(TNO) Thiếu tướng Trương Văn Thanh, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP phụ trách phía Nam (từ giữa những năm 90) trầm tư: “Trước tình hình tàu nước ngoài hoành hành ở vùng biển Tây Nam và BP không xử lý xuể, BTL BĐBP phải xin phép Bộ Quốc phòng cho củng cố, xây dựng lực lượng Tự vệ Biển vừa đánh bắt hải sản vừa tham gia vây bắt đẩy đuổi, tàu nước ngoài cùng BP!”.
Tàu Kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển Tây Nam |
Hải đoàn Tự vệ, góp sức giữ biển
Mô hình này ban đầu chỉ là các tổ đội dân quân nằm trong các Hợp tác xã, Xí nghiệp đánh cá trực thuộc Sở Thủy sản tỉnh (nay là Sở NN&PTNT), được cơ quan quân sự địa phương huấn luyện và trang bị một số vũ khí, công cụ hỗ trợ. Khi tình hình trên biển phức tạp và có sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, các tổ đội này được nâng cấp thành các Hải đội, Hải đoàn mang tên Tự vệ Biển (TVB).
Các thủy thủ - thuyền viên trên tàu đánh cá, ngoài kỹ năng đánh bắt thông thường, còn được huấn luyện thường xuyên và trang bị một số trang thiết bị, khi ra khơi đánh bắt theo đội hình.
Cán bộ chiến sĩ Hải đoàn 28 BP lập biên bản tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Tây Nam
|
Trong số các Hải đoàn TVB này gồm: Kiên Giang, Minh Hải (sau tách ra thành Cà Mau và Bạc Liêu), Cửu Long, Hậu Giang, Đặc khu Côn Đảo - Vũng Tàu, phải kể đến Hải đoàn TVB Hậu Giang.
Tháng 7.1989, UBND Hậu Giang tỉnh ra quyết định thành lập Hải đoàn tự vệ gồm 38 tàu cá và 275 cán bộ công nhân viên được BCHQS tỉnh và Quân khu 9 trang bị vũ khí.
Tháng 5.1991, UBND tỉnh Hậu Giang và BTL Quân khu 9 thành lập Ban Chỉ huy thống nhất Hải đoàn, do ông Trần Văn Dương, Giám đốc Cty Khai thác, chế biến thủy sản Hậu Giang làm Chỉ huy trưởng và Đại tá Dương Văn Thuận (Cán bộ Quân khu 9) giữ chức Phó Chỉ huy trưởng.
Trong thời gian ngắn, đội tàu của Hải đoàn được bổ sung lên đến 62 chiếc với trang bị đầy đủ, phạm vi hoạt động rộng trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế thuộc vùng biển Tây Nam.
Ngoài nhiệm vụ đánh bắt thủy sản, các tàu TTVB Hậu Giang còn tham gia cùng BĐBP truy đuổi, bắt nhiều tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển của ta. Chỉ tính từ tháng 8.1989 đến 6.1991, TVB Hậu Giang đã bắt giữ 133 tàu (125 Thái Lan), 1.377 người nước ngoài (1.274 Thái Lan).
Lực lượng tàu tuần tiễu BP bắt tàu vận tải và thuyền viên Campuchia đi vào vùng biển Việt Nam để buôn lậu gỗ quý
|
Đại tá Võ Văn Thắng, nguyên Tham mưu trưởng BĐBP Cà Mau nhớ lại: “Hồi ấy, TVB Hậu Giang do Giám đốc Năm Dương vây bắt tàu Thái rất có bài bản, trên dưới nên bắt được rất nhiều, có lần đưa về Sông Đốc gần 20 chiếc khiến anh em trong bờ kiểm đếm đến hụt hơi. Có lần BP Minh Hải bắt tàu Thái nhưng đối tượng chống trả quyết liệt, phải gọi điện nhờ tàu TVB Hậu Giang đến ứng cứu, phải bắn gần chục quả M79 mới tóm được!”
Ông Thắng cũng kể thêm: “Hải đoàn TVB Minh Hải thì... yếu xìu vì không có trang bị vũ khí. Sau này, tỉnh Minh Hải thành lập Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, toàn tàu Thái Lan bị tịch thu, trang bị vũ khí và do ông Trường Giang phụ trách, mỗi chuyến đi biển bắt được 3-4 tàu vi phạm, nên tình hình cũng đỡ!”. .
Bắt giữ thuyền viên tàu nước ngoài nhập biên trái phép
|
Chiến đấu như… bộ đội
Cũng bàn đến lực lượng TVB, ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhớ lại: “Tháng 10.1976, UBND tỉnh thành lập Đoàn Quốc doanh đánh cá với khoảng 20 tàu, trong đó có 1 Đại đội dân quân được trang bị vũ khí bộ binh. Năm 1990, Đoàn nâng cấp thành Hải đoàn với hơn 100 tàu, chia ra thành 5 Hải đội và dưới đó là Tổ TVB với 3 tàu/tổ do tàu chủ lực làm tổ trưởng, có trang bị súng phòng không 12,7mm. Từ những năm 90, tàu của Hải đoàn liên tục ngăn chặn tàu Thái Lan vào sâu trong vùng lãnh hải của ta đánh trộm cá, nhưng rất khó bắt bởi tàu họ đi thành đoàn hàng trăm chiếc, toàn tàu tốc độ cao".
Ông Tân cũng kể thêm rằng: "Tàu TVB không đuổi kịp, tàu Thái càng ngang nhiên vào sâu vùng nội thủy, đến mức đêm đêm từ Hòn Đá Bạc nhìn ra, tàu Thái đèn đuốc tưng bừng đánh cá, hơn cả thị xã Rạch Giá!” và sôi nổi: “Chúng tôi mạnh dạn xin UBND tỉnh cho mua tàu 5 máy, tốc độ cao hơn làm nhiệm vụ đuổi bắt, các tàu khác đón lõng - mai phục!”.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tấn Dũng (thứ 3 từ trái qua) nay là Thủ tướng Chính phủ, thăm và làm việc với BCHBĐBP Kiên Giang về công tác phối kết hợp giữa BĐBP và Tự vệ Biển trong công tác giữ gìn, bảo vệ ANTT vùng biển Tây Nam, năm 1996. Hình: Tư liệu BĐBP Kiên Giang
|
Theo thống kê của Bộ Thủy sản, đến cuối tháng 7.1991, lực lượng TVB đã bắt giữ 86 tàu và 846 ngư dân Thái Lan. Sự ra đời, hiệu quả của các Hải đoàn TVB đã khiến các chủ tàu cá Thái Lan “mất ăn mất ngủ” và rút cục, họ tiếp tục thuê tàu Hải quân Hoàng gia Thái Lan tấn công vào TVB.
Đơn cử: ngày 12.8.1993, tàu chiến Thái Lan tấn công tàu TVB Kiên Giang, bắn hư hỏng 1 tàu và bắt 1 tàu với 12 thủy thủ; ngày 24.8.1993, tàu chiến PINKALAO vào sâu lãnh hải ta, cách Thổ Chu về phía Đông Nam 28 hải lý và tấn công 1 tàu cá của TVB, cướp ngư cụ, đánh đập thủy thủ 2 tiếng liền; ngày 17.10.94, tàu BVNLTS Minh Hải bắt 3 tàu cá, trong lúc dẫn giải thì bị 1 tàu chiến Thái Lan truy kích, giải vây 1 tàu...
Biên đội tàu của Hải đoàn 28 neo đậu tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang)
|
Đặc biệt, đêm ngày 10.12.94, các tàu của công ty Thủy sản Cần Thơ bắt 5 tàu cá Thái Lan, khi đang dẫn giải về bờ thì bị 3 tàu chiến Thái Lan truy đuổi, bắn uy hiếp để giải vây. Các tàu TVB đưa các tàu vi phạm vào gần nhà giàn DK1/10 đóng trên bãi cạn Cà Mau xin chi viện, nhưng 3 tàu chiến vẫn cương quyết bao vây khống chế, buộc TVB phải thả 4 tàu cá vi phạm...
Trung tướng Trần Văn Trà, Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN (giữa), sau này là UVBCT, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, tại Hải đoàn 28, BTLBĐBP, tháng 2.1997
|
Mô hình TVB thời điểm 80-90 rất hữu hiệu trong công tác “dẹp loạn” vùng biển Tây Nam, là sáng kiến của Thiếu tướng Trương Văn Thanh, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP, phụ trách khu vực phía Nam.
Tôi đến tìm Thiếu tướng đang nghỉ hưu ở đường Nhất Chi Mai (Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) hỏi chuyện, ông chỉ cười: “BĐBP dù ở đất liền hay trên biển, phải gắn với dân mới làm tốt nhiệm vụ. Với BP biển, điều này cực kỳ quan trọng bởi dân sát cánh chiến đấu như bộ đội, hiệu quả hoạt động của tăng gấp chục lần!”.
Đại tá Phạm Thanh Khương, Phó trưởng Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị BTL BĐBP bật mí: Thời kỳ này, vùng biển Tây Nam bị tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền lãnh hải, đánh bắt trộm hải sản rất phức tạp, ngư dân không dám ra khơi sản xuất. Trong khi đó đối sách của ta chưa nhất quán, lúng túng tìm cách xử lý, không rõ “bắt giữ” hay “xua đuổi” tàu thuyền vi phạm. Qua thực tế khảo sát nắm tình hình, Thiếu tướng Trương Văn Thanh báo cáo trước Đảng ủy, BTL đề nghị ra chủ trương: trao đổi với các địa phương ven biển tạo mọi điều kiện thuận lợi, tổ chức ngư dân ra khơi bám biển".
Theo Đại tá Khương, lúc ấy đối với tàu thuyền nước ngoài vi phạm thì ta có đối sách rõ ràng cho từng trường hợp cụ thể...
Tàu CSB-2004 của BTL Vùng Cảnh sát Biển 4 trực tại Năm Căn, Cà Mau
|
Chủ tàu Phan Văn Sơn (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) tiếp lời: Khi có TVB, mỗi lần ra khơi là tàu BP đi trước, xong đến tàu TVB và tiếp theo là tàu cá ngư dân lũ lượt bám theo. Ra ngư trường, cả đoàn dừng lại đánh bắt. Khi phát hiện tàu nước ngoài xâm phạm, cả tàu BP, TVB, người dân ào ào vây bắt khiến nước ngoài dù có tàu chiến, máy bay cũng chờn, phải rút về phần biển của họ. Mấy năm liền như thế, mãi đến giữa những năm 2000, việc phân định giữa Chính phủ 2 nước hoàn tất, vùng biển mới yên và ngư dân ta thực sự được đánh bắt trên biển của nhà ta...
“Một tấc không đi, 1 ly không rời”
Thiếu tướng TRương Văn Thanh (bìa phải) trong buổi hội đàm với đại diện Quân đội Hoàng gia Campuchia về việc phối hợp giữ gìn ANTT trên vùng biển Tây Nam, 2004
|
Ngày cuối ở căn cứ Xẻo Rô, Đại tá Nguyễn Hữu Nhịp dẫn tôi ra cảng Hải đoàn 28 chỉ tận vết đạn xuyên vào nóc buồng lái tàu tuần tiễu BP-28.01.70 bảo: “Máy bay của Không quân Hoàng gia Thái Lan tấn công chúng tôi, cuối năm 1994!”.
Nhìn vết đạn, lại nhớ những mẩu chuyện những người lính BP 28 kể về người chỉ huy của mình mấy chục năm trước: Có lần tàu chiến, máy bay ào đến dọa dẫm, vài anh em định chặt dây neo cho tàu chạy vào đất liền, thuyền trưởng Nguyễn Hữu Nhịp quát: “Ai chạy tôi bắn! Đây là vùng biển của ta, mình mà chạy hóa ra mình không phải người chủ à?”.
Những chuyến tuần tra ngoài biển, trước khi nhổ neo các tàu BP đều treo cờ mới cứng, bộ đội mượn ngay quân phục nghiêm trang chỉnh tề với đủ hàm hiệu.
“Đêm tàu neo đậu, tôi cho anh em chiếu đèn pha lên cờ Tổ quốc để đối phương có ở xa cũng nhìn thấy!” – Đại tá Nhịp kể vậy và chắc chắn: “Mình là nhà chức trách, người chủ vùng biển thì phải vững vàng, đàng hoàng. Đối phương có muốn kiếm cớ tấn công, cũng không có lý do và nhất là họ cũng biết đang xâm phạm lãnh hải ta, qua các thiết bị trên tàu họ!”…
Bộ đội tàu thuộc Hải đoàn 28, BTLBĐBP luyện tập làm chủ vũ khí khí tài, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng biển Tây Nam Tổ quốc
|
“Vị thế của người làm chủ vùng biển” - Khái niệm ấy, không chỉ hiển hiện ở Tây Nam mà đang vươn xa Hoàng Sa – Trường Sa, giữ chủ quyền cha ông và dẹp loạn, đánh đuổi những "kẻ cướp biển", đang rình rập biển Việt Nam, mỗi ngày…
Bình luận (0)