Cứu bệnh nhân bị tai nạn vỡ lách, tràn máu ổ bụng, gãy đa xương sườn

23/05/2019 20:22 GMT+7

Một bệnh nhân bị vỡ lách nặng, chảy máu ổ bụng, gãy xương đòn, gãy đa xương sườn... do tai nạn giao thông vừa được các bác sĩ ở Cần Thơ cứu sống bằng phương pháp nút mạch cầm máu, không cần phẫu thuật.

Chiều 23.5, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Bi, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết bệnh viện vừa điều trị thành công cho bệnh nhân vỡ lách độ 3 đang chảy máu trong ổ bụng bằng phương pháp nút mạch.
Bệnh nhân L.M.K (35 tuổi, ngụ xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) bị tai nạn giao thông và được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu với chẩn đoán vỡ lách độ 3, gãy xương đòn, gãy đa xương sườn.
Sau đó, bệnh nhân được hồi sức tích cực và hội chẩn khẩn với bác sĩ chuyên khoa can thiệp nội mạch. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định điều trị bằng phương pháp “nút nhánh động mạch lách đang chảy máu’’ để cầm máu khẩn cấp cho bệnh nhân.
Đây là phương pháp điều trị nội mạch mới thực hiện dưới máy chụp mạch kỹ thuật số hóa xóa nền (DSA).
Quá trình can thiệp, ê kíp bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Công Khánh, bác sĩ chuyên khoa  Phạm Minh Phước (Khoa Chẩn đoán hình ảnh) đã luồn ống thông nhỏ từ động mạch đùi thông qua động mạch chậu vào động mạch chủ và đến động mạch lách.
Tại đây, bác sĩ bơm thuốc cản quang nhằm xác định vị trí động mạch lách bị vỡ. Tiếp đến là luồn một ống siêu nhỏ vào động mạch đang chảy máu và bơm keo vá chỗ thủng, giúp cầm máu và gắn liền nhu mô lách. Thủ thuật nút động mạch lách được thực hiện thành công trong vòng 30 phút.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Bi, nút mạch hiện là phương pháp xử lý bảo tồn lách bị vỡ, tránh được nguy cơ tai biến, biến chứng của gây mê và phẫu thuật mở bụng cũng như biến chứng nhiễm trùng. Thời gian thủ thuật ngắn, rất ít đau, thời gian phục hồi nhanh và không để lại vết mổ trên thành bụng.
Đặc biệt ưu điểm rất lớn của phương pháp này là giữ lại được lá lách cho người bệnh, và với những bệnh nhân đa chấn thương sẽ mau hồi phục để thực hiện các phẫu thuật khác.
Trước đây, những bệnh nhân chấn thương lách độ 3, chảy máu ổ bụng thường phải phẫu thuật khâu cầm máu hoặc cắt lách để cầm máu, bệnh nhân phải chịu cuộc gây mê, chịu cuộc mổ lớn, thời gian phục hồi kéo dài.
Tới chiều 23.5, sức khỏe bệnh nhân K. đang hồi phục tốt, bệnh tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn định, bớt đau bụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.