Cựu cầu thủ SLNA ngất trên sân 'phủi' Nhật Bản: Làm sao tránh chuyện tương tự?

27/01/2024 06:07 GMT+7

Câu chuyện Ngọc Dũng, cựu cầu thủ SLNA ngất trên sân 'phủi' Nhật Bản khi mới ra sân đá bóng được 5 phút vì tình trạng rung thất (còn gọi là rung tâm thất) được dư luận quan tâm. Làm sao tránh được tình huống không ai mong muốn này?

Cựu cầu thủ SLNA ngất trên sân 'phủi' Nhật Bản: Làm sao tránh chuyện tương tự?- Ảnh 1.

Ngọc Dũng lúc đang thi đấu tại Nhật Bản

BTC

Từ câu chuyện của cựu cầu thủ SLNA, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, các chuyên gia thể thao, y tế chia sẻ nhiều ý kiến.

Cần tầm soát sức khỏe thường xuyên

Thạc sĩ Đỗ Quang Ba, Chủ tịch Tổ chức giao lưu quốc tế Việt Nam Nhật Bản (FAVIJA), Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Hợp tác Y tế Việt Nam Nhật Bản (VJIIC) là một người làm việc trong lĩnh vực y tế, được tiếp cận với những thành tựu về y học thể thao của Nhật Bản. Ông Ba đưa ra những lời khuyên đối với những VĐV, cầu thủ kể cả chuyên nghiệp hay phong trào.

"Đầu tiên, các VĐV cần thường xuyên thực hiện việc tầm soát bệnh kỹ lưỡng. Đối với những người có yếu tố rối loạn đông cầm máu, các bệnh lý về tim mạch, dị dạng mạch máu não thì nên dừng ngay việc tập luyện và chơi thể thao. Vì khi tập luyện quá sức sẽ có thể gây ra cơn tăng huyết áp và khởi phát đột quỵ", ông Ba nói.

"Đặc biệt vào mùa lạnh, khi vận động thì cơ thể sẽ lấy năng lượng nhiều hơn, tăng dòng máu vào cơ tim nhiều hơn, nên nguy cơ ngừng tuần hoàn dẫn đến đột tử có thể xảy ra, nhất là những người đã có dấu hiệu bệnh lý tim mạch và hô hấp tiềm tàng. Các VĐV khi đi thi đấu quốc tế càng phải cẩn trọng hơn khi có sự chênh lệch về múi giờ, thời tiết... bởi cơ thể khi đó chưa kịp đáp ứng theo đồng hồ sinh học của cơ thể", ông Ba cho biết thêm.

Tiến sĩ Phạm Thái Vinh, giảng viên chính, HLV trưởng đội bóng đá Trường ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM (UPES) cho biết để tránh các tình trạng gặp vấn đề về tim mạch, hạn chế tối đa nhất tình trạng ngất trên sân liên quan tim mạch đối với đối tượng là cầu thủ ở các giải bóng đá ngoài chuyên nghiệp thì trước tiên bản thân của cầu thủ đó phải có ý thức giữ gìn sức khỏe cho chính bản thân mình.

Cựu cầu thủ SLNA ngất trên sân 'phủi' Nhật Bản: Làm sao tránh chuyện tương tự?- Ảnh 2.

Xe cấp cứu đưa cầu thủ Ngọc Dũng tới bệnh viện hôm xảy ra vụ việc hồi tháng 12.2023

BTC

Việc giữ sức khỏe này cần bắt đầu từ việc tập luyện một cách có khoa học, đúng kế hoạch và lượng vận động hợp lý. Các cầu thủ phải ngủ nhiều, ngủ sâu, như vậy thì cơ thể mới có thể nhanh tái tạo lại năng lượng mới cho hoạt động tập luyện tiếp theo. Tuyệt đối cấm cầu thủ sử dụng chất kích thích, chất cấm.

"Đặc biệt, việc kiểm tra theo dõi sức khỏe định kì (6 tháng/lần) chú ý 2 nội dung: Siêu âm tim (POCUS) và Điện tâm đồ (ECG) với các VĐV là vô cùng quan trọng. Như tại UPES, các cầu thủ được kiểm tra sức khỏe đầu năm và trước khi tham gia thi đấu giải phải kiểm tra thêm lần nữa", ông Vinh nói.

Bài học từ sự chuyên nghiệp của bóng đá Nhật Bản

Thạc sĩ Đỗ Quang Ba - cũng là người thường xuyên tổ chức các hoạt động thể thao và khi qua Nhật làm việc vẫn tạo sân chơi rèn luyện sức khoẻ, giải trí lành mạnh cho cộng đồng người Việt tại Nhật luôn trăn trở với câu hỏi "Vì sao cùng là người châu Á mà thành tích thể thao nói chung và bóng đá nói riêng của người Nhật lại luôn vượt trội hơn so với Việt Nam và nhiều quốc gia?".

Công việc chính là chuyên môn về y tế, được tiếp xúc và học hỏi được ít nhiều những kiến thức liên quan đến y tế, ông Ba hiểu được nhiều hơn một số kiến thức về y học thể thao. Điều đó giúp ông dần dần có thể tự trả lời được những câu hỏi mà mình luôn trăn trở lâu nay.

Cựu cầu thủ SLNA ngất trên sân 'phủi' Nhật Bản: Làm sao tránh chuyện tương tự?- Ảnh 3.

Cầu thủ Ngọc Dũng trên sân phủi tại Nhật

BTC

Theo ông Ba đánh giá, có những yếu tố quan trọng giúp thành tích thể thao của người Nhật Bản luôn ở thứ hạng cao. Đầu tiên có thể kể tới việc lựa chọn các tài năng trẻ và đào tạo bài bản được thực hiện một cách khoa học từ rất sớm. Hay các VĐV luôn giữ kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp. Họ có sự chỉ đạo rất khắt khe từ vấn đề chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt, kể cả sinh hoạt cá nhân. Vấn đề chăm sóc y tế, tập luyện đảm bảo thể lực và sức dẻo dai được lên giáo án chi tiết và thực hiện nghiêm khắc.

Đáng chú ý, theo ông Ba, vấn đề chăm sóc sức khoẻ, tầm soát bệnh đối với cầu thủ, VĐV được thực hiện rất kỹ. Cho dù là một VĐV thể thao chuyên nghiệp hay phong trào thì việc tầm soát sức khỏe là rất cần thiết vì họ luôn tập luyện ở cường độ, khối lượng, tần suất cao đòi hỏi sức khỏe phải luôn ổn định.

Cựu cầu thủ SLNA ngất trên sân 'phủi' Nhật Bản: Làm sao tránh chuyện tương tự?- Ảnh 4.

Ông Đỗ Quang Ba

NVCC

"Việc tầm soát sẽ kiểm tra được mật độ xương đánh giá chiều cao, cân nặng, dự báo các bệnh lý, nhịp tim, thông khí phổi ở các trạng thái khác nhau dự báo được tần suất hoạt động tối đa đạt được khi thi đấu. Việc tầm soát đánh giá ban đầu được xem như một bước rất quan trọng và họ dự báo được chính xác khả năng phát triển của VĐV. Điều này cần làm bài bản ngay từ đầu, tránh việc đầu tư cho một VĐV rất nhiều, nhưng sau đó mới phát hiện VĐV đó có bệnh lý không tiếp tục được sự nghiệp...", ông Đỗ Quang Ba trao đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.