Cứu di tích thành Điện Hải

09/11/2016 15:12 GMT+7

Ủng hộ chủ trương di dời khỏi khu vực xung quanh di tích lịch sử quốc gia thành Điện Hải (TP.Đà Nẵng), người dân mong mỏi chính quyền địa phương 'nói là làm'.

Xứng tầm di sản thế giới
Với thiết kế thành cao, hào sâu cùng sự chỉ huy tài ba của danh tướng Nguyễn Tri Phương, trong lịch sử, thành Điện Hải là thành trì ngăn bước chân của liên quân Pháp - Tây Ban Nha khi lần đầu tiên nổ súng xâm lược VN. Đánh giá thành cổ là di tích đặc biệt quan trọng, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP cho rằng thành là một kiến trúc phòng thủ độc đáo với mô hình Vauban. Ngoài việc trở thành chứng tích của buổi đầu kháng Pháp, thành Điện Hải còn có “tuổi đời” đến gần 200 năm. “Đây là công trình phòng thủ còn lại có thể là độc nhất của cả nước còn nguyên vẹn với cả thành lẫn hào”, ông Hùng nhận định, di tích này có thể sánh ngang hoặc thậm chí hơn di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ.
Từ ý nghĩa đó, ông Hùng đã có văn bản đề nghị UBND TP.Đà Nẵng giải tỏa một số hộ dân ra khỏi khu vực chân thành Điện Hải với khoảng cách 2 m để bảo vệ di tích. “Tại cuộc họp rà soát các đồ án kiến trúc và quy hoạch trên địa bàn vào ngày 21.10 vừa qua, tôi tiếp tục có kiến nghị cần có giải pháp quyết liệt để bảo vệ di tích. Đó là thay vì di dời 38 hộ dân thì lãnh đạo TP quyết định di dời 54 hộ dân ra khỏi khu vực chân thành”, ông Hùng tỏ ra phấn khởi. Theo ông Hùng, sắp tới, sở sẽ tiến hành phối hợp với các ngành chức năng để giải tỏa các hộ dân và sẽ lập đề án trình Bộ VH-TT-DL xin khôi phục lại toàn bộ hệ thống tường, hào.
Chờ Thủ tướng phê duyệt báu vật 7 khẩu thần công
Sở VH-TT Đà Nẵng cho biết Hội đồng thẩm định của Cục Di sản văn hóa đã thông qua việc công nhận 7 khẩu thần công (trong số 11 khẩu được lập hồ sơ) thành Điện Hải là bảo vật quốc gia. Hiện hồ sơ đã được đệ trình và đang chờ Thủ tướng Chính phủ công nhận, phê duyệt. Như Thanh Niên đã thông tin, bộ sưu tập súng thần công tại thành Điện Hải không mang giá trị độc bản nhưng là bộ súng chiến đấu gắn liền với di tích và buổi đầu chống Pháp và nhiều ý nghĩa lịch sử khác.
Khi bảo vệ nguyên trạng xong, ngành văn hóa sẽ phát huy giá trị di tích bằng cách phục dựng, tái hiện các nghi thức, sinh hoạt, phòng thủ và sẵn sàng chiến đấu của chỉ huy lẫn binh lính triều Nguyễn trong thành. “Khi đó chúng tôi sẽ nghĩ đến việc trình UNESCO công nhận thành Điện Hải là di sản văn hóa thế giới”, ông Hùng thông tin.
Dân ngóng giải tỏa
Ngay sau khi có chủ trương di dời, PV Thanh Niên đã tiếp xúc với nhiều hộ dân đang sinh sống dọc tường thành phía tây và được biết họ đã nắm thông tin qua báo chí. Tuy nhiên, nhiều người dân sống tại khu vực này tỏ ra nghi ngại về tính khả thi của chủ trương này. Ông Võ Văn Thành (50 tuổi, nhà sát vách thành cổ) cho biết ông đồng tình cao với chủ trương của TP và sẵn sàng di dời nếu được áp giá đền bù thỏa đáng. Thế nhưng, khi nói về việc áp dụng vào thực tiễn, ông Thành tỏ ý nghi ngờ “chủ trương giải tỏa sẽ lại là… chủ trương”. Dẫn PV đến sát tường thành, ông Thành chỉ vào 2 điểm đánh dấu trên nền nhà rồi nói: “Nhiều năm qua, ngành chức năng đã có 2 lần khảo sát để giải tỏa. Lần đầu là giải tỏa phần cách chân tường 1,5 m, lần thứ 2 là 2 m nhưng rồi có thực hiện được đâu. Rồi lần này có làm được không. Tôi mong TP nói là làm chứ thế này mãi sao được?”.
Mẹ ông Thành là cụ Lê Thị Chanh (83 tuổi) cho rằng khi tiến hành giải tỏa, cụ bà mong sẽ được bố trí tái định cư ở những khu vực trung tâm TP tương đương vị trí đang ở. Cụ cũng mong TP sẽ quyết liệt thực hiện chủ trương này. Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP tỏ ra tin tưởng vào chủ trương chung: 20 năm qua, để chỉnh trang đô thị, chính quyền Đà Nẵng đã vận động, di dời 100.000 hộ dân và đã nhận được đồng thuận. Cho nên, bây giờ không lý gì mà 54 nhà dân lại không đồng thuận di dời. “Theo tôi, chủ trương đã có rồi thì sẽ thực hiện… Nếu có quyết tâm của lãnh đạo TP chắc chắn sẽ làm được. Lâu này, phong cách lãnh đạo của lãnh đạo TP là nói đi đôi với làm”, ông Hùng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.