Cựu chánh án phát hiện ra sai phạm tham ô nhưng không lập biên bản

26/12/2019 19:34 GMT+7

Phiên tòa tiếp tục xét hỏi bị cáo Lê Văn Phước, cựu chánh án TAND tỉnh Phú Yên để làm rõ hành vi tham ô của bị cáo này.

Ngày 26.12, phiên tòa xét xử bị cáo Lê Văn Phước, cựu chánh án TAND tỉnh Phú Yên cùng 3 thuộc cấp phạm tội tham ô tài sản bước sang ngày thứ 3.

Bản án cho nguyên chánh án TAND tỉnh Phú Yên Lê Văn Phước vì tham ô

Tại tòa, bị cáo Phước khai, việc quản lý tài chính là làm theo cách người trước làm sao thì sau vẫn làm vậy và chỉ làm theo kinh nghiệm. Hàng tháng, khi duyệt danh sách tiền lương của cán bộ, công nhân, viên chức của TAND tỉnh Phú Yên, bị cáo Phước khai là có đọc xem từng người trong danh sách lương thì thấy ổn, không có vấn đề gì, nhưng thiếu là không cộng lại tổng số tiền lương. Theo lời khai của bị cáo Phước, bị cáo biết tồn quỹ tiền mặt qua báo cáo, nhưng đến thời điểm quyết toán thì vì tin tưởng nên đã ký vào báo cáo tài chính mà không kiểm tra. “Bị cáo nghĩ, làm sao rút quỹ tiền mặtmà không có chứng từ”, bị cáo Phước nói và cho rằng: “Bị cáo Lộc thêm người vào trong bảng lương là chỉ thêm vào sau khi bị cáo ký bảng lương, văn thư đóng dấu. Lộc đã qua mặt bị cáo vì bị cáo tin tưởng nên Lộc với thực hiện hành vi trót lọt”.
"Không kiểm tra vì tin tưởng cấp dưới"
Cũng theo bị cáo Phước, hằng năm TAND tỉnh Phú Yên vẫn quyết toán với ngân sách TAND tối cao và Vụ Tài chính của TAND tối cáo cũng đã kiểm tra nhưng không phát hiện ra sai phạm. “Bị cáo không kiểm tra do rất tin tưởng vào bị cáo Lộc, vì qua các thời kỳ không thấy Lộc vi phạm trong công tác kế toán”, bị cáo Phước khai với HĐXX.
Bị cáo Phước cũng viện dẫn, nếu thông đồng chia nhau tiền tồn quỹ ngân sách trung ương và địa phương, tiền lương nâng khống thì bị cáo phải được chia hơn, chứ không chia bằng nhau vì bị cáo là lãnh đạo. Bị cáo Phước nói: “Nếu tôi đồng ý chia nhau số tiền quỹ còn thừa thì sao tôi phải kiểm tra, chỉ cần đối chiếu quỹ xử lý cho qua chuyện là xong. Tôi cần gì vội vã, cấp tốc chỉ đạo làm rõ sai phạm và báo cáo các cơ quan chức năng để xử lý”.
Riêng về khoản tiền thanh toán công tác phí đi nước ngoài thì bị cáo Phước khai là chỉ biết sai khi cơ quan điều tra đưa ra chứng từ thanh toán. “Bút sa gà chết”, bị cáo Phước than vậy.
Các luật sư, đại diện viện kiểm sát xét hỏi bị cáo xoay quanh khi bị cáo Thảo phát hiện ra quỹ tiền mặt tồn 95 triệu đồng nhưng thực tế trong quỹ không còn. Luật sư bào chữa cho bị cáo Huỳnh Thị Nhã Nhàn đã dẫn chứng biên bản đối chất giữa bị cáo Phước với bị cáo Nhàn tại cơ quan điều tra thể hiện các bị cáo nộp lại tiền quỹ, trong khi khoản này đã quyết toán xong.
Luật sư bào chữa bị cáo Nhàn đã hỏi bị cáo Phước: “Tại sao bị cáo biết sai mà không lập biên bản ngay? Bị cáo Phước khai do không biết nên mới trả tiền tạm ứng mà bị cáo đã tạm ứng quỹ tiền mặt. Bị cáo Phước khẳng định không ăn chia nên mới trả lại tiền tạm ứng cho cơ quan.
Sau đó, đại diện viện kiểm sát truy tiếp bị cáo Phước: “Nợ tạm ứng đã 3 năm mà sao không trả? Sao bị cáo không hoàn ứng lại bằng chứng từ thanh toán công việc mà bị cáo đã tạm ứng?”. Bị cáo Phước đáp lại là do chưa có chứng từ nên chưa thanh toán số tiền tạm ứng được.
Đến phần xét hỏi người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, HĐXX đã xét hỏi ông Nguyễn Phi Đô, nguyên Phó chánh án TAND tỉnh Phú Yên. Ông Đô khai ông chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý tài chính tại TAND tỉnh Phú Yên khi Chánh án TAND tỉnh Phú Yên Lê Văn Phước đi vắng. Tuy nhiên, ông Đô khai rằng, việc quản lý tài chính này có lúc thì được ủy quyền, lúc thì không có ủy quyền và chỉ ký chi lương. “Thật ra thì Lộc chờ gần hết giờ đem lên ký nên chủ quan, chỉ xem tên người trong cơ quan có đúng hay không. Hơn nữa, khoản lương thì ký hằng tháng, chỉ khi thay đổi có cán bộ nâng lương thì kiểm tra lại”, ông Đô nói.
Phiên tòa tiếp tục xét hỏi những người liên quan khác, công bố các lời khai của người liên quan và nhân chứng vắng mặt.
Ngày mai, phiên tòa xét xử cựu chánh án TAND tỉnh Phú Yên cùng 3 thuộc cấp tham ô tài sản tiếp tục làm việc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.