Theo thông tin từ người nhà, trước khi vào viện một ngày ông L. ăn không tiêu, chướng bụng, có đến phòng khám gần nhà để thăm khám nhưng không thuyên giảm. Sau đó ông L. than mệt, tức ngực, nặng ngực sau xương ức nên người nhà nhanh chóng đưa vào Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An để cấp cứu.
Ngày 21.2, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Công Vân, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An, cho biết sau khi tiếp nhận bệnh nhân L., quy trình báo động đỏ nội viện được kích hoạt, đội ngũ cấp cứu gồm các bác sĩ và điều dưỡng tiến hành hồi sức tim phổi để cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp cho bệnh nhân. Xác định nguyên nhân ngừng tim là do bị nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng choáng tim và rối loạn nhịp, tình trạng rất nguy kịch.
Sau khi thống nhất hội chẩn và được sự đồng ý từ gia đình, bệnh nhân được chuyển lên phòng can thiệp tim mạch, kết quả chụp mạch vành cho thấy tắc ba nhánh mạch vành, trong đó có nhánh động mạch vành phải tắc hoàn toàn.
Ê kíp khẩn trương tiến hành can thiệp, đặt stent tái thông động mạch vành phải cứu sống bệnh nhân. Ngay sau can thiệp, tình trạng vẫn còn rất nguy kịch bởi bệnh nhân đã lớn tuổi kèm theo nhiều bệnh lý nền như hen phế quản, lao phổi, hội chứng Cushing do thuốc và suy nhược cơ thể. Sau khi chuyển về khoa Hồi sức tích cực (ICU), bệnh nhân tiếp tục được thở máy theo phác đồ, theo dõi huyết động, lọc máu liên tục.
Sau thời gian điều trị tích cực, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, kết thúc lọc máu và tháo rời các thiết bị y tế hỗ trợ, tình trạng hô hấp, huyết áp đã ổn định, không để lại di chứng và trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
Bác sĩ Công Vân cho biết với bệnh nhân nhồi máu cơ tim, thời gian là yếu tố vô cùng quan trọng. Trong đó can thiệp tim mạch là cách tốt nhất để giúp bác sĩ chạy đua với thời gian trong việc cứu sống người bệnh, đồng thời giảm đáng kể các biến chứng nặng về tim mạch sau này cho người bệnh. Kỹ thuật can thiệp mạch vành được đánh giá có độ khó cao, đòi hỏi bác sĩ phải giỏi chuyên môn, thao tác cẩn trọng, khéo léo.
Bình luận (0)