Người cựu chiến binh 1 chân
Đến TP.Đồng Hới (Quảng Bình), nếu hỏi bất kỳ người dân nào về hình ảnh của một cụ ông mang áo lính, đạp xe đạp bán kẹo kéo, hầu như ai cũng biết đến ông. Chiếc xe đạp này đã len lỏi khắp các ngõ ngách, trường học… ở TP.Đồng Hới hơn 30 năm qua.
Xe đạp kẹo kéo của ông Lương rong ruổi khắp TP.Đồng Hới hơn 30 năm. |
Bá Cường |
Người được nhắc đến trên chính là ông Phạm Văn Lương (58 tuổi, xã Võ Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình), một cựu chiến binh. Ông Lương nhập ngũ năm 1982, sau 5 năm ông xuất ngũ và làm việc tại một nông trường ở Phan Rang (Ninh Thuận) rồi không may dẫm phải mìn, mất đi một chân khi chỉ mới là cậu thanh niên.
“Sau khi mất một chân tôi trở về quê chữa trị, khi bình phục thì mở một tiệm sửa xe đạp ở bến phà Quán Hàu (H.Quảng Ninh). Đến năm 1990, tôi tình cờ gặp một người bạn trong quân ngũ đang sinh sống ở Huế và làm nghề bán kẹo kéo, kem cắt, thế là tôi cũng tò mò học thử”, ông Lương nhớ lại.
Ông Lương đạp xe hơn 50km mỗi ngày bán kẹo kéo |
Bá Cường |
Sau 1 tuần được người đồng đội cũ truyền nghề, ông Lương biết cách làm kẹo kéo, kem cắt. Cứ hàng năm khi hè đến ông lại làm món kem cắt, mùa đông lại bắc bếp thổi lửa nấu kẹo kéo. Nhưng sau này khi kem cắt không còn được mọi người yêu thích, ông bỏ dần rồi chuyển sang bán kẹo kéo quanh năm.
30 năm 'leng keng' tiếng chuông kẹo kéo: Người lính U.60 rong ruổi 50 km mỗi ngày |
Hương vị của tuổi thơ
Cơ duyên với những món ăn tuổi thơ cứ thế đến với ông Lương, suốt hơn 30 năm ông vẫn chở “tuổi thơ” của nhiều người trên chiếc xe đạp cũ đã đồng hành với ông từ rất lâu và có lẽ đến nay ông là người duy nhất còn bán món ăn ngọt ngào này ở Quảng Bình.
Kẹo kéo "thương hiệu" của ông Lương |
Bá Cường |
Dù chỉ còn 1 chân, chân còn lại phải lắp chân giả nhưng suốt hơn 30 năm qua, trừ những lúc trời mưa bão ra thì ngày nào ông Lương cũng đạp xe ra TP.Đồng Hới, đi vào mọi ngõ ngách, trường học, quán ăn ven biển… để bán kẹo kéo đến 9 - 10 giờ tối mới về.
Chị Lê Thị Hà (39 tuổi, P.Nam Lý, TP.Đồng Hới) cho biết chị là một khách quen, hầu như tuần nào cũng chờ ông Lương đạp xe qua con ngõ nhà để mua kẹo kéo. Chị Hà trước đây học tiểu học rồi trung học tại TP.Đồng Hới, kẹo kéo của ông Lương như một phần tuổi thơ, kỷ niệm thời thơ ấu của chị.
Chị Hà là khách hàng quen của ông Lương từ khi còn bé |
Bá Cường |
“Giờ lớn rồi nhưng vẫn thèm kẹo kéo của ông Lương lắm, không chỉ tôi mà những người bạn khác cũng thế. Từ những đứa nhóc chỉ đứng ngang hông ông lão bán kẹo kéo, giờ ai nấy đều lớn khôn có người thành đạt nhưng vẫn luôn nhớ hương vị ngọt ngào, giản dị của kẹo kéo ông Lương”, chị Hà chia sẻ.
Mai một dần món ăn truyền thống
Thời điểm mới bán kẹo kéo, mỗi cây kẹo chỉ có giá 1 - 2 hào, chừng đó so với công sức thức dậy từ 4 giờ sáng, rang đậu, ngào đường có lẽ vẫn chưa đủ để ông kiếm được đồng lời.
Ông Lương dậy từ 4 giờ sáng để nấu kẹo kéo, đến 8 giờ lại đạp xe ra TP.Đồng Hới để bán hàng |
Bá Cường |
Thế nhưng cũng vì biết món ăn này đang dần bị mai một, ít người bán nên ông vẫn kiên trì làm kẹo kéo để vừa giữ được món ăn truyền thống vừa có công việc cho bản thân.
Theo những chia sẻ của ông Lương, kẹo kéo giờ có giá 5.000 đồng/cây, trẻ con thời hiện đại ít biết đến loại kẹo này. Những khách hàng nhí của ông Lương ngày càng ít đi, nhưng đổi lại những vị khách lâu năm như chị Hà lại là người giúp ông Lương bán chạy hơn so với thời điểm nhiều năm về trước.
Món ăn này đã nuôi sống cả gia đình của người cựu chiến binh |
Bá Cường |
“Thời trước trẻ con ăn nhiều nhưng giá rẻ, ngày nay trẻ con ăn ít nhưng đổi lại những vị khách của nhiều năm trước lại tìm đến thường xuyên. Mỗi lần họ đều mua 5 - 10 cây để mang về cho gia đình thưởng thức”, ông Lương chia sẻ.
Cùng với đó, ông Lương cũng tranh thủ tạt qua các nhà hàng, quán nhậu dọc biển Nhật Lệ để bán cho các du khách ở đây. Trung bình mỗi ngày với 4 kg kẹo kéo ông Lương có thể kiếm được 600.000 - 800.000 đồng, chi phí mua lại nguyên liệu chiếm một nửa trong số đó.
Nhiều thế hẳn sẽ tiếc nuối nếu một ngày nào đó ông Lương không còn đủ sức để bán kẹo kéo. |
BÁ Cường |
Khoản thu nhập đó dù có hơi vất vả, nhưng ông Lương vẫn cố gắng gắn bó với nghề, nuôi lớn 3 người con trai được ăn học chu đáo. Và giờ ông vẫn tiếp tục bán kẹo kéo để chăm lo cho 2 người cháu nhỏ.
Hình ảnh về một cụ ông mang bộ đồ xanh lính, đội mũ cối cùng tiếng chuông xe đạp đã trở nên quen thuộc ở TP.Đồng Hới. Ở ngưỡng 60, ông Lương vẫn đang níu giữ lại ký ức của bao thế hệ.
Bình luận (0)