Cựu danh thủ Nguyễn Ngọc Thanh: Mong manh như ngọn nến trước gió

(TNO) ‘Có Ba Thà, Sáu Sự và nhà báo Hồ Nguyễn hỏi thăm’, đôi mắt đục mờ của cựu danh thủ bóng đá Nguyễn Ngọc Thanh bỗng sáng bừng lên, ông ú ớ như muốn nói gì đó rồi rất nhanh lại chìm vào cơn mê...

(TNO) ‘Có Ba Thà, Sáu Sự và nhà báo Hồ Nguyễn hỏi thăm’, đôi mắt đục mờ của cựu danh thủ bóng đá Nguyễn Ngọc Thanh bỗng sáng bừng lên, ông ú ớ như muốn nói gì đó rồi rất nhanh lại chìm vào cơn mê...

Cựu tiền vệ vang danh một thời Nguyễn Ngọc Thanh giờ đây đang phải nằm một chỗ sau cơn tai biến

Người đội trưởng tài hoa của ‘thế hệ vàng’ trước 1975

Giới túc cầu Sài Gòn và cả miền nam thời trước năm 1975 nhắc đến cái tên Nguyễn Ngọc Thanh (ông sinh ngày 28.3.1938) không ai không biết. Khi đó, giới hâm mộ bóng đá miền nam luôn tấm tắc mãi về chàng tiền vệ tài hoa với những cú sút xa tầm trên 20-25m rất “độc và hiểm” đã đem về tấm HCV SEAP Games đầu tiên năm 1959, HCV Merdeka 1966 và vô vàn những chiến tích oai hùng khác.

Khi đó, ông Thanh và những người đồng đội cùng thời như “lưỡng thủ vạn năng” Nguyễn Văn Rạng, “Mũi tên vàng” Nguyễn Văn Tư, Đỗ Thới Vinh, Trần Văn Nhung (tự Pierre), Hà Tam (tự Há)… đã tạo nên vô số những truyền thuyết đượm màu lãng mạn, thời Việt Nam đứng trong tốp tứ hùng châu Á (1960), đánh bại Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… là bình thường. Thậm chí, những quốc gia từ châu lục khác như Peru, Israel… cũng từng là bại tướng.

Bởi vậy, những cái tên như Nguyễn Ngọc Thanh, Phạm Văn Rạng, Đỗ Thới Vinh và sau này có thêm Nguyễn Văn Ngôn, Phạm Huỳnh Tam Lang nhiều lần được mời tham gia các trận đấu của tuyển ngôi sao châu Á do Cầu vương Lý Huệ Đường dẫn dắt.

Trong số những cái tên tài hoa đó, chàng lãng tử Nguyễn Ngọc Thanh là người nổi bật nhất, đã đánh gục trái tim biết bao cô gái Sài Gòn và các tỉnh lân cận bởi phong cách chơi bóng lịch lãm, tài tử nhìn phát mê...

Ngoài ra, cách sống nhẹ nhàng, nề nếp và chiếc băng đội trưởng tuyển quốc gia khi còn rất trẻ khiến ông nhanh chóng trở thành ngôi sao nhất nhì làng túc cầu miền nam khi đó.

Nguyễn Ngọc Thanh (đứng, thứ 2 từ phải qua) trong màu áo đội tuyển  - Ảnh chụp lại từ tư liệu

Thêm nữa, với khả năng viết, nói lưu loát 2 thứ tiếng Anh - Pháp và nét chữ rất tài hoa, ông còn gây "sát thương" đến cả nước ngoài, tạo ra giai thoại 2 người đàn bà một Việt Nam một Nhật Bản cùng thương ông.

Vợ ông là bà Nguyễn Bích Vân kể: “Hồi năm 1968 khi ông Thanh qua nhật Bản học bằng HLV FIFA, có một cô người Nhật Bản thương ổng lắm. Ổng qua đó học, cô ấy chăm lo cho ổng hết. Nhờ sự tiếp tế của cổ mà ông Thanh mới an tâm học hành mấy tháng trời bên đó. Cô này thương ổng đến mức sau này khi không còn hy vọng do ông Thanh không chịu, đến lúc lấy chồng còn phải nằng nặc xin phép ông rồi mới kết hôn với người kia.

Là đàn bà, biết chuyện người đàn ông của mình có dính líu chuyện tình cảm với người khác thì ai chả chạnh lòng, nhưng biết làm sao được bởi khi đó ổng một thân một mình ở bên kia người ta thương chồng mình, người ta chăm lo, tiếp tế cho ổng thay mình mà. Khi biết ổng không chịu người ta mình càng thương ổng hơn”.

Xót xa người hùng giữa cơn bạo bệnh

Từ lời kể và hướng dẫn của các cựu danh thủ bóng đá Sài Gòn, chúng tôi lần tìm đến thăm nhà danh thủ Nguyễn Ngọc Thanh, một căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm ở cuối một hẻm cụt đường Thích Quảng Đức, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Căn nhà nhỏ xíu với lối vào chật hẹp đó, nói như bà Nguyễn Bích Vân thì mua được năm 1995 là nhờ HLV lừng danh Karl-Heinz Weigang (cựu HLV trưởng tuyển Việt Nam) cho mượn tiền. "Đến lúc này cả nhà vẫn còn nợ ông thầy người Đức vài chục triệu đồng mà không biết làm sao trả nổi...", bà Vân bộc bạch.

Bà Nguyễn Bích Vân chia sẻ về chuyến đi Nhật Bản học làm HLV của ông Nguyễn Ngọc Thanh

Sức khỏe của ông Thanh đã bắt đầu yếu từ năm 2008 và có dấu hiệu suy nhược dần từ năm 2013, nhưng đến trước tết Ất Mùi này ông vẫn còn rất minh mẫn. Nói như người con trai Nguyễn Thanh Danh thì “mắt ông vẫn sáng như sao, rất tỉnh táo và trí nhớ còn rất tốt”.

Nhưng cơn tai biến quái ác đã quật ngã ông, biến người tiền vệ tài hoa, người hùng đem về tấm HCV SEAP Games đầu tiên và cũng là duy nhất cho bóng đá Việt Nam giờ đây đang phải vật lộn trong kiếp sống bán thực vật, chỉ có thể nằm một chỗ chờ con cái và vợ chăm sóc. Ông bị liệt nửa người, mắt mờ hẳn, lưỡi bị thụt vào không nói được và thần trí thì lúc tỉnh lúc mê…

“Ổng bị tai biến đợt 2, khi cấp cứu bác sĩ thấy yếu quá sợ vào bệnh viện chịu không nổi nên cho ổng uống thuốc thử chăm sóc ở nhà, nếu không hợp thì cho lên bệnh viện sau.

May sao thuốc vào lại hợp với ổng nên tình hình có dịu đi. Mọi người dọn dẹp phòng trên lầu, hướng cửa sổ nhìn ra hẻm, trải nệm riêng để ổng nằm cho thoáng mát. Nằm đó sạch sẽ, bác sĩ thường xuyên đến thăm cũng tiện”, bà Vân chia sẻ.


VIDEO: Cựu danh thủ Nguyễn Ngọc Thanh: Mong manh như ngọn nến trước gió

Người tiền vệ đội trưởng tài hoa ngày nào nay đang như ngọn đèn trước gió. Nói như người nhà ông Thanh, sau cơn tai biến ông sưng người, sưng mặt, bệnh chuyển qua tim, cũng suy thận rồi, cũng từng mổ ruột thừa rồi… nên yếu lắm.

Cũng vì vậy mà bác sĩ bảo ở nhà và phải theo dõi thường xuyên. May là dưới sự chăm sóc tận tình của con cháu, ông đã hồi lại được, nhưng vẫn còn rất yếu và nhất là thần trí đã suy rất nhiều.

Dưới sự tư vấn của bác sĩ, gia đình đã mua đệm nước để lót cho ông nằm. Phải là nệm nước, nếu không ông sẽ bị lở loét rất nguy hiểm. Bị liệt nửa người, thần trí mơ hồ, dù người teo tóp quắt lại và con cháu thường xuyên vệ sinh, xoa bóp nhưng cũng chỉ làm giảm nhẹ nguy cơ mà thôi.

“Chúng tôi đang tính vài ngày nữa khi ba khỏe hơn sẽ mời bác sĩ về khám. Do ba nằm lâu quá nên đầu gối phải bây giờ bắt đầu bị lở loét. Lo nhất là ông bị biến chứng tiểu đường thì rất nguy hiểm”, chị Nguyễn Bích Huyền, con gái út của ông thở dài.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh thời còn trẻ - Ảnh chụp lại từ tư liệu
“Chỉ mong Việt Nam có danh với thế giới”

Trong 3 năm từ 1967 đến 1969, FIFA quyết định mở 3 khóa HLV do ông Kramer đứng lớp tại châu Á. Sau khi Trần Văn Thông (Hai Thông) và Từ Bá Nhẫn đi học tại Malaysia năm 1967 nhưng không được cấp bằng, một năm sau ông Nguyễn Ngọc Thanh quyết định khăn gói qua Nhật Bản học huấn luyện để về truyền cho người Việt.

“Khi đó con út nhà tôi mới có 3-4 tháng. Mà bóng đá tài tử hồi đó làm gì có tiền như bây giờ đâu, trong khi ngân hàng Việt Nam Thương Tín cũng không ủng hộ. Vậy nhưng không suy nghĩ nhiều, ổng xin nghỉ không lương và qua Nhật học 3 tháng bên đó”, bà Bích Vân nhớ lại.

Khi đó do một số lý do ông Thanh qua Nhật Bản trễ. Ông vào lớp khi mọi người đã học được một tuần. Ấy thế nhưng rất nhanh, phần nhờ vốn ngoại ngữ tốt và cả… sự tiếp tế của người bạn Nhật Bản, ông Thanh đã theo kịp mọi người và hoàn tất xuất sắc khóa học HLV để trở thành HLV đầu tiên của Việt Nam có chứng chỉ do FIFA cấp.

Tấm bằng HLV FIFA đầu tiên của Việt Nam ghi tên Nguyễn Ngọc Thanh - Ảnh chụp lại từ tư liệu

Bà Vân cho biết: “Khi còn khỏe ổng chỉ có một tâm niệm là nâng cao thể thao Việt Nam lên nhưng không được. Tiếc nuối lớn nhất của ổng chỉ có vậy thôi. Năm 1969, ổng đi qua Nhật Bản học HLV với ông Kramer cũng là bởi ước nguyện đó.

Ổng muốn gặp người ta, học làm HLV để bóng đá Việt Nam có danh với thế giới. Chứ hồi đó ổng kể đi qua đó bạn học hỏi đến từ đâu ổng nói Việt Nam không ai biết hết, ổng phải kể là kế Campuchia thì người ta mới à ra. Ổng tức lắm, nên quyết lao vào học để về truyền bá kiến thức huấn luyện khi về nước”.

Chỉ tiếc, bởi những biến đổi thời cuộc mà tài năng của ông Thanh đã không phát huy được, kể cả lúc làm trợ lý đặc biệt cho HLV Weigang. Về sau này, điều đó trở thành tâm bệnh với những lần thở dài mà như lời kể lại của anh Nguyễn Thanh Danh là những cái lắc đầu “bọn nó đá không thật” mỗi kỳ SEA Games hay AFF Cup.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.