SCMP đưa tin, tại buổi nói chuyện do Ủy ban Quân vụ Thượng Viện Mỹ tổ chức, ông Eric Schmidt nhận định Mỹ chỉ đang đi trước Trung Quốc 1-2 năm chứ không phải 5-10 năm. Bên cạnh đó, người Trung Quốc hiện dẫn đầu ở những lĩnh vực như nhận diện khuôn mặt.
Ông Eric Schmidt nói thêm: "Vì công nghệ có tính lan tỏa, bạn phải biết rằng mọi thứ được phát minh trong thế giới trí tuệ nhân tạo (AI) nguồn mở đều có thể bị Trung Quốc mang về. Vậy nên hiểm họa là có thật".
Mảng AI của Trung Quốc tiến bộ nhanh chóng một phần nhờ chính sách hỗ trợ có tên gọi "Kế hoạch phát triển AI thế hệ tiếp theo" được chính phủ công bố năm 2017. Ngoài ra, dân số đông và luật bảo mật dữ liệu chưa chặt chẽ cũng là những yếu tố góp phần giúp Trung Quốc dễ dàng triển khai công nghệ này.
Cựu CEO Google nêu quan điểm: “Chính phủ [Mỹ] sẽ cần trợ giúp bằng vài hình thức tài trợ, chúng ta cần cho phép khu vực tư nhân xây dựng những thứ như vậy và làm mọi thứ thành công. Khu vực tư nhân là sức mạnh to lớn của Mỹ. Chúng ta di chuyển nhanh hơn bất kỳ chính phủ nào, chúng ta cần các nền tảng toàn cầu, sẽ là một thảm họa nếu ta buộc phải sử dụng nền tảng của Trung Quốc". Theo ông, tình trạng khẩn cấp sẽ thúc đẩy chính sách mới, bất kể trọng tâm là tài trợ công hay sáng kiến của khu vực tư nhân.
Cuộc chạy đua công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng nhiệt từ năm 2018. Năm đó, chiến lược quốc phòng Mỹ xác định 14 danh mục công nghệ mới nổi gồm chất bán dẫn, điện toán lượng tử, công nghệ sinh học, siêu âm, 5G và trí tuệ nhân tạo.
Đến cuối năm 2020, Bộ Thương mại Mỹ mở rộng lên 37 danh mục. Sản phẩm thuộc những nhóm này rất quan trọng trong việc định hình an ninh quốc gia tương lai nên đều bị hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Eric Schmidt tiếp tục: “Tôi lo rằng chúng ta không hiểu mối đe dọa từ Trung Quốc đối với những gì ta đang cố gắng thực hiện. Sẽ có nhiều nền tảng công nghệ xuất hiện, nhưng chúng sẽ xuất hiện ở Trung Quốc đầu tiên, trừ khi Mỹ nỗ lực nhiều hơn".
Ông chốt lại: "Đây là cuộc cạnh tranh về giá trị và đầu tư. Quan trọng là giá trị Mỹ - điều chúng ta hết sức trân trọng - phải chiến thắng trong tất cả lĩnh vực công nghệ này".
Ông Schmidt gia nhập Google năm 2001 và giữ ghế CEO suốt 10 năm trước khi rời đi vào ngày 20.1.2011. Ông hiện là chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ nhân tạo, được thành lập năm 2018 thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng John S. McCain. Ông cũng là người đồng sáng lập Schmidt Futures - sáng kiến nhằm thúc đẩy khoa học và công nghệ mới.
Bình luận (0)