Cương thổ Tây Nam: Nhiệm vụ bí mật

08/10/2019 06:21 GMT+7

Trong căn phòng khách gia đình , thiếu tướng Trương Văn Thanh, nguyên Phó tư lệnh Bộ đội biên phòng có một bức hình đen trắng chụp ông hồi còn trẻ và các đồng đội đi khảo sát phân giới cắm mốc giữa vùng sông nước miền Tây.

“Từ những năm 1960, khi cả nước đang chiến tranh, chúng tôi đã giữ đất cha ông”, thiếu tướng Trương Văn Thanh kể.

Những lối mở đầu tiên

Giai đoạn 1990 - 2005: Trên biên giới có nhiều vụ việc phức tạp, truy quét Fulro ở Tây nguyên, ngăn chặn cướp có vũ trang ở các tỉnh Tây Nam bộ; tranh chấp biên giới ở Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang… Chính phủ 2 bên ra Thông cáo báo chí ngày 17.1.1995. Bằng sự nỗ lực đàm phán của 2 bên, khẳng định giá trị pháp lý của các hiệp ước, hiệp định biên giới đã ký. Ngày 10.10.2005, Chính phủ 2 nước ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985.
Giai đoạn 2005 - 2017: Ngày 22.12.2005, VN - Campuchia xây dựng kế hoạch tổng thể về PGCM biên giới trên đất liền VN - Campuchia; thông qua Điều lệ tổ chức hoạt động của Ủy ban Liên hợp PGCM của 2 nước; thống nhất cắm trên toàn tuyến biên giới tổng số 314 vị trí mốc, tương đương với 371 cột mốc. Tiến trình PGCM được khởi động trở lại vào năm 2006. Ngày 27.9.2006, hai bên khánh thành cột mốc đầu tiên mang số hiệu 171 tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) - Bavet (Svay Trieng). Ngày 18.1.2008, khánh thành mốc ngã ba biên giới (VN - Lào - Campuchia). Đến năm 2017, cắm xong các mốc ở cửa khẩu quốc tế. Đặc biệt là 2 mốc điểm đầu ngã ba biên giới và điểm cuối mốc 314 mép biển Hà Tiên (Kiên Giang). Cũng năm 2017, các tỉnh Kon Tum, Bình Phước, Đồng Tháp đã hoàn thành việc cắm các mốc trên thực địa.
(Nguồn: Bộ Tư lệnh BĐBP)
“Nói về phân giới cắm mốc (PGCM) phải nhắc đến Tây Ninh vì đường biên ở đây chiếm 1/3 toàn tuyến”, thiếu tướng Trương Văn Thanh nói vậy và kể: “Ở Tây Ninh, việc cắm mốc được thực hiện từ 22.6.1912 bởi các ủy ban cắm mốc theo sự duyệt y của toàn quyền Đông Dương. Cột mốc là gỗ căm xe, vại sành, bụi tre hoặc cây cổ thụ”.
Năm 1968, T.Ư Cục miền Nam thành lập Ban Biên giới để cùng Ban An ninh tỉnh Tây Ninh thành lập hệ thống trạm biên giới từ Tràng Riệc đến Vàm Trảng Trâu. Đầu năm 1972, Tây Ninh lần đầu tiên cho mở 2 “cửa khẩu” Bàu Cỏ và Trại Bí để thu hút hàng hóa và duy trì bảo vệ vùng giải phóng. Đến ngày 27.1.1973, Ban An ninh T.Ư Cục miền Nam thành lập 2 đồn biên phòng (ĐBP) Xa Mát và Lò Gò, phục vụ công tác biên giới biên phòng.
Ông Bùi Hửng, nguyên chính trị viên phó của ĐBP Xa Mát ngày mới thành lập nhớ lại: Tiếng là đồn, nhưng Xa Mát và Lò Gò toàn nhà mái tranh, vách ván, hệ thống hầm hào công sự tạm bợ. Ngay sau khi đồn được thành lập, lực lượng Khmer Đỏ đã có các hành động khiêu khích, gây sức ép đòi ta phải “dẹp” đồn. Thậm chí, chúng đưa cả 2 xe quân sự chở đầy binh lính, súng ống sang bao vây ĐBP. Bên ta, vừa sẵn sàng chiến đấu vừa đấu lý bằng tiếng Campuchia, buộc chúng phải rút lui.

ĐBP Xa Mát được thành lập năm 1973 tại khu giải phóng Tây Ninh là ĐBP đầu tiên của Bộ đội biên phòng VN trên tuyến biên giới VN - Campuchia

Ảnh: tư liệu BĐBP

Cả ấp ra giữ đất

Ấp Đông Hòa sau ngày 30.4.1975 chỉ có 13 hộ với 69 khẩu, sống heo hút dọc biên giới. Cả ấp có cánh đồng Chà Rì rộng 40 ha, nhưng người dân chỉ canh tác một nửa, số còn lại người dân Campuchia ở phum Lech Lo, Lech Kron (Kampong Cham) xâm canh với lý do… “mượn để cày cấy”.
Đầu năm 1976, khi tình hình biên giới có những biến đổi, Khmer Đỏ đưa một trung đội có vũ trang ra làm áp lực cho việc cắm cờ lấn đất trên cánh đồng Chà Rì và đặt mìn vào sâu trong nội địa ta khiến nhiều người dân bị thương. ĐBP Kà Tum phụ trách địa bàn đã liên tục đấu tranh với ĐBP Chan Mut (Campuchia), cực lực lên án khiến họ phải gỡ mìn và thu cờ trên cánh đồng. Ở khu vực Tà Đạt - Tà Nốt (xã Tân Phú, H.Tân Châu), ấp Tân Thanh nằm đối diện phum Trach Khom (H.Ponhea Kraek, Kampong Cham).
Tháng 5.1975, Khmer Đỏ lùa dân đắp một đập nước lấn sang đất ta 600 m. Cuối tháng 4.1976, Khmer Đỏ lại đưa lực lượng ra tiếp tục đắp đập và lập 3 chốt vũ trang ở khu vực Bàu Đưng, sâu vào đất ta 200 - 300 m. ĐBP Xa Mát cùng với nhân dân đã quyết liệt phản kháng ngăn chặn trong nhiều ngày, buộc quân Khmer Đỏ phải rút khỏi các chốt và ngưng việc đắp đập.
Tại ấp Lồ Cồ (xã Biên Giới, H.Châu Thành), từ tháng 6.1975 lính Khmer Đỏ ở H.Romeas Haek (Svay Rieng) liên tục xê dịch cột mốc biên giới, có khi vào sâu trong đất ta hàng ki lô mét.
Ông Hai Lâu, nguyên cán bộ ĐBP Vàm Trảng Trâu, kể lại: Tháng 5.1975, ông chỉ huy và dân quân ấp đi tuần tra thì phát hiện trụ xi măng hình hộp vuông cao khoảng 40 cm, vốn là mốc giới đã bị di chuyển sâu vào đất VN và lính Khmer Đỏ đến vu vạ “bộ đội VN đi sang đất Campuchia”. Cũng tại khu vực này, năm 1973, H.Châu Thành cho đắp một con đường chạy gần biên giới để phục vụ việc vận chuyển người, lương thực thực phẩm phục vụ chiến đấu thống nhất đất nước. Phía Khmer Đỏ rêu rao: “VN đắp đường làm ranh giới giữa 2 nước”…
“Chúng tôi đấu tranh cả ngày và giám sát chặt chẽ, họ mới miễn cưỡng trả cột mốc về vị trí cũ”, ông Lâu nói. Khu vực ấp Cây Me (xã Long Thuận, Bến Cầu) có đoạn biên giới chạy vòng giữa cánh đồng trống. Ông Hai Tích, người già nhất ấp, kể lại: Cánh đồng này được người dân VN khai khẩn từ mấy trăm năm và truyền lại cho các thế hệ con cháu trồng cấy.
Sau ngày 30.4.1975, phía Khmer Đỏ nhiều lần ra đập phá cột mốc và di chuyển sâu vào đất ta. Mỗi lần như vậy, mọi người dân trong ấp đều ra đấu tranh ngăn cản, có khi vài ngày liền. “Có lần bên kia gài mìn nhưng chúng tôi phát hiện và tố cáo ngay”, ông Tích nhớ lại.
Thiếu tướng Trương Văn Thanh, nguyên Chính ủy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Tây Ninh, hồi tưởng: Sau ngày 30.4.1975, trực tiếp Chỉ huy trưởng BĐBP Tây Ninh Đinh Văn Đang đã chỉ huy bộ đội khảo sát đường biên cột mốc ở 5 khu vực trọng điểm và triển khai các biện pháp đấu tranh giữ đất. Chúng tôi tập trung tháo gỡ mìn, giải tỏa phát quang đường biên, phát hiện các cột mốc, dấu hiệu cột mốc và đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành nhiều đợt hội đàm trao đổi khảo sát phân định đường biên giới giữa 2 bên. “Nhiệm vụ khảo sát tìm mốc, dấu hiệu cột mốc phải thực hiện bí mật”, ông Thanh kể.

Phân định từ bờ đất, bụi tre

Đại tá Lê Nga, nguyên Phó chỉ huy trưởng BĐBP Tây Ninh, năm nay đã gần 90 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Cuối 1985, sau khi Chính phủ 2 nước VN - Campuchia ký Hiệp ước hoạch định biên giới, tỉnh Tây Ninh và 3 tỉnh: Svay Rieng, Prey Veng, Kampong Cham đã thành lập các ban biên giới và chuẩn bị mọi mặt để cắm 97 cột mốc trên đoạn biên giới dài 240 km. Thời điểm này ông Lê Nga là trung tá, Phó chỉ huy trưởng BĐBP được giao Đội trưởng Đội phân vạch cắm mốc quốc giới số 1.
“Mấy chục anh em chúng tôi vừa mang súng vừa mang thước đo, lăn lóc 3 năm trời dọc biên giới. Mỗi chuyến đi hàng tháng trời, ăn ngủ với dân thì ít mà mắc võng giăng mùng ngủ ngoài đồng thì nhiều”, ông Lê Nga nhớ lại và tự hào: “Tôi được cắm những mốc đầu tiên giữa VN - Campuchia ở Tây Ninh”. Lặn lội suốt 3 năm trời (1986 - 1988), cả Đội 1 của ông Lê Nga và Đội 2 (do thiếu tá Nguyễn Thành Bê, Đồn trưởng ĐBP Mộc Bài làm đội trưởng) đã cắm được 48 cột mốc và phân giới trên thực địa 118,567 km.
Bà Hồ Thị Ha (71 tuổi, nguyên cán bộ phụ nữ xã Hòa Hội, Châu Thành, Tây Ninh), năm 1985 mới 37 tuổi nhưng đã cùng chị em phụ nữ đảm nhiệm nấu cơm cho các đội PGCM. Bà Ha kể: “Hồi ấy biên giới hoang vu, đến đâu cũng thấy mìn lựu đạn gài khắp mặt đất. Mình phải đặt đúng bước chân người đi trước. Khổ cực, nhưng mỗi khi thấy cắm được một cái mốc, cũng vui vì biết đó là hòa bình, không đánh nhau”.
“Năm 1987, người dân còn tập trung làm 10 km đường biên giới địa phương, từ mốc I-1 đến I1-5. Dấu đường biên này cách đường biên giới mỗi bên là 1 m, cao 0,5 m và rộng 1,5 - 2,0 m. Khi phân định đường biên từ Phước Chỉ đến Mộc Bài, nhân dân tổ chức trồng tre dọc đường biên về phía đất ta để nhân dân nhận biết”, ông Lê Nga nói vậy.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.