Theo cáo buộc, các bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bắc Ninh đã có sự "ưu ái", giúp Công ty AIC và Công ty Sông Hồng chia nhau 6 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, gây thiệt hại cho ngân sách hơn 48 tỉ đồng. Sau khi quyết toán, phía Công ty AIC và Công ty Sông Hồng đã chi nhiều tỉ đồng cho các cựu quan chức. Trong số này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến nhận 14 tỉ đồng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh nhận 10,1 tỉ đồng.
Khai trước tòa, bị cáo Chiến thừa nhận cáo buộc của Viện kiểm sát, không thắc mắc gì về tội danh. Với 14 tỉ đồng đã nhận, bị cáo Chiến bị truy tố nhận hối lộ 4 tỉ đồng, gồm 1 tỉ đồng của Công ty Sông Hồng nhận thông qua bị cáo Trần Văn Tuynh (cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế tỉnh) và 3 tỉ đồng nhận trực tiếp từ bà Nhàn.
Bị cáo Chiến khai, sau khi thực hiện xong các gói thầu, bị cáo Tuynh đến gặp và đưa cho mình 1 tỉ đồng, bảo đây là tiền phần trăm hoa hồng của Công ty Sông Hồng. Nghe vậy, bị cáo Chiến từ chối, vì "nếu là tiền phần trăm thì không nhận". Sau này, bị cáo Tuynh lấy lý do chúc mừng sinh nhật, chúc mừng lên chức… để nhiều lần tặng quà, bị cáo Chiến mới đồng ý.
Về số tiền 3 tỉ đồng nhận từ bà Nhàn, bị cáo Chiến khẳng định "chưa bao giờ thỏa thuận hay yêu cầu doanh nghiệp phải chi tiền cho mình trước khi thực hiện các gói thầu". Chỉ sau khi hoàn tất gói thầu, vào các dịp lễ tết, sinh nhật…, bà Nhàn mới đến gặp, nhiều lần tặng quà. Bị cáo cũng khẳng định thời điểm nhận quà thì không biết một phần trong số đó có nguồn gốc từ các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Phải đến khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết sai phạm và viết đơn xin nhận trách nhiệm, nộp lại toàn bộ.
Xét xử cựu Bí thư Bắc Ninh và điều đặc biệt liên quan Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Cũng giống bị cáo Chiến, bị cáo Quỳnh chấp nhận toàn bộ cáo buộc của cơ quan điều tra cũng như Viện kiểm sát, không thắc mắc gì. HĐXX đề cập tới việc lãnh đạo Công ty AIC và Công ty Sông Hồng đề nghị hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh xin bổ sung vốn T.Ư, đổi lại tỉnh phải tạo điều kiện để 2 doanh nghiệp này tham gia và trúng các gói thầu. Vậy có phải cứ đơn vị nào xin được vốn thì được tạo điều kiện trúng thầu?
Trả lời, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nói việc này như là một "thông lệ" đã được đặt ra từ lâu, dù không có trong quy định tại văn bản nào. Bản thân bị cáo Quỳnh là thế hệ lãnh đạo sau này, nên cứ thế thực hiện theo. Bị cáo cũng nói, thời điểm xảy ra vụ án đang là phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn hóa xã, không phụ trách về kinh tế hay xây dựng. Vì thế, khi bị cáo Trần Văn Tuynh nói đã báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh rồi (về việc chấp thuận cho 2 công ty tham gia đấu thầu - PV), bị cáo Quỳnh tôn trọng và đồng ý.
Trong số tiền 10,1 tỉ đồng đã nhận, bị cáo Quỳnh thừa nhận nhận hối lộ của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn 1 tỉ đồng, của phía Công ty Sông Hồng 1 tỉ đồng. Số còn lại là do bà Nhàn tặng quà vào các dịp lễ, tết…, bị cáo không biết tiền này là của dự án nào, chỉ biết là được tặng, "ranh giới không rõ lắm". Đến nay, bị cáo đã nộp lại toàn bộ.
Vụ án này có 13 bị cáo, Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Nguyễn Hồng Sơn (cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC) do đang bỏ trốn nên bị xét xử vắng mặt. Đến nay, cựu Chủ tịch Công ty AIC đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở 5 vụ án, trong đó xét xử vắng mặt 4 vụ.
Bình luận (0)