Cửu âm chân kinh 2: Chuyện của "kẻ mở đường"

06/10/2014 11:00 GMT+7

Cửu âm chân kinh 2 xứng đáng được xem như "kẻ mở đường" của thể loại game MMO sử dụng bối cảnh kiếm hiệp. Dù cho con đường ấy lắm thăng trầm và chông gai...

Nhìn lại hành trình ra đời và phát triển của Cửu âm chân kinh (CACK), tựa game này xứng đáng được xem như một kẻ mở đường của dòng MMO xây dựng trên bối cảnh kiếm hiệp. Dù cho, con đường ấy lắm thăng trầm và chông gai.

Một tựa game kỳ lạ

Ra đời ngay tại cái nôi của game online kiếm hiệp, nhưng CACK không chọn cách kế thừa – đúng hơn là tận dụng – cơ chế gameplay “mặc định” của rất nhiều sản phẩm quê nhà. Thay vào đó, nhà phát hành Snail Games tự tìm cho mình con đường hoàn toàn mới, nếu không muốn nói là… kỳ quái so với những trò chơi cùng thể loại.

Lần đầu tiên một tựa game MMO kiếm hiệp quyết định đào thải hoàn toàn hệ thống cấp độ (level), cũng chẳng có một khái niệm “cày” quái hay Auto luyện cấp nào trong CACK. Thay vào đó, sự mạnh yếu của người chơi dựa vào hai yếu tố song hành: Nội công và chiêu thức.

CACK: Chuyện của kẻ mở đường

(Ảnh: Gosu)

Nếu nội công đóng vai trò nền tảng, quyết định các chỉ số cốt lõi của người chơi, thăng cấp dần dần và được xem như thước đo cơ bản cho thời gian trải nghiệm game thì ở chiều ngược lại, chiêu thức (hay bộ võ công) là yếu tố quyết định đẳng cấp giữa các hiệp khách. Nhưng sự hơn thua này không nằm ở chỗ ai có “thâm niên cày cuốc” lâu hơi sẽ thắng, mà nằm ở khía cạnh bạn vận dụng, thi triển các chiêu thức đó như thế nào. Nói theo cách khác, chiến thắng quyết định bởi kỹ năng điều khiển và đọc trận đấu của game thủ.

Chính bởi cơ chế lạ thường này mà trong CACK nhan nhản trường hợp người chơi lâu năm bị “ăn hành” bởi những gã tân thủ có cơ duyên “té núi” và sở hữu các pho võ công hiếm có, chỉ tìm được thông qua event kỳ ngộ vô cùng ngẫu nhiên, bí ẩn. Đó là một sự lãng mạn đậm chất Kim Dung, mà chỉ có thể được tìm thấy trong CACK.

CACK: Chuyện của kẻ mở đường

Một thế khinh công đậm chất Kim Dung. Ảnh: Gamedynamo.com

Chất kiếm hiệp kinh điển ấy càng được thể hiện rõ nét hơn qua số lượng chiêu thức nhiều vô kể của CACK, được tìm thấy qua các phương pháp hoàn toàn khác nhau, và tất nhiên, cũng cực kỳ đậm chất “quái”. Dẫn đao tự cung, thủ tiết trọn đời, vô tình chết đuối, té núi, trèo lên cây cao ngồi hàng giờ v.v. là những cách thức mà người chơi cần trải qua để nuôi mộng làm cao thủ. Đó là chưa kể những lời đồn đại chưa được kiểm chứng mà các game thủ rỉ tai cho nhau, với mức độ kỳ lạ ngoài sức tưởng tượng.

Cõi giang hồ khốc liệt

Dường như cảm thấy chưa “đã” trong việc biến tấu CACK ở mức độ độc đáo, Snail Games còn tham vọng xây dựng thế giới kiếm hiệp của mình thành một nơi “độc nhất vô nhị” của ngành công nghiệp game với những định hướng chuyển hóa trò chơi thành tựa game Sandbox đúng nghĩa.

Người chơi buộc phải ăn uống thường xuyên để giữ cho nhân vật của mình sinh tồn, phải vất vả sắm vai nông phu, ngư nhân, ăn mày, thầy bói, dược sư, đầu bếp v.v. để kiếm tiền trang trải. Một số kẻ chọn cách bắt cóc người chơi khác để làm giàu, số còn lại – lý tưởng hơn – sắm vai “kẻ săn tiền thưởng” với khát khao làm đại hiệp. Những tên tội phạm xấu số sau khi bị nhóm “săn tiền thưởng” này bắt về quy án, tùy theo mức độ nặng nhẹ sẽ bị NPC cho ngồi tù hoặc xử trảm, tất nhiên, thân hữu của y trong game hoàn toàn có quyền… cướp ngục, giải thoát kẻ phạm tội.

CACK: Chuyện của kẻ mở đường

Đừng xem thường người ăn xin này! Ảnh: Gosu.

Chốn giang hồ hiểm nguy ấy càng trở nên khó lường và phức tạp, nhờ vào cơ chế xây dựng NPC của CACK. Mỗi NPC trong game đều có thước đo “cảm xúc” dành cho người chơi, bạn có thể trở thành kẻ thù của bộ phận dân chúng trong thành, bị xem như kẻ ác, kẻ phá rối. Ngược lại, nếu có được tình cảm của một số NPC nhất định, rất có thể những người này sẽ mang đến cho bạn các nhiệm vụ, kỳ ngộ ẩn v.v. mà phần thưởng có thể là pho võ công bá đạo chỉ được biết đến qua “đồn đại”.

Khi phiên bản “Thiên hạ biến” ra mắt, yếu tố tự do, giàu tình tiết trong game lại càng được nâng cao, nhờ vào những cập nhật đáng giá xoay quanh các thế lực, môn phái mới, yếu tố thời tiết, dị dung, các bộ võ công mới v.v. Thế giới võ hiệp đậm chất Kim Dung nhờ đó càng quyến rũ và hấp dẫn, “gây nghiện” người chơi.

CACK: Chuyện của kẻ mở đường

Đọ tửu lượng trong game. Ảnh: Gosu. 

Ở góc độ một game thủ, người viết có thể dành hàng giờ để liệt kê những cái “lạ” của CACK. Đơn giản vì có quá nhiều cái để nói, để bàn về sự khác biệt mà CACK mang lại cho làng Việt nói riêng, làng game MMO kiếm hiệp nói chung. Chỉ có thể khẳng định một điều rằng, thông qua sản phẩm CACK, có thể thấy rõ thành quả lao động đáng nể của Snail Games, những người khát khao dấn thân đi tìm sự đổi mới, đầy tính cách mạng.

Đó, là thứ mà ngành công nghiệp game đang vô cùng cần.

Hành trình không bình yên

Người ta thường nói rằng, những kẻ mở đường chẳng bao giờ có được hành trình êm ả, điều này đặc biệt đúng với CACK và Gosu – Nhà phát hành CACK tại thị trường Việt Nam.

Trước khi về Việt Nam, tựa game con cưng của hãng Snail Games đã càn quét ở rất nhiều thị trường, bao gồm cả Châu Âu và khu vực Bắc Mỹ - điều mà rất ít tựa game Trung Quốc có thể làm được. Như một hiệu ứng tất yếu, CACK trở thành cái tên thuộc dạng “hot” nhất thị trường Việt Nam trong năm 2013.

Tuy nhiên, game thủ Việt vốn đã quá quen với những tựa game đậm chất “động”, giá trị trong cái “tĩnh” của CACK không được đánh giá cao và đặt vào vị trí xứng đáng. Chính định kiến này khiến cho trò chơi kiếm hiệp đặc biệt của Gosu phải trải qua giai đoạn hòa nhập khó khăn, nhất là khi đối thủ nặng ký Tiếu ngạo giang hồ 3D xuất hiện, thách thức phần còn lại của làng game MMO kiếm hiệp Việt Nam.

CACK: Chuyện của kẻ mở đường

"Thiên hạ biến" đã tạo nên cú hích cần thiết. Ảnh: TNG

Rất may mắn khi game thủ đã lấy lại sự bình tâm và bắt đầu có những cái nhìn công bằng, chính xác hơn về CACK, cũng như việc phiên bản “Thiên hạ biến” ra đời vào thời điểm không thể chuẩn xác hơn, tạo một cú hích đẩy tựa game này lên độ “hot” như thời mới xuất hiện. Lúc này, những cái hay của CACK mới bắt đầu được đánh giá cao, trong bối cảnh làng game Việt đã “ngán” với cơ chế gameplay lặp đi lặp lại, lẩn quẩn và thiếu sáng tạo của những trò chơi kiếm hiệp online ở bất kỳ quy mô lớn nhỏ nào.

Cơ hội của nhà phát hành Gosu

Việc mở máy chủ mới Đào hoa đảo không chỉ là sự kiện chào mừng phiên bản cập nhật “Thiên hạ biến”, mà là cột mốc đánh dấu một khởi đầu mới, một sự “refresh” cần thiết cho tựa game CACK Việt Nam. Lượng người chơi khá đông đúc (mà một phần rất lớn là những người quay trở lại game) được xem là tín hiệu rất tích cực. Có thể nói, chưa bao giờ Gosu đang có cơ hội tốt đến thế để khẳng định chất lượng của CACK, nhất là khi các đối thủ cạnh tranh cùng thể loại đã chững lại và có dấu hiệu đi xuống.

CACK: Chuyện của kẻ mở đường

Giải đấu CACK đang được trực tiếp. Ảnh: Trang chủ CACK

Sự kiện giải đấu CACK khuôn khổ Đông Nam Á trong thời gian tới cũng có thể xem là một cú hích cần thiết, để hãng Snail Games hoàn thành ước mơ về một viễn cảnh “Esport kiếm hiệp” – mục tiêu mà hãng đặt ra ngay từ khi CACK còn là một ý tưởng. Khoan bàn về việc định hướng phát triển này sẽ tiến xa tới đâu, nhưng rõ ràng, một lần nữa, CACK lại sắm vai “người mở đường” đáng khích lệ của dòng game MMO kiếm hệp.

Lời bình

Gameplay "kỳ lạ" của Cửu âm chân kinh thực sự đem lại cảm giác "sống trong thế giới kiếm hiệp" cho người chơi. Thế nhưng, khi đa số game thủ Việt vẫn còn giữ thói quen cày game đua top như bây giờ, thế mạnh "tự do" của CACK lại trở thành điểm yếu, khiến lượng người chơi và cả... doanh thu không được như mong muốn. Chất lượng của CACK đã không cần phải bàn tới nữa, câu hỏi bây giờ là, liệu CACK 2 - với làn sóng game thủ quay trở lại vào lúc này - có đạt được các mục tiêu mà Gosu mong muốn để ít nhất là... tiếp tục vận hành và phát triển?

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, một game thủ có 7 năm chơi MMORPG, với nhiều game trong và ngoài nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.