Cuồng yêu và những nhát dao tàn độc - Kỳ 2: Đối phó với những người cuồng yêu

08/06/2018 15:00 GMT+7

Để đối phó với người cuồng yêu, các bạn nên hạn chế những hành động đáp trả mạnh mẽ mà phải tập mềm mỏng, bình tĩnh để không làm đối tượng nổi giận, khiến họ mất kiểm soát, dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Đó là lời khuyên của Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An (Ủy viên Ban chấp hành TƯ Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam).
Không nên chia tay đột ngột
Thạc sĩ Đào Lê Hòa An giải thích về lý do dẫn đến việc hung thủ ra tay tàn độc với người tình và vì tính chiếm hữu và tính ích kỉ trong tình yêu của một số người khá cao.
Họ muốn giám sát người yêu cũ một cách tuyệt đối. Khi phải chia tay người yêu một cách đột ngột, hoặc người yêu cũ lấy chồng, dễ khiến họ bị sốc, không còn làm chủ được bản thân.
“Những người như vậy thường có tư tưởng 'không ăn được thì đạp đổ'. Đồng thời cũng không loại trừ những đối tượng này có những bất ổn liên quan đến tâm lý hay hội chứng rối loạn phụ thuộc (không còn được kiểm soát, nhìn thấy, nhắn tin, giao tiếp... với người mình yêu - PV) với người họ có tình cảm. Điều này dễ biến họ thành con người khác và không kiềm chế được hành vi của mình”, Thạc sĩ Hòa An nói.
Thạc sĩ An cho hay, nhiều bạn trẻ yêu đơn phương, không được chấp nhận, cũng có khả năng làm hại người mình thầm yêu. Có trường hợp nhắn tin, gọi điện thoại cả 100 cuộc/ngày để thăm dò xem công việc, lịch học..; cố gây phiền phức, xâm phạm đời tư để thu hút sự chú ý. Trong tình huống đó, nạn nhân nếu thiếu kinh nghiệm xử lý, dễ dẫn đến khủng hoảng.
Việc trốn tránh bằng cách chặn số điện thoại sẽ khiến đối tượng cảm thấy bị ruồng bỏ, bức xúc vì không kiểm soát được người mình thầm yêu, cũng dễ dẫn đến những hành vi mất kiểm soát.
Để đối phó với những người “cuồng yêu”, thạc sĩ Hòa An khuyên các bạn trẻ nên hạn chế những hành động đáp trả mạnh mẽ mà phải tập mềm mỏng, bình tĩnh để không làm đối tượng nổi giận, khiến họ mất kiểm soát, dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Đặc biệt, các bạn trẻ không nên nói lời chia tay một cách đột ngột, không nên "đùng một phát" cắt đứt mọi liên lạc, khiến đối tượng khó chịu và bức xúc. Nên trì hoãn, kéo dài thời gian nói lời chia tay để tạo tâm lý ổn định cho đối phương.
“Những lúc như vậy, cách tốt nhất là nhẹ nhàng giao tiếp, trao đổi, trì hoãn và kéo dài thời gian chuẩn bị tâm lý cho đối tượng. Với những người có dấu hiệu bệnh lý về tâm lý, nên báo cho người thân của họ đưa đi gặp chuyên gia trị liệu”, thạc sĩ An chia sẻ.
Độ tuổi gây án ngày càng trẻ hóa
Trao đổi với PV Thanh Niên, đại tá Vũ Hoàng Kiên, nguyên Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, cho rằng mức độ và tính chất của những vụ án tình đang có xu hướng nghiêm trọng, độ tuổi hung thủ ngày càng trẻ hóa.
“Xã hội luôn hy vọng sẽ không còn một Nguyễn Hải Dương (hung thủ vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở Bình Phước - PV) nào nữa, nhưng thực tế, số vụ giết người vì tình vẫn xuất hiện, xuất phát từ ghen tuông, mâu thuẫn tình cảm. Tư tưởng giải quyết mâu thuẫn bằng hành vi bạo lực ngày càng phổ biến. Đằng sau các vụ án đó là nỗi đau của những gia đình, không chỉ là gia đình bị hại mà cả gia đình của những kẻ gây ra tội ác”, đại tá Kiên nói.
Còn theo luật sư Hoàng Như Vĩnh (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai), nguyên nhân xảy ra những vụ án giết người man rợ có thể do hung thủ là đối tượng nghiện ngập, hoặc sinh ra trong môi trường không lành mạnh... Tuy nhiên, theo luật sư Vĩnh, gốc rễ của mọi nguyên nhân vẫn xuất phát từ giáo dục.
“Giáo dục giữ vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của một con người. Nếu muốn giảm bớt cái ác, cái xấu trong con người thì cần xây dựng, phát triển giáo dục theo tính phòng ngừa tội phạm chứ đừng chờ để giải quyết hậu quả của nó”, luật sư Hoàng Như Vĩnh nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.