho vay cuối năm với lãi suất thấp nhất 5%/năm. Riêng đối với cho vay tín chấp của các công ty tài chính hiện nay cũng đang dao động quanh mức 24 - 40%/năm. Đồng thời triển khai ứng dụng công nghệ, tạo app để người vay đăng ký. Thế nhưng dư nợ cho vay tiêu dùng vẫn tăng chậm.
Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Hội đồng thành viên Công ty Basico, lý giải có thể những người không tiếp cận vốn vay ngân hàng lãi suất thấp do không chứng minh được tài chính, sợ thủ tục rườm rà nên chấp nhận vay tín dụng đen với lãi suất cao. Thực tế, các nhà băng trong mọi thời điểm đều muốn tăng trưởng tín dụng, họ có thể giảm lãi vay nhưng vẫn tắc đầu ra do không thể hạ chuẩn tín dụng, vi phạm quy định dẫn đến nợ xấu. Với quy định hiện nay lãi suất cho vay trên 20%/năm được xem là tín dụng đen, các hoạt động cho vay qua app, trên mạng, ngang hàng... đang “lách” bằng cách tính phí cao. Một số nơi còn không đưa ra lãi suất vay để tránh đó là hoạt động cho vay dù rằng bản chất phí đó là lãi vay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.