Như Thanh Niên ngày 15.2 đã thông tin, Đội Tuần tra dẫn đoàn thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM đã xử phạt hành chính đối với anh D.N.T.N (23 tuổi) về lỗi vi phạm "người dẫn dắt súc vật đi vào phần đường của xe cơ giới" và "người dẫn dắt súc vật không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật".
Trước đó, lúc 18 giờ 20 ngày 14.2, tại giao lộ Hai Bà Trưng - Nguyễn Đình Chiểu, trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ, tổ tuần tra kiểm soát của Đội Tuần tra dẫn đoàn phát hiện một nam thanh niên cưỡi ngựa trên đường Hai Bà Trưng. Thời điểm này lưu lượng phương tiện di chuyển trên đường Hai Bà Trưng đông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Ngay lập tức, tổ tuần tra yêu cầu người cưỡi ngựa dừng lại và đưa ngựa di chuyển lên lề đường.
Qua làm việc, tổ công tác giữ con ngựa lại và yêu cầu anh N. phải có phương tiện để đưa ngựa về, không được tiếp tục cưỡi ngựa đi vào phần đường của xe cơ giới.
Theo anh N., con ngựa được thuê tại một trang trại ở H.Bình Chánh, sau đó anh dùng xe tải chở lên khu vực trung tâm TP.HCM rồi cưỡi ngựa đi trên đường phố TP.HCM.
Căn cứ điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, tổ công tác ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh D.N.T.N 2 lỗi: "người dẫn dắt súc vật đi vào phần đường của xe cơ giới" (mức phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng) và "người dẫn dắt súc vật không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật" (mức phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng), tổng tiền phạt 160.000 đồng.
"An toàn giao thông có còn không?"
Theo luật sư Trương Văn Tuấn (TP.HCM), hiện không có quy định pháp luật nào cho phép cưỡi ngựa ra đường tham gia giao thông trong khu vực đô thị, trừ trường hợp lực lượng Cảnh sát cơ động kỵ binh tham gia diễu hành, tuần tra trên đường phố. Bạn đọc (BĐ) Hùng nhận xét: "Công nhận anh này rảnh quá rảnh, có thời giờ cưỡi ngựa đi ngắm phố phường vào giờ đông xe cộ. Cũng cần làm rõ xem là có đúng rảnh không, hay là nhằm quảng cáo gì đó. Nhưng cho dù là mục đích gì thì việc này tiềm ẩn quá nhiều nguy hiểm cho chính bản thân mình và những người khác. Lỡ con ngựa nó dở chứng, lồng lên, chạy lung tung thì không dám nghĩ điều gì sẽ xảy ra...?".
BĐ L.V.T bày tỏ: "Điều khiển một con ngựa đi trên đường như vậy không phải dễ đâu, không phải ai làm cũng được. Cũng phải học cưỡi ngựa, cưỡi con ngựa quen... Tôi cứ thắc mắc: Anh ta cưỡi ngựa trên đường như vậy để làm gì? Quảng cáo ư? Dạo chơi? Chơi nổi?... Cần làm rõ để có hình thức xử lý triệt để. Tôi cũng cho rằng mức xử phạt như vậy là quá nhẹ. Thử tưởng tượng một ngày bạn ra đường thấy có mấy con ngựa tung tăng hí vang lừng, hay thấy mấy con voi lừng lững đi dạo... Sợ chết khiếp! An toàn giao thông có còn không?".
Cần phạt nặng để răn đe
Nói về việc xử phạt, BĐ Cong Thang cho biết: "Tôi thấy mức phạt như vậy là quá nhẹ, không có chút xíu gọi là răn đe. Nói dại, lỡ con ngựa dở chứng gây ra tai nạn giao thông, hoặc xe nào đó tông trúng con ngựa thì sao nhỉ? Sẽ khó lường hết hậu quả. Đề nghị phải phạt nặng để không có trường hợp tương tự nào xảy ra nữa".
Phải xử ngay và luôn như thế, chứ không thì sẽ có cưỡi trâu, cưỡi bò... ra đường lưu thông mất thôi!
Van Van
Phạt quá nhẹ. Đề nghị những trường hợp này bổ sung tịch thu "phương tiện" mới được.
Song Giang Nguyen
Gửi những ai có "sở thích lạ" (như là cưỡi ngựa trên đường): Trước khi làm việc gì hãy thử tìm hiểu xem có vi phạm pháp luật không, có an toàn cho mọi người không… Đừng vì "sở thích" của mình mà gây nguy hiểm cho người khác!
Tám Khỏe
BĐ Bien Dep thắc mắc: "Cứ cho là phạt kịch khung 2 lỗi vi phạm trên thì cũng chỉ mất có 200.000 đồng. Mức phạt này không răn đe được ai. Đề nghị phải mạnh tay hơn thì mới không ai dám "cưỡi" như vậy. Đừng để một ngày ra đường thấy có người cưỡi bò, cưỡi đà điểu… đi làm. Văn minh đô thị ở đâu? An toàn giao thông ở đâu?".
"Tôi đề nghị nên tăng cường việc giáo dục, tuyên truyền về luật giao thông, để mọi người hiểu rõ và thực hiện tốt. Không thể có chuyện ở đô thị như TP.HCM mà có người cưỡi ngựa ra đường. 23 tuổi rồi, anh thanh niên đó chắc phải biết luật lệ giao thông chứ? Phải biết an toàn giao thông cho mọi người là trên hết chứ? Nên đưa chuyện "hy hữu" cưỡi ngựa này vào giảng dạy luật giao thông, để không bao giờ còn xảy ra chuyện này nữa", BĐ Huu Tai ý kiến.
Bình luận (0)