Cưỡi ngựa một tay - Truyện ngắn của Kiều Bích Hương

Bố mẹ tôi mở cho mỗi đứa con một tài khoản tiết kiệm. Mười tám tuổi, anh trai tôi rút tiền mua căn hộ trả góp. Hai năm sau, chị gái cũng sắm ô tô. Còn tôi quyết định hư hỏng.

Tôi nghĩ mình chẳng có lỗi gì sất. Mười tám rồi, tài khoản tên tôi - Kaiden cơ mà. Loáng thoáng tiếng mẹ rên: “Biết thế chuyển tên hoặc rút tiền trước. Mình ngu quá. Nó chưa biết kiếm tiền thì làm sao biết tiêu tiền”. Bố vặc lại: “Thằng anh con chị nó có thế đâu. Đấy là tiền nhà nước trợ cấp học hành, tiền ông bà cho, quà sinh nhật nó tích lại chứ tiền tôi tiền bà đâu mà rút”. “Ý tôi là rút ra, giữ cho nó thôi. Chờ nó thực sự trưởng thành mới đưa”. Nực cười. Sao không đổ tội cho ông trời đi. Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Ôm tiền ôm tội làm gì cho khổ.
Thế tôi hư hỏng cỡ nào?
Tôi tiêu vèo gần hai chục nghìn euro trong vài tháng. Bỏ học. Bị bắt quả tang hút cần sa với bạn. Thế là đủ cấu thành hư và hỏng? Tôi chẳng ngạc nhiên khi bố mẹ kết tội tôi nhanh hơn cả người ngoài. Họ nhìn tôi bằng ánh mắt hoang mang sợ hãi. Bao năm nay tôi chán ngấy kiểu lôi ông anh bà chị ra so sánh rồi. So làm sao được cơ chứ. Joe, anh tôi là kẻ nhạt nhất trần đời. Chỉ hình dung anh ta thích thú ngồi vặt râu trong căn hộ riêng và lập trình cuộc đời hai nhăm tuổi lấy vợ, ba mươi tuổi đẻ con là tôi ứ đến cổ. Bà chị Pat cũng một ca khó đỡ. Rời máy tính và kính cận, cái gì cũng khiến bà ấy lơ ngơ như con gà không đầu. Xấu như Pat mới đúng là hư và hỏng. Không lai vãng chút duyên dáng nào trên cái thân hình phẳng lì vóng vút mét chín ấy. Tóc mỏng lại hay bết dầu. Mặt dài mắt ngắn da nhợt. Tôi đồ Pat không tự mua xe mà chạy thì cứ gọi là chờ dài cổ, chẳng ma nào mời lên xe hẹn hò đâu.
Tôi chẳng hơn gì họ. Nhưng tôi biết chán. Có dạo tôi mê máy ảnh. Cả ngày chụp choẹt như lên đồng. Mà chán ngay được. Tôi định bụng sau này học nghề đầu bếp. Tự chế vài món thấy rất ổn. Ngừng học một năm làm bồi bàn, phụ bếp. Lại chán. Quay về trường học tiếp. Chán nốt. Thử hút cần sa xem có chán không. Chưa chán họ đã cử đến nhà một người giúp cai nghiện. Tên anh ta là Stuart Little. Tôi đồng ý theo Stuart về thị trấn Wee một thời gian để cai nghiện. Sẽ cách ly bố mẹ. Họ không được trực tiếp hỏi han ca cẩm tra vấn gì tôi nữa. Họ chỉ có thể gọi điện, nhận tin tức về tôi thông qua Stuart - người đại diện cai nghiện cho tôi. Thế tôi mới yên thân. Ý nghĩ này làm tôi thỏa mãn.
***
Tôi chưa thấy thị trấn miền biên ải nào buồn như Wee. Lũ trẻ con chỉ biết lội sông Esk vớt những con cá hồi, cá trích nhỏ xíu đổ đầy xô, rồi lại thả. Lũ chim diệc say nắng cụp cánh bất động như đá trên bờ cỏ. Thỉnh thoảng nhờ gió mới nghe tiếng nồi chảo cũ úp trên các cột hàng rào va leng keng. Chín giờ tối, trong góc quán các ông già bà cả ngồi chìm đi bên cốc bia hết bọt chán chẳng buồn sủi tăm. Tôi ngáp ngắn ngáp dài không ngủ nổi. Trăng quầng như mắt người mất giấc nhòm qua cửa sổ nhìn tôi run rẩy. Tôi nhìn lại trăng, tóe lên những sắc hồng vàng lục lam chàm tím... “Lại lên cơn?”, Stuart chồm lên người tôi như nhảy ngựa. Tôi co rúm, lắp bắp “Để tôi yên”. Khốn nỗi, trăng sáng đến độ vẫn thấy rõ vẻ mặt ngây ngô và hàm răng sáng bóng của Stuart. Lúc nào anh ta cũng cười được. Lạ thật. Nụ cười và gương mặt của một đứa trẻ lên bảy đang nhìn tôi, vừa háo hức vừa thách thức. “Mai con Izzy về đấy. Chú mày tha hồ mà bận”.
Stuart cũng nghiện. Anh ta nghiện ngựa. Ông Colin, bố Stuart kể năm lên bảy Stuart bị xe đâm, tổn thương cột sống và sang chấn tâm lý. Stuart nằm bất động trên giường, không giao tiếp với ai. Một ngày ông nội của Stuart từ Wee đến thăm mang theo con Papaya màu vàng mật, trán có chấm trắng hình tia chớp. Bữa ấy, con Papaya đang gặm cỏ ngoài vườn, đột ngột lộp cộp đi qua phòng khách, vào thẳng giường Stuart. Nó giụi mũi vào cổ và phì phì mùi cỏ nồng nhựa lên mặt cậu bé. Stuart mỉm cười. Từ từ, Stuart giơ tay lên vuốt mũi ngựa, áp mặt vào trán Papaya. Nửa năm sau, Stuart run run ngồi trên lưng Papaya, chầm chậm chuyển động quanh vườn. Ông Colin chuyển hẳn từ Leed về Wee để Stuart phục hồi. Và ở lại quê đến giờ. Stuart lớn lên, quay lại Leed học chuyên ngành huấn luyện thể thao rồi về làm việc tại một trường giáo dưỡng nổi tiếng. Đây là nơi tiến cử Stuart trợ giúp tôi cai nghiện. Papaya đã chết. Nhưng con của nó, Izzy, 13 tuổi vừa được chọn là ngựa của người cầm cờ lệnh dẫn đầu lễ hội vùng Wee năm nay. Còn người được chọn cầm cờ lệnh, phải cưỡi ngựa một tay, là Stuart.
Thoạt nhìn Izzy, tôi phì cười. Trời ơi, nó giống Stuart quá thể. Vóc dáng cũng gầy nhỏ, bờm mỏng dính và nhàn nhạt màu cát như tóc Stuart. Đặc biệt vẻ mặt ngây ngô hớn hở bẩm sinh sao hợp nhau thế. Izzy giống con lừa hơn ngựa. Sao được chọn là ngựa dẫn đầu cơ chứ. Stuart cũng giống anh hề rạp xiếc hơn một huấn luyện viên thể thao, một giáo viên trường giáo dưỡng chuyên áp chế lũ trẻ cứng đầu. Sao Wee lại chọn anh ta là người cầm cờ lệnh lễ hội cưỡi ngựa long trọng nhất vùng cơ chứ.
Stuart và con Izzy phớt lờ vẻ khinh khỉnh coi thường ra mặt của tôi. Lịch của Izzy khá bận rộn. Khi thì đến khách sạn dành cho ngựa để luyện gân cốt, tập phi nước đại. Khi tham gia các khóa trị liệu cho người tàn tật. Nó chỉ kịp trở về trước lễ hội Wee hai tháng. Đi nhiều, tiếp xúc đủ kiểu người, chắc nó đọc vị tôi ngay rồi. Nó làm tôi chóng mặt với lịch chăm sóc nó. Con ngựa cái này ăn và uống rất bền bỉ. Hàng tiếng đồng hồ Izzy chậm rãi nghiền yến mạch, ngô, đậu, kiên nhẫn với hạt lúa mạch còn nguyên vỏ và uống nước như tắm. Thời gian còn lại trong ngày nó đồng ý cho tôi cầm dây cương dắt đi vòng vòng quanh vườn cỏ rộng sau nhà. Cảm giác dắt Izzy khá hồi hộp. Nó chậm rãi, tôi vội vàng. Thỉnh thoảng, Izzy dừng lại, đưa lưỡi liếm gọn những lớp cỏ non mới nhú trên ụ đất lớn đùn lên ở góc vườn. Thức ăn nghiền trong mồm Izzy phả ra không khí vị hăng ngái nôn nao. Có lúc tôi xây xẩm mặt mũi khi đứng bên Izzy. Ông Colin bảo từ nhỏ đã luyện cho Izzy ăn những loại hạt có vỏ cứng để gân săn chắc, xương cốt không dễ bị xốp gãy khi đua. Tôi cãi thầm: “Làm ngựa trị liệu tâm lý thì được chứ đua điếc gì Izzy”.
Chiều, Stuart từ trường giáo dưỡng về là ra vườn gặp Izzy ngay. Tôi được thảnh thơi nhìn đôi tri kỷ nực cười này luyện tập chuẩn bị cho lễ hội. Ngắm cảnh ấy hàng ngày mà vẫn buồn cười đến nỗi không thấy chán. Thoạt tiên tôi đưa cho Stuart một cái cọc to tượng trưng cờ lệnh. Một tay anh ta cầm cọc, tay kia cầm cương, thúc Izzy lội qua sông Esk trước nhà để sang bên kia đồi. Stuart vừa nài vừa ép, vừa thúc vừa thả. Con ngựa cái nhẫn nại từng bước chênh chếch bốn nhăm độ. Stuart nghĩ anh ta chuẩn bị vào vai hiệp sĩ chính trong phim chắc? Mặt trời khuất sau lưng đồi là lúc Stuart và Izzy thả dốc. Như Don Quijote vừa giao chiến với cối xay gió trở về qua cánh đồng Montiel. Xuống dốc, Izzy vẫn chỉ được ghìm cương một bên. Thỉnh thoảng nó mới lỡ chân để những viên đá rời khỏi lưng đồi, lăn qua bãi cỏ, tõm xuống lòng sông. Lũ chim diệc hốt hoảng đẩy cánh nhao lên chấp chới, náo động. Izzy không giật mình trước tiếng động lạ. Stuart cũng vậy. Anh ta ném cọc về phía tôi làm tôi bừng tỉnh, đưa tay chộp vội kẻo vỡ mặt. Trong tay đã sẵn chiếc khăn bông dày, tôi nhè nhẹ nhúng nước ấm, vắt kỹ rồi mới lau mồ hôi nồng rịn ra khắp mình mẩy Izzy. Nó khì hơi vào cổ tôi, thè lưỡi nóng hổi liếm mặt tôi cảm ơn. Tôi vỗ nhè nhẹ cổ nó, lẩm bẩm: “Tao vẫn nghi ngờ mày lắm. Bộ dạng này dẫn đầu đoàn nổi không”. Mấy ngày nay, tôi đã âm thầm theo dõi hai anh chàng hộ tống bên trái và bên phải cho Stuart trong lễ hội. Họ cũng tập leo đồi. Nhìn mà lo sốt vó. Hai con ngựa cơ bắp cuồn cuộn sáng bóng, xoáy trán xoáy cương xoáy hông nét nào cũng sắc và căng. Khi thả bước, những chiếc đuôi lông dày màu xám thép tết sam của chúng vung vẩy mới đẹp và kiêu hãnh làm sao. Tôi lo Izzy sẽ không hoàn thành nhiệm vụ của một con ngựa dẫn đầu. Tôi cũng ngượng vì nó xấu mã nữa. Izzy và Stuart, chẳng là gì của tôi cả, thế mà cứ hồi hộp chờ thứ sáu cuối cùng của tháng bảy, ngày mở hội thị trấn Wee. Tôi sẽ ra sao nếu Stuart và Izzy thành trò hề cho thiên hạ.
Từ thứ tư người ta đã dán lên cửa sổ, cửa hiệu nhà hàng những dòng chữ “Chúc Stuart Little thượng lộ bình an”, “Gửi lời chúc tốt lành nhất tới Stuart Little và đoàn cưỡi ngựa”. Cả Wee đổi sắc diện. Thảm đỏ trải cửa khách sạn. Đèn đóm sáng hơn, chuyện trò rôm rả hơn. Bãi cỏ nơi lũ trẻ vẫn tụt giày lội suối bắt cá mọc lên vòng đu quay, thú nhún, cầu tụt xanh đỏ. Người từ Liverpool, từ Leed đổ về Wee, xếp hàng dài mua bia trong mấy quán đêm. Thị trấn chật dần. Vẻ mặt vênh váo của lũ thanh niên thành phố và ánh nhìn tọc mạch thị trấn làm tôi khó chịu. Tôi nổi da gà mỗi khi có đám thanh niên ào ào đi qua. Khốn khổ hơn, cảm giác hình như ai đó đang theo dõi mình từ góc bí mật nào đó. Tôi nhớ gương mặt ngây ngô cùng nụ cười trẻ thơ của Stuart và Izzy quá. Tôi thèm mùi yến mạch, mùi nhựa cỏ phả ra từ hơi thở phì phì. Tôi muốn áp mặt vào làn da rung rung như máy mát xa nhè nhẹ của Izzy để dập đi những khối nóng lạnh đang cuồn cuộn trong lòng. Họ đã rời nhà đi từ sáng thứ ba để tập trung cho lễ hội thứ sáu rồi. Trước khi đi, Stuart nháy mắt với tôi: “Chú mày chuẩn bị đón khách quý nhé”.
Tôi chẳng muốn đón ai. Cũng không muốn ra phố thời điểm này. Chỉ mong Stuart và Izzy mau chóng trở về. Chiều thứ năm, ông Colin khoát tay ra hiệu theo ông đi bộ lên đoạn phố dài khoảng nửa cây số, nằm nghiêng bốn nhăm độ hướng lên đồi Whita: “Trưa mai, Stuart và con Izzy sẽ qua đây. Cậu nên đứng ở vị trí này xem rõ nhất”.
Nóng thế mà ông Colin vẫn mặc chiếc quần nhung màu rêu đính hai quai bắt chéo vai. Nóng chưng cất thành từng giọt mồ hôi trên đầu mũi đỏ của ông. Chúng tôi vừa đi vừa thở phì phò. Ông Colin có vẻ bồn chồn. Tôi không khác ông là bao. Tạt vào một nhà người quen, ông Colin chỉ cho tôi chiếc bánh mì tròn dẹt không men thơm mùi lúa mạch vừa nướng chín đặt vừa khít một thớt gỗ dày. Mấy người đàn ông xúm lại. Người ta đặt con cá trích muối bắt từ sông Esk nằm ngay ngắn như kim đồng hồ chỉ sáu giờ lên bánh. Người giữ chiếc đinh dài khoảng một gang tay. Phập. Ông Colin vung búa đóng đinh xuyên cá trích, ghim cả bánh mì và thớt gỗ vào đoạn đầu chiếc cọc đã bào nhẵn bóng. Một phụ nữ buộc thêm chùm hoa tím nhỏ và thắt dải ruy băng xanh thẫm dưới thớt bánh. Ông Colin xoa hai tay vào nhau: “Xong một biểu tượng quan trọng cho phần rước hội ngày mai. Giờ ta về nhà chuẩn bị biểu tượng khác”.
Tôi bị ông Colin đánh thức từ bốn giờ sáng thứ sáu. Gà gật dưới ánh đèn chói mắt trong bếp, tôi lờ mờ nhìn ông ngâm mấy lát bánh mì vào đĩa sữa tươi rồi cho vào chảo rán. Ông mở tủ, lấy ra hai chiếc đĩa viền vàng, hai thìa và hai đĩa bạc. Trang trọng, ông đặt vào đĩa trước mặt tôi ba lát bánh mì rán giòn sực mùi trứng và sữa, rồi cắt thêm khoanh dồi Haggis đen quánh vị yến mạch, hành tây, mỡ cừu. Thêm cốc nước cam tươi. Ông giục: “Ăn đi. Thế này mới đủ năng lượng cho một ngày đặc biệt”. Tôi tỉnh ngủ, nghiền kỹ món dồi như con Izzy nghiền hạt yến mạch. Ông Colin chờ tôi ăn xong mới mở chiếc tủ ở góc phòng khách, lôi ra lưỡi mai bằng thép mũi đã tróc lớp mạ kẽm: “Năm mươi năm trước, bố tôi tặng cho thị trấn chiếc mai này làm biểu tượng rước trong lễ hội. Những người vinh dự cưỡi ngựa một tay và cầm cờ lệnh như Stuart chính là tái hiện hình ảnh người đàn ông hơn hai trăm năm trước được Wee cử đi kiểm tra, đánh dấu và dùng mai để đào, dựng lại mốc biên giới vùng hàng năm. Lát nữa cậu sẽ thấy tôi rước chiếc mai này ngay phía trước biểu tượng bánh mì, cá trích là những sản vật của thị trấn. Nhưng để tôi cho cậu xem bí mật này trước. Thằng Stuart cũng không biết đâu”.
Tôi theo ông Colin ra vườn, dừng trước gò đất cao xanh cỏ phía gần chuồng ngựa. Ông Colin vung mai. Phập. Một mảng lớn bung ra dưới chân, ông nâng niu nhấc lên bồi vào gò đất: “Mộ Papaya đấy. Thú thực với cậu, tôi đã rất sợ khi Stuart được chọn cầm cờ lệnh lễ hội năm nay. Nhưng tôi không dám ngăn cản bất cứ mong muốn nào của nó. Mỗi khi lo sợ, tôi thường bồi đất lên mộ Papaya như thế này để an tâm rằng mình vẫn sở hữu Stuart đang cưỡi ngựa một tay chứ không phải một Stuart nằm bất động trên giường”.
Tôi lấy khăn bông ra lau sạch lưỡi mai khi bình minh bắt đầu thấm dần hơi ấm lên cỏ. Ông Colin tra mai vào cán, buộc thêm chùm hoa tím nhỏ ở cổ mai. Chúng tôi lặng lẽ đứng trước gương, bẻ cổ áo sơ mi trắng, chỉnh mép cà vạt màu xanh hải quân cho nhau. Trong gương, tôi thấy mình gầy hơn, da sậm màu hơn, một nhúm tóc phía trước trán bị phai màu như cát. Ông Colin cũng chăm chú nhìn tôi trong gương một lúc, rồi chúng tôi cùng khóa cửa, bước ra đường.
Stuart hiện ra bên kia cầu, nai nịt gọn gàng trang phục kỵ sĩ màu nâu nhạt. Izzy không được điểm trang gì đặc biệt. Trông họ lọt thỏm giữa người hộ tống bên trái và bên phải. Hai người hộ tống giơ tay vẫy vẫy đám đông reo hò đứng chen chúc đầu cầu. Stuart một tay cầm cương ngựa, tay kia vác lá cờ hội to nặng, liên tục nở nụ cười đáp lại đám đông. Đoàn cưỡi ngựa hơn trăm người thả những bước đều và nhẹ phía sau đoàn kèn trống đang chơi những bản nhạc chói tai. Nghe lời dặn của ông Colin, tôi rời đám đông, di chuyển trước ra con phố chênh chếch bốn nhăm độ hướng lên đồi Whita. Chọn chỗ đẹp trước để ngắm Stuart và Izzy.
Nắng chính ngọ bắt đầu đốt nóng tóc tôi. Vài chục phút sau, quanh tôi chật dần người, mũ nón lụp xụp. Nhìn xuống chân phố thấy ông Colin cùng đoàn rước biểu tượng mai, bánh mì và cá trích, đoàn kèn trống ầm ầm tiến vào trung tâm. Tiếp theo là đoàn ngựa. Phía quảng trường, tiếng phát biểu, tiếng vỗ tay, tiếng hò reo dội lên không ngớt. Không gian chợt lặng xuống. Từ dưới con đường cắt ngang chân dốc, mấy cảnh sát vội vã dồn đoàn người ép chặt sang hai bên. Những con chó đang thè lưỡi vì nóng bỗng dỏng tai, rồi ư ử nép chân chủ. Tôi nghe tiếng sỏi lộc cộc lăn theo vó sắt nện vào nền đá. Stuart thình lình hiện ra ở chân dốc, thúc Izzy lao lên đồi như một mũi tên vừa rời dây cung. Gió bị xé toạc. Tiếng la hét lạc giọng. Chó sủa inh ỏi. Cơn phấn khích ồ ạt nứt vỡ. Chở trên mình Stuart với lá cờ căng phồng, Izzy băng qua mặt tôi, lì, nhẹ và vút xuyên tâm đường, cản gió cho những con ngựa to lớn khác theo sau. Mắt những con ngựa phía sau long lên vì hoảng loạn, tiếng phi chệch choạc nặng nề. Một con ngựa bạch chạy lệch sang bên đường như sắp đổ ập vào tôi. Tôi còn kịp nhìn lưỡi mai của ông Colin lóe sáng dưới ánh mặt trời.
Tôi kịp thấy Stuart và Izzy hân hoan giữa vòng người reo hò trên đỉnh đồi. Tôi thấy cả Stuart với nụ cười và gương mặt tuổi lên bảy bên Papaya vừa phóng ra từ một đỉnh xanh non. Mùi phân ngựa sực lên mũi. Hương yến mạch, nhựa cỏ cũng xông hơi khắp người tôi. Chân tôi nhẹ bỗng theo cơn choáng.
“Kaiden!”.
Tôi mỉm cười khi từ từ ngã ra phía sau, kịp nhận ra gương mặt bố mẹ tôi, Joe và Pat lẫn trong muôn ngàn ánh nhìn phủ xuống thân mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.