Không chỉ đảo lộn sinh hoạt vì mất điện, người dân ở tâm bão Quảng Bình còn khốn đốn với hàng chục ngàn ha cây trồng kinh tế như cao su, mít, ổi, keo tràm tại Quảng Bình gãy đổ sau bão số 10.
Hơn 15.000 ha rừng trồng và 6.000 ha cây lâu năm bị gãy đổ sau bão. Cao su, vốn được mệnh danh “vàng trắng”, là loại cây trồng chủ lực ở vùng gò đồi H.Bố Trạch (địa bàn có diện tích cây cao su lớn nhất tỉnh Quảng Bình với gần 7.000 ha), nhưng bão số 10 đã “quét” gần 70% diện tích cao su tại đây.
Tại tổ dân phố Dũng Cảm, gia đình chị Trần Thị Na (có 4 ha cao su), gia đình chị Nguyễn Thị Hồng (1 ha) hay chị Trương Thị Thảo (2 ha) đều bị thiệt hại nặng. Chị Thảo trồng cao su từ năm 2004, cạo lấy mủ được 3 năm nay, giờ thì hết hy vọng.
Vùng này trồng lúa không hiệu quả (mỗi năm chỉ 1 vụ), hồ tiêu cũng “tiêu” hết rồi, sắn thì gãy đổ và người dân lo bị ép giá. “Không biết lấy gì cho con ăn đây nữa. Ngao ngán quá!”, chị than phiền.
Huyện Vĩnh Linh nằm phía bắc tỉnh Quảng Trị, là địa phương bị thiệt hại nặng nhất do bão số 10… Ghi nhận của PV Thanh Niên tại xã Vĩnh Thạch (H.Vĩnh Linh), cao su gãy la liệt, nông dân khóc ròng ngay tại vườn cao su.
Tại xã Phú Định, chị Nguyễn Thị Hà có 2 ha cao su với khoảng 1.000 cây. Năm nay giá cao su lên hơi nhích lên, chưa kịp mừng thì bão “cuốn” hết. Ông Lê Văn Khuyến, Bí thư Đảng ủy xã Phú Định, cho hay toàn xã có 200 ha bị tàn phá, khiến nguồn thu chính chưa kịp vào túi người dân đã phải “tan” theo trận cuồng phong.
Bình luận (0)