Gần 80 năm qua, cựu binh Thế chiến 2 William "Willie" Kellerman đã không nhận được bất cứ sự công nhận chính thức nào về những hy sinh của mình do lỗi thủ tục… hành chính.
Điều đó đã thay đổi vào ngày 28.6, khi cụ ông 98 tuổi được Tướng James C.McConville, Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ trao tặng Trái tim Tím (huân chương quân đội của Mỹ nhân danh Tổng thống được trao cho những người bị thương hoặc thiệt mạng trong lúc phục vụ quân đội Mỹ sau ngày 5.4.1917. Trái tim Tím là huân chương lâu đời nhất vẫn còn được trao cho các quân nhân Mỹ - NV), Ngôi sao Đồng và Huân chương Tù nhân Chiến tranh tại Câu lạc bộ Cộng đồng Fort Hamilton ở Brooklyn, New York.
Cựu binh Thế chiến 2 William "Willie" Kellerman |
People |
“Tôi cảm thấy như mình đang sống trong bóng tối và đèn bỗng nhiên bật sáng. Tôi sẽ không bao giờ quên trải nghiệm mà tôi đã có vào năm 1945”, Kellerman nói với tờ People.
Cuộc vượt thoát may mắn
Lớn lên ở Bronx trong cuộc Đại suy thoái kinh tế, năm Kellerman 19 tuổi ông có mặt trên con tàu chiến ngoài khơi bờ biển Normandy vào ngày 6.6.1944 (được gọi là D-Day). Trong vòng vài ngày, ông đã đổ bộ lên bãi biển Utah, nước Pháp, tham gia cuộc chiến chống lại Đức Quốc xã.
Chỉ vài tuần sau, vào ngày 4.7.1944, điện đàm Kellerman đang sử dụng bị bắn nát trong khi ông phải đối mặt với hàng loạt làn đạn xối xả của quân thù. Không có cách nào để liên lạc, đội trưởng cử ông đi tìm trụ sở Tiểu đoàn.
“Tôi hỏi, ‘Tôi phải đi đâu?’, Và anh ấy chỉ nói, ‘Cứ đi theo hướng đó’”. Kellerman nhớ lại. Nhưng khi nhảy qua hàng rào và né loạt đạn, Kellerman đối mặt với một chiếc xe tăng Đức rồi bị bắt làm tù binh.
Kellerman tham chiến châu Âu trong Thế chiến 2 |
People |
Kellerman phải ở trong lều với lính Đức vào đêm hôm đó, ông kể: “Họ lao ra khỏi xe tăng với súng máy. Ngày hôm sau, họ đưa tôi đến nơi giam giữ khoảng 60 đến 70 lính Mỹ khác”.
Kellerman nhớ lại việc được cho một lát bánh mì mỗi ngày và bắt di chuyển bằng cách đi bộ vào ban đêm. Ông giải thích: “Máy bay của chúng tôi sẽ bắn bất cứ thứ gì chuyển động vào ban ngày”.
Rất may, ông đã thoát được một cách táo bạo: “Tôi chui vào một bụi cây và khi chúng bị khuất tầm nhìn, tôi chạy ngược chiều. Tôi đến một ngôi nhà có trang trại vào lúc trời rạng sáng”.
Kellerman đã gõ cửa và cố gắng giải thích rằng ông là một lính Mỹ trốn thoát nhưng những người dân không nói được tiếng Anh. “Họ cho tôi quần áo rồi lấy đồng phục của tôi mang đi đốt”, ông nhớ lại.
Những người Pháp không thể giữ ông ở lại vì tất cả họ có thể bị giết nếu quân Đức tìm thấy, vì vậy Kellerman phải đi bộ dọc theo đường ray xe lửa. “Sau đó, tôi lấy hết can đảm bước ra đường". Kellerman cảm thấy mình đang trở nên “cực kỳ dũng cảm” khi đi ngang qua nơi quân Đức đóng quân và dừng lại ở những ngôi nhà để kiếm thức ăn. Sau khi tìm thấy một chiếc xe đạp bên vệ đường bị xẹp lốp, ông đến nơi nghĩ là một cửa hàng xe đạp. Nhưng trước sự ngạc nhiên của ông, đó thực sự là trụ sở bí mật của quân kháng chiến Pháp.
“Thật là may mắn khi tôi biết nước nào vô địch bóng đá thế giới năm đó và họ đã hỏi đủ thứ để đảm bảo rằng tôi không phải người Đức. Tôi thuyết phục họ rằng tôi chính là một lính Mỹ”, ông kể tiếp.
Kellerman trong một trận đánh ở Pháp |
People |
Họ đã giấu ông trong rừng Fréteval, nơi ông ở lại cho đến khi lực lượng Đồng minh tiếp quản. “Tôi đã kết thúc cuộc chiến với lực lượng này”, Kellerman từng bị bắn vào chân và tay khi chiến đấu cùng lực lượng Đồng minh.
Kellerman cho biết ông đã hồi phục tại một bệnh viện ở Bayreuth, Đức trước khi trở về nhà sau chiến tranh. Ông tiếp tục theo học trường nghệ thuật New York và sống ở Havana trước khi định cư với vợ Sandy tại Long Island, New York. Họ cùng nhau nuôi dạy ba đứa con. Ông khai trương, điều hành một loạt cửa hàng cung cấp máy may, máy hút bụi và máy đánh chữ.
Kellerman không trở lại Normandy mãi đến năm 2018. Lần này, gia đình đã tham gia đi cùng khi ông nhận Huân chương Danh dự của Pháp. “Cảm giác thật tuyệt khi được quay lại đây vì không ai bắn vào tôi nữa”, Kellerman cười nói. “Họ chào đón, xin chữ ký của tôi và trao cho tôi một huy chương”.
Cựu binh Kellerman nay đã 98 tuổi |
people |
Nhưng ngay cả lúc đó, Kellerman vẫn đầy hoài nghi về sự công nhận từ chính đất nước mình. Trong nhiều năm, Kellerman và con gái của ông - Jeanie Kellerman Powers - đã tìm đủ mọi cách để quân đội Mỹ xem xét hồ sơ phục vụ của ông. Bộ phim tài liệu ngắn sản xuất năm 2019 về D-Day, mang tên 6 tháng 6, cuối cùng đã thành hiện thực.
Nhà làm phim Henry Roosevelt sớm cho Trung tá Egan O'Reilly và Tướng Mark Milley (hiện là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng, sĩ quan quân đội cấp cao nhất của Mỹ) biết thông tin về Kellerman và bắt đầu quá trình để ông cùng các cựu binh khác nhận được những huân chương mà họ xứng đáng được nhận.
Henry Roosevelt nói: “Điều tuyệt vời nhất xuất hiện trong bộ phim của chúng tôi là khán giả đã xem, nghe và hành động theo lương tri. Chiếc huy chương và dải băng đó - thứ mà Willie và con gái Jeanie đã nỗ lực trong nhiều thập kỷ - giúp cả thế giới biết về ông và gia đình. Điều đó có nghĩa là William Kellerman cuối cùng cũng được lắng nghe”. Kellerman-Powers nói thêm: “Nếu không có Henry, điều này không bao giờ xảy ra”.
Roosevelt nói rằng họ phải “đánh động cả một đội quân”, ghi nhận không chỉ Tướng Milley và Trung tá O'Reilly mà còn cả Thiếu tá Grekii Fielder và Đại úy Jesse R.Ferguson vì những nghiên cứu không ngừng của họ về hồ sơ Kellerman.
Roosevelt kể: “Họ đến với nhau, vượt qua nạn quan liêu để làm điều đúng đắn. Họ không làm theo chỉ đạo của Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa. Quan trọng hơn, họ đã làm vì con người”.
Bộ phim cũng đưa thông tin về Ozzie Fletcher, một người đàn ông da đen 99 tuổi phục vụ trong Thế chiến 2, nhận được Trái tim Tím vào tháng 6.2021. Fletcher bị thương trong trận Normandy nhưng từng bị từ chối Trái tim Tím do nạn phân biệt chủng tộc.
Bình luận (0)