Ngày 22.1, thông tin từ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ khoa Tim mạch can thiệp vừa cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch. Toàn bộ kinh phí điều trị cho bệnh nhân được hỗ trợ từ nguồn quỹ của chương trình "Chia sẻ yêu thương" do các y bác sĩ của bệnh viện đóng góp.
Trước đó, bệnh nhân B.V. P, 63 tuổi, ngụ Hậu Giang được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng mạch chậm, huyết áp thấp, choáng, đau ngực trái; tiền sử bị tăng huyết áp, tiểu đường khoảng 14 năm.
Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp thành dưới giờ thứ 7 có chỉ định can thiệp mạch vành cấp cứu. Tuy nhiên, khi nghe thông báo về kinh phí để can thiệp mạch vành thì gia đình gần như buông xuôi bởi hoàn cảnh quá khó khăn. Bà N.T.C, 67 tuổi, vợ bệnh nhân, cho biết ông P. mất sức lao động nhiều năm nay, gia đình lại có thêm người con bệnh tâm thần, cuộc sống gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào công việc bán vé số của bà C.
Trước hoàn cảnh của bệnh nhân, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, đã yêu cầu các bác sĩ ưu tiên cứu người, thủ tục và chi phí tính sau. Ngay sau đó, quy trình báo động đỏ nội viện được kích hoạt, bệnh nhân được chuyển xuống phòng can thiệp. Ê kíp bác sĩ khoa Tim mạch can thiệp chạy đua với thời gian thực hiện cấp cứu cho bệnh nhân.
Kết quả cho thấy, bệnh nhân bị tắc động mạch vành phải đoạn 3 và huyết khối, các bác sĩ đã can thiệp thành công sang thương bằng stent phủ thuốc. Thời gian can thiệp là 30 phút.
Hiện tại sau can thiệp, bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, giảm đau ngực, dấu hiệu sinh tồn ổn định và sinh hoạt gần như bình thường.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Triệu, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, thông tin thêm, nhồi máu cơ tim cấp là một bệnh lý cấp tính nguy hiểm do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi dưỡng cơ tim. Đây là bệnh lý có tỷ lệ tử vong rất cao với 25% bệnh nhân nhồi máu cơ tim chết trong giai đoạn cấp tính của bệnh. Nguyên tắc chung là tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc càng sớm càng tốt. Do vậy khi bệnh nhân có những dấu hiệu bị nhồi máu cơ tim như: Đau thắt ngực, nặng ngực, mệt mỏi, khó thở, cảm giác hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu… cần phải tức tốc đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Thông qua phòng Công tác xã hội của Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, thời gian qua, nhiều người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo, nguy kịch đã được hỗ trợ điều trị. Riêng năm 2024, phòng đã hỗ trợ 1.455 lượt bệnh nhân với số tiền 6,3 tỉ đồng. Sau 8 năm thực hiện công tác hỗ trợ bệnh nhân, bệnh viện đã tiếp sức cho hơn 6.000 lượt bệnh nhân với tổng số tiền 27,7 tỉ đồng.
Bình luận (0)