Cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng hầu tòa vào ngày 7.1

22/12/2020 10:16 GMT+7

TAND TP. Hà Nội vừa đã ra quyết định mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Vũ Huy Hoàng , cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, và các đồng phạm trong vụ bán rẻ đất vàng Sabeco.

Theo quyết định của TAND TP.Hà Nội, phiên xét xử sơ thẩm 10 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai liên quan đến khu "đất vàng" 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) sẽ diễn ra từ ngày 7.1.2020
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 1 tuần với Hội đồng xét xử gồm 5 người. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xử là 2 kiểm sát viên của Viện KSND Tối cao và 1 kiểm sát viên của Viện KSND TP.Hà Nội. Có khoảng 30 luật sư tham gia bảo vệ cho các bị cáo, đương sự.
Trước đó, hồi trung tuần tháng 9, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 10 bị can có liên quan. Trong số này, ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương; và Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), bị truy tố về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí", quy định tại khoản 3 điều 219 bộ luật Hình sự, với khung hình phạt lên tới 20 năm tù.
8 bị can còn lại cùng bị truy tố về tội "vi phạm quy định về quản lý đất đai", quy định tại điều 229 bộ luật Hình sự. Trong số này, có ông Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM; ông Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM…
Theo cáo trạng, bị can Vũ Huy Hoàng là người có trình độ, kiến thức trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế, công nghiệp và thương mại. Ông Hoàng chịu trách nhiệm quản lý toàn diện các mặt công tác của Bộ Công thương, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Thủ tướng về quản lý ngành Công thương; thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương quản lý. Trong đó có Tổng công ty CP bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công thương quản lý.
Từ năm 2011 - 2012, Chính phủ đã có các nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, tổng công ty nhà nước không đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, nhất là lĩnh vực bất động sản, tài chính… Đồng thời, khi Sabeco triển khai thực hiện dự án tại khu đất 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng đã không bố trí được số tiền phải nộp để chuyển đổi mục đích sử dụng là hơn 1.236 tỉ đồng, nhưng ông Vũ Huy Hoàng vẫn quyết định cho đầu tư dự án, không chấp hành các nghị quyết của Chính phủ.
Từ năm 2012 - 2016, ông Hoàng đã chỉ đạo cấp dưới là bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương; cùng Phan Chí Dũng, cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), có các văn bản chỉ đạo cán bộ tại Sabeco dùng quyền sử dụng đất tại số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản.
Sau khi góp vốn và Sabeco thực hiện xong các thủ tục cho dự án, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ đạo đơn vị này thoái toàn bộ vốn góp tại Sabeco Pearl, cho doanh nghiệp tư nhân liên doanh để hoàn tất việc chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất hơn 6.000 m2 là tài sản nhà nước sang tài sản tư nhân trái pháp luật.
“Hành vi của Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm đã vi phạm quy định pháp luật về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, gây thiệt hại, thất thoát hơn 2.723 tỉ đồng”, cáo trạng của Viện KSND tối cao nêu rõ.
Cáo trạng cho biết quá trình điều tra, bị can Vũ Huy Hoàng chỉ thừa nhận trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu và đổ lỗi cho cấp dưới, trong đó, bà Hồ Thị Kim Thoa là người phải chịu trách nhiệm chính; việc chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư, thuê đất là trách nhiệm thuộc lãnh đạo TP.HCM.
Mặt khác, bị can Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng mình chỉ là người ra chủ trương chứ không kết luận, cũng không phê duyệt đấu giá. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu thu thập được, xác định ông Vũ Huy Hoàng có hành vi phạm tội với vai trò chính, trực tiếp; các bị can Hồ Thị Kim Thoa, Phan Chí Dũng có vai trò đồng phạm, giúp sức.
Trong vụ án, do bà Hồ Thị Kim Thoa đang bỏ trốn, nên các cơ quan tố tụng đã tạm định chỉ điều tra và tổ chức truy bắt để xử lý sau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.