Cướp biển lộng hành nơi biển Tây - Kỳ 1: Biển nóng sau 1975, ngư dân nằm bờ

10/11/2015 14:12 GMT+7

(TNO) Sau ngày 30.4.1975, do mới tiếp quản nên ở vùng biển Tây Nam, tàu nước ngoài vào sâu trong lãnh hải, ngang nhiên khai thác hải sản, đe dọa cướp bóc ngư dân Việt Nam. Nỗi ám ảnh cướp biển cũng từ đó mà ra, với nhiều câu chuyện trở thành huyền thoại.

(TNO) Sau ngày 30.4.1975, do mới tiếp quản nên ở vùng biển Tây Nam, tàu nước ngoài vào sâu trong lãnh hải, ngang nhiên khai thác hải sản, đe dọa cướp bóc ngư dân Việt Nam. Nỗi ám ảnh cướp biển cũng từ đó mà ra, với nhiều câu chuyện trở thành huyền thoại.

Tàu cá Thái Lan xâm nhập vùng biển Việt Nam đánh bắt trộm, bị bắt giữ tại Phú Quốc, Kiên Giang, năm 1990. (Hình: Tư liệu BĐBP Kiên Giang)Tàu cá Thái Lan xâm nhập vùng biển Việt Nam đánh bắt trộm, bị bắt giữ tại Phú Quốc, Kiên Giang, năm 1990. (Hình: Tư liệu BĐBP Kiên Giang)

Video: Hải đoàn 28, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng tuần tra trên biển Tây

Người dân miền Tây Nam bộ thường gọi vùng biển Tây Nam là “biển Tây” và đến giờ những người già vẫn thường kể cho con cháu nghe về một thời loạn lạc, thậm chí đổ máu trên biển. Dọc con sóng các tỉnh Kiên Giang, Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu), trong câu chuyện xưa, luôn gắn tên những người lính Biên phòng và Tự vệ Biển sẵn sàng đối mặt với cướp biển, đổ bao mồ hôi xương máu để giữ yên vùng biển.

Tàu lạ đen kịt
Thuyền cá Campuchia vào sâu lãnh hải Việt Nam, tại khu vực Thổ Chu (Kiên Giang) đánh bắt cá và bị tàu Tuần tiễu của Hải đoàn BP 28, BTLBĐBP bắt giữ
Đại tá Võ Văn Thắng, nguyên Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Cà Mau giờ về nghỉ hưu tại xã Vĩnh Lợi B, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu, nhà ở ngay bờ kênh đào đêm ngày xình xịch tàu thuyền qua lại.
Cẩn thận hệ thống lại 35 năm công tác trong lực lượng BĐBP, trong đó có gần 20 năm bám trụ với cửa biển Sông Đốc, ông giải thích: “Khu vực biển Tây Nam chỉ duy nhất cửa Sông Đốc, thuộc huyện Trần Văn Thời, Cà Mau là nơi tập trung nhiều phương tiện đánh bắt thủy sản của cả ngư dân trong và ngoài tỉnh, nên mọi tình hình – sự việc ngoài biển, đều tập trung ở đây!” và khẳng định: ngay sau thống nhất đất nước, các tàu thuyền Thái Lan, Campuchia ào ạt vào vùng biển Tây Nam đánh bắt thủy sản, một số phương tiện còn tham gia hoạt động tình báo, tung người xâm nhập, đưa đón người trốn đi nước ngoài.

Từ năm 2009 đến hết 2014, các đơn vị BĐBP đã bắt giữ, xử  lý 64.709 vụ/100.784 đối tượng. Trong đó: mua bán người: 840 vụ/938 đối tượng, giải cứu 923 nạn nhân, tiếp nhận 515 nạn nhân do TQ trao trả, 99 nạn nhân tự trở về; vi phạm Quy chế biên giới: 2.185 vụ/4.871 đối tượng (Trung tướng Phạm Huy Tập, Chính ủy BĐBP; Đại hội Thi đua Quyết thắng BTL BĐBP, tháng 12.2014)

Đầu năm 1980, khi đã giữ chức vụ Đồn phó Trinh sát Đồn BP Sông Đốc, mỗi ngày ông Thắng nhận được vài chục tin báo tàu nước ngoài ngang nhiên hoạt động trên vùng biển Tây Nam.
Nhiều đến mức, ngày 31.5.1980, Thường vụ Hội đồng Chính phủ phải ban hành Chỉ thị số 169/CP và Bộ Quốc phòng cũng chỉ thị về việc “Truy quét tàu cướp biển của Thái Lan và các hoạt động phá hoại khác trên mặt biển”.
Đến thời điểm này, Vùng 5 Hải quân mới cung cấp số liệu cụ thể: Trong 5 tháng đầu năm 1980, có 10.716 lượt chiếc tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Tây Nam (riêng khu vực đảo Thổ Chu có 5.787 lượt chiếc xâm phạm, có khi chỉ cách đảo 5 hải lý), với các tuyến vi phạm trọng điểm: Thổ Chu - Bến Đỏ - Hòn Rằn; Thổ Chu - Bến Đỏ - Nam Du - Hòn Chuối (hướng chính có nhiều tàu Thái Lan xâm nhập, tàu vượt biển đi qua Hòn Khoai cũng thường qua hướng này đi Thái Lan); tam giác Thổ Chu - Hòn Chuối - Hòn Khoai; Thổ Chu - Vai - Cô Tang...
Các vật dụng phao, dưới do tàu cá Thái Lan vứt xuống biển hòng ngăn chặn sự truy đuổi của tàu Biên phòng. Những tang vật này đang được trưng bày tại Phòng Truyền thống của Hải đoàn BP 28, BTLBĐBP. 
“Đồn BP Sông Đốc phụ trách 5 xã và thị trấn Sông Đốc. Thời điểm đầu những năm 80, chả cần đi đâu xa, cứ ngồi trong bờ nhìn máy là thấy tàu Thái Lan ùn ùn kéo vào từng tốp, từng đoàn sâu trong lãnh hải mình!” - Đại tá Thắng nhớ lại và rành rẽ: “Đảo Hòn Chuối nằm ngoài biển, cách thị trấn Sông Đốc 17 hải lý nhưng tàu cá Thái Lan vào đánh cá ngay sát đảo. Có khi họ còn neo đậu nghỉ ngơi ngay cạnh… Đồn BP Hòn Chuối. Chỉ huy Đồn hồi đó là anh Trương Văn Rạng nghe dân kêu ca nhiều quá, tức khí mượn ghe nhỏ của dân tà tà chạy ra, cũng bắt giữ được cả chục chiếc!”.
“Khi Đồn BP Hòn Chuối được cấp trên giải thể, chúng tôi phải bố trí ngay 1 Trạm BP của Đồn Sông Đốc ở ngoài đấy. Ngày nào anh em cũng hốt hoảng báo: Nhìn qua ống nhòm thấy tàu nước ngoài đen kịt. Nghe vậy chỉ động viên anh em giữ đảo, còn tàu đối phương vào gần cũng chịu, vì không có phương tiện vây bắt!”.
Ngư dân Thái Lan nhập biên trái phép, bị BĐBP Cà Mau bắt giữ. (Hình: Tư liệu BĐBP Cà Mau)
Ngư dân không dám ra biển
Người dân Sông Đốc (Cà Mau) ai cũng biết đến ông Phan Văn Sơn (tròn 60 tuổi) với cái tên “Sơn Cà Na” bởi thâm niên hơn 40 năm dọc ngang đánh bắt trên biển Tây Nam, từ hồi trước 1975.
Ngồi nói chuyện với tôi, ông Sơn rủ rỉ: Hồi trước biển Tây đặc tôm cá do nguồn lợi vốn phong phú và nhất là tàu bè đánh bắt còn thô sơ ít ỏi, chỉ loanh quanh ven bờ. Sau năm 1975, nguồn lợi vẫn thế mà tàu bảo vệ lại ít, toàn nằm bờ không đi biển do thiếu dầu nên các tàu Thái Lan bảo nhau ồ ạt kéo đến đánh bắt. Hồi ấy bao cấp, cuộc sống khó khăn nên ngư dân chỉ chăm chăm kiếm mẻ cá về đổi gạo qua ngày, nên cũng không quan tâm tàu cá từ đâu đến. Nhưng riết, thấy tàu đông kéo cá nhiều nên mới tìm hiểu và tá hỏa “tàu nước ngoài vào đánh cướp”, về báo BP.
Theo ông Sơn, khổ nỗi hồi ấy, lực lượng BĐBP mới đóng quân thưa thớt trong bờ, ngoài đảo làm nhiệm vụ quản lý, giữ gìn anh ninh trật tự phần bờ, dưới mặt nước đành chịu vì không có phương tiện, xăng dầu hoạt động, nên cũng chỉ “ghi nhận” và báo cáo lên cấp trên. Bức xúc, nhiều ngư dân đã chạy ra ngăn cản, nhưng tàu Thái vẫn mặc kệ, thậm chí nhiều trường hợp còn đâm ủi thẳng vào tàu ngư dân Việt Nam…
“Cuối những năm 80 đầu năm 90, tàu cá ngư dân Sông Đốc sợ không dám ra ngoài biển đánh bắt, nằm bờ hàng nghìn chiếc. Cứ ra là gặp tàu cá nước ngoài to gấp 10 tàu mình, chạy rề rề đâm thẳng vào thân!” - Ông Sơn nói vậy.
Chủ tàu Phan Văn Sơn (ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) kể lại những thời điểm tàu cá nước ngoài xâm nhập, công khai đánh bắt hải sản trong vùng biển Tây Nam
“Đã có thời gian, vùng biển Minh Hải bị tàu cá Thái Lan làm chủ!” - nguyên Đại tá, Tham mưu trưởng BĐBP Cà Mau Võ Văn Thắng thừa nhận vậy và dẫn ra số liệu của BTL BĐBP Tổng hợp tình hình công tác BP và bờ biển phía Nam năm 1985: Tuyến biển đảo, phát hiện gần 2.000 vụ tàu thuyền nước ngoài xâm nhập trái phép vùng biển Việt Nam, bao gồm các tàu quân sự, tàu gián điệp, tình báo, tàu buôn, tàu đánh cá của nhiều quốc tịch khác nhau. Đặc biệt là tàu đánh cá Thái Lan, ta phát hiện 2.500 lượt chiếc, có ngày cao điểm 70-80 lượt chiếc xâm nhập với nhiều mục đích (mua bán hàng hóa, dẫn đường cho tàu thuyền nước ngoài, đưa đón người vượt biên, cướp trên biển...).
Tuy bị bắt nhiều nhưng hoạt động của chúng không giảm mà có xu hướng gia tăng, tập trung chủ yếu ở khu vực đảo Thổ Chu, Hòn Chuối, Hòn Khoai... Đã có lần chúng dùng tàu lớn đâm chìm tàu của BĐBP.
Đại tá Võ Văn Thắng, nguyên Đồn trưởng BP Sông Đốc sau đó là Tham mưu trưởng BĐBP Cà Mau, hiện đang nghỉ hưu tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu
Đại tá Thắng cung cấp: “Ở trên cũng cho biết: Trong năm 1985, trên vùng biển Đông Nam, ta phá hiện 212 lần chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia và tàu quân sự của Mỹ. Hoạt động chủ yếu của các phương tiện này là đánh bắt thủy sản, thăm dò nghiên cứu biển!”.
(Còn tiếp)
Thi hành Chỉ thị số 169/CP (31.5.1980) của Thường vụ Hội đồng Chính ph và Chỉ thị của Bộ Quốc phòng, ngày 12.6.1980, BTL BĐBP lệnh 3 tàu tuần tiễu của Hải đoàn BP 18 phối hợp với các hạm tàu Hải quân, bộ đội trên đảo, tàu thuyền của BĐBP các tỉnh Minh Hải, Kiên Giang để truy bắt bọn cướp biển và các tàu thuyền nước ngoài xâm nhập vùng biển Minh Hải, Kiên Giang đánh bắt hải sản, hoạt động tình báo.

Trong thời 1 tháng thực hiện nhiệm vụ, đã bắn chìm, cháy, hư hỏng và bắt 12 tàu cướp biển tại vùng biển Phú Quốc. Ngày 12.7.1980, Hải đoàn 18 truy đuổi bọn cướp tàu dân, chúng chạy vào bờ, bị Đồn BP An Thới, Kiên Giang bắt giữ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.