'Cuốn sách xanh ở Nebo' và chuyện về hậu tận thế

17/06/2024 11:31 GMT+7

Trong 'Cuốn sách xanh ở Nebo' (Saigon Books và NXB Thế giới ấn hành, Phạm Hoa Phượng dịch), câu chuyện về mối gắn kết giữa người với người đã được hiện lên một cách khác biệt.

Ra mắt vào năm 2018, Cuốn sách xanh ở Nebo ngay lập tức đạt được những thành công lớn: được vinh danh là "Sách tiếng Wales" của năm 2019 hay nhận được Huân chương Yoto Carnegie vào năm 2023 cho tựa sách thiếu nhi xuất sắc nhất.

Tuy vậy, thoạt nhìn, đây không phải là tác phẩm khơi lên vẻ đẹp và sự hồn nhiên như ta thường thấy. Tác phẩm của nữ nhà văn Manon Steffan Ros tràn ngập bóng tối của mất mát, cái chết, nhưng cũng từ đó mà ta nhận ra thời khắc dành nhau quan trọng thế nào.

'Cuốn sách xanh ở Nebo' và chuyện về hậu tận thế- Ảnh 1.

Cuốn sách xanh ở Nebo cuốn hút người đọc đầu tiên chính ở bối cảnh

T.D

Lấy bối cảnh năm 2026, cuốn sách xoay quanh hai mẹ con Dylan (14 tuổi) và Rowenna (36 tuổi) khi họ phải sống một cách cô độc ở vùng thôn quê xứ Wales kể từ khi "Kết Thúc" xảy ra. Đây là dấu mốc xảy ra chiến tranh hạt nhân, khiến một nhà máy hạt nhân gần đó phát nổ, đe dọa mạng sống của mọi sinh vật sinh sống gần đó.

May mắn rằng hai mẹ con vẫn an toàn nhờ sự nhanh trí của Rowenna. Cũng từ đó, hai người đã thống nhất cùng nhau viết vào cuốn sách bìa xanh nhặt được tại một căn nhà bỏ hoang ở Nebo. Trong khi Rowenna viết về ngày xưa, thì Dylan viết về hiện tại, về cách mà họ đang sống và cố gắng tồn tại. Họ sẽ không đọc phần còn lại mà người kia viết, từ đó mà những bí mật dần dần hé mở.

Cuốn sách xanh ở Nebo cuốn hút người đọc đầu tiên chính ở bối cảnh. Hậu tận thế xuất hiện không ít trong các tác phẩm văn chương, thế nhưng mỗi khi nó xuất hiện thì nỗi lo âu vẫn luôn tràn khắp. Thoạt đầu là những thông báo, sau đó là sẽ cắt điện, thời tiết khắc nghiệt… dẫn đến con người tranh nhau mọi thứ, để rồi cuối cùng là nhân tính xuống thấp khi con người ta cố gắng tồn tại. 

Kết hợp với bối cảnh hạt nhân, tác giả Manon Steffan Ros cũng gợi nên một thế giới với những sinh vật đột biến, với những căn bệnh ăn mòn từ tận bên trong vô cùng ám ảnh… Chính những điều này cho thấy con người hóa ra nhỏ bé và bất lực như thế nào.

'Cuốn sách xanh ở Nebo' và chuyện về hậu tận thế- Ảnh 2.

Tác giả Manon Steffan Ro

The Bookseller

Nhưng dù có ra sao, thích nghi vẫn luôn là gene nằm trong con người. Chính vì hiện thực đó, Dylan ngay từ rất sớm đã biết giúp đỡ mẹ mình chặt củi, chữa dột mái và có niềm yêu thích trồng trọt… Câu chuyện của cậu là của một thanh niên biết suy nghĩ và có xu hướng chở che cho gia đình mình.

Trong khi đó, Rowanna gần như kiệt lực sau những bi kịch ập xuống đầu mình. Cô đã chứng minh mình là người phụ nữ mạnh mẽ, kiên cường, khi đã giúp gia đình mình vượt qua thời khắc khó khăn. Nhưng cũng đồng thời là một phụ nữ, cô không che giấu bản tính yếu đuối và chỉ lấy sự lạnh lùng làm lớp mặt nạ ngụy trang.

Chính tình cảnh bị cách ly ấy đã khiến hai mẹ con được gần nhau hơn, thấu hiểu nhau hơn. Họ cùng nhau trồng rau trong các vườn ươm, họ cùng đi đến những căn nhà trống tìm kiếm đồ dùng có thể sử dụng… Cùng nhau, họ ngồi trên mái nhà hay nằm trên cỏ để ngắm nhìn những vì sao, nhớ về quá khứ…

Hậu tận thế có thể gợi nhắc cho ta về sự cô độc, cách ly, về việc thế giới đã bị triệt tiêu, không ai sinh sống… Nhưng đồng thời đối với một số ít người vốn được xem là thất bại trong đời thường, thì nó giúp họ không còn những lo sợ cũ, và cũng khi ấy những mối kết nối trở nên quan trọng, mà trong thời đại công nghệ, điều này đã bị làm mờ bởi một nhịp sống đã quá bận rộn, không có khoảng nghỉ.

Chính tình trạng ấy cũng đưa ta về với những khoảnh khắc ta thường bỏ qua, trong việc giao tiếp với những người hàng xóm thiện lành, đọc một cuốn sách hay là tìm về môi trường, đến với tự nhiên... Cuối cùng rồi thì với những người đã chịu quá nhiều mất mát, thì hậu tận thế hóa ra lại là cơ hội để họ hiểu nhau, đến gần nhau hơn.

Bằng một giọng văn chân thành, nhiều cảm xúc, kết hợp cùng khả năng khai thác tâm lý nhân vật sâu sắc, tác giả Manon Steffan Ros đã viết nên cuốn tiểu thuyết có phần khác lạ, buộc ta nhìn nhận một cách thật khác về đời sống này và mối quan hệ của chính chúng ta. Qua đó, ta hiểu được rằng chính trong thời điểm hiện tại, việc thấu hiểu nhau là rất cần thiết trước khi quá muộn.

Cũng như nhà văn người Bồ Đào Nha đoạt giải Nobel Văn chương José Saramago viết trong cuốn Mù lòa rằng: ta nhìn nhưng không thấy, với Cuốn sách xanh ở Nebo, ta thêm một lần có được cơ hội nhìn thấy những điều sâu sắc về mối quan hệ giữa người với người trong một cảnh huống vô cùng đặc biệt. Một cuốn tiểu thuyết tuy dung lượng ngắn nhưng tiếng vang mà nó để lại còn vọng âm mãi.

Manon Steffan Ros sinh năm 1983, là tiểu thuyết gia, nhà viết kịch, nhà biên kịch, nhạc sĩ người Wales. Bà đã viết hơn 40 tác phẩm bằng tiếng Wales và cũng tự dịch nhiều tác phẩm của mình sang tiếng Anh. Các cuốn sách của bà từng 5 lần đoạt giải Tir Na N'Og, giải thưởng lâu đời nhất và nổi tiếng nhất dành cho sách thiếu nhi ở Wales. Cuốn sách Llyfr Glas Nebo (tựa gốc tiếng Wales của Cuốn sách xanh ở Nebo) và Blasu, cũng như vở kịch Two Faces/Dau Wyneb của bà còn được giảng dạy tại các trường học ở Wales.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.