Cựu điệp viên CIA nghi làm việc cho Trung Quốc ra tòa

07/02/2018 14:00 GMT+7

Jerry Lee bị tình nghi cung cấp thông tin cho Trung Quốc dẫn đến việc khoảng 20 điệp viên Mỹ bị giết hoặc bỏ tù trong nghi án lộ tin tình báo tồi tệ nhất trong nhiều thập niên

Đài CNN ngày 7.2 đưa tin luật sư của cựu điệp viên CIA gốc Hoa Jerry Lee khẳng định thân chủ mình không phải là gián điệp Trung Quốc.
Phát biểu trước báo giới, luật sư Edward MacMahon cho biết tại phiên tòa ở bang Virginia (Mỹ) ngày 6.2, ông khẳng định Lee là một người Mỹ trung thành với tổ quốc và từng phục vụ trong quân đội cũng như cho CIA.
Trong lần đầu tiên xuất hiện tại tòa, thẩm phán Ian Davis quyết định giam giữ nghi phạm cho đến phiên tòa tiếp theo vào ngày 19.3.
Luật sư đại diện chính phủ Mỹ Neil Hammerstrom cũng cho rằng nên tiếp tục giam giữ Lee vì nghi phạm này thường trú tại Hồng Kông và đe dọa an toàn hàng không.
Lee (53 tuổi), còn có tên khác là Chun Shing Lee và Zhen Cheng Li, bị bắt khi vừa đến sân bay JFK ở thành phố New York vào ngày 15.1.
Theo Bộ Tư pháp, Lee lớn lên ở Mỹ và từng nhập ngũ trước khi làm việc cho CIA vào năm 1994. Lee làm việc tại nhiều nơi ở nước ngoài trước khi rời CIA vào năm 2007 và sinh sống ở Hồng Kông.
Đến năm 2012, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) được lệnh bí mật điều tra hành lý của Lee khi ông này đến Mỹ và phát hiện nhiều tài liệu tối mật không được phép sở hữu.
Theo đó, các nhân viên tìm thấy 2 quyển sổ tay ghi chép thông tin mật, gồm tên thật và số điện thoại của một số nhân viên CIA ngầm cũng như một số cuộc gặp và các cơ sở bí mật của Mỹ ở nước ngoài.
Các nguồn tin cho hay Lee đang bị tình nghi cung cấp thông tin cho Trung Quốc dẫn đến việc khoảng 20 điệp viên Mỹ bị giết hoặc bỏ tù trong nghi án lộ tin tình báo tồi tệ nhất trong nhiều thập niên.
Theo tờ The New York Times, Bắc Kinh bắt đầu triệt phá các hoạt động tình báo của CIA một cách có hệ thống từ năm 2010, khiến giới chức Mỹ đau đầu vì các điệp viên giỏi nhất của họ lần lượt bị giết hoặc bị giam ở Trung Quốc trong nhiều năm sau đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.