Theo Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), nạn nhập lậu sừng tê giác, vảy tê tê, ngà voi... thời gian qua còn diễn biến phức tạp. Trong nước, một số loài động vật hoang dã (ĐVHD), kể cả những loài thú quý hiếm, đâu đó vẫn bị săn bắn, mua bán trái phép… Bên cạnh đó, công tác phòng chống tội phạm ĐVHD còn nhiều thách thức. Quản lý ĐVHD nguy cấp, quý hiếm tồn tại những bất cập do một số quy định còn chồng chéo...
Những con số nhức nhối
Quan sát của ENV cho thấy vào những năm 1990, VN được coi là nguồn cung cấp chính ĐVHD để phục vụ nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, khi các khu rừng của VN dần cạn kiệt ĐVHD, nước ta đã trở thành điểm trung chuyển để ĐVHD đi vào thị trường Trung Quốc.
Kể từ năm 2015 đến nay, gần 100 tấn ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê đã bị bắt giữ tại các cảng và sân bay lớn trên cả nước. Cùng thời gian này, 76 tấn ngà voi và vảy tê tê cũng đã bị tịch thu trong các vụ bắt giữ ở nước ngoài có điểm đến là VN. "Con số này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, phản ánh một tỷ lệ rất nhỏ khối lượng ĐVHD "trung chuyển" qua VN trong giai đoạn này", một cán bộ của ENV nhận định.
Cũng theo số liệu của ENV, VN hiện đang có khoảng 9.000 cơ sở nuôi thương mại ĐVHD đã được cấp phép và ước tính còn nhiều cơ sở hoạt động tự phát hoặc đang trong quá trình chờ cấp phép. Bên cạnh những cơ sở tuân thủ nghiêm túc về quy định nuôi, bảo tồn ĐVHD, cũng còn không ít cơ sở lợi dụng việc quản lý lỏng lẻo và thiếu sự giám sát hiệu quả của địa phương, cơ quan chức năng để thu lợi bất chính từ ĐVHD. Một số cơ sở đã và đang nuôi nhốt ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp trong một thời gian dài trước khi đăng ký với cơ quan chức năng, hoặc nuôi các loài không phải là loài được cấp phép...
Qua tìm hiểu tại các vườn quốc gia cũng như các đơn vị kiểm lâm, chúng tôi được biết nạn săn bắt ĐVHD vẫn diễn ra tại nhiều khu rừng. Trong khi đó, việc mua bán ĐVHD, hoặc những sản phẩm… liên quan đến ĐVHD trên các nền tảng mạng xã hội cũng diễn ra phức tạp. Điển hình như trên nền tảng Facebook, YouTube, việc rao bán mật gấu, cao hổ, cao khỉ… hoặc các dụng cụ bẫy thú rừng vẫn quảng cáo ồn ào, mặc dù đó là hoạt động vi phạm pháp luật.
Vậy công tác xử lý tội phạm về ĐVHD tại VN như thế nào? Phân tích những vụ án hình sự về ĐVHD được phát hiện trong những năm gần đây, có thể nhận thấy các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước vẫn tiếp tục thể hiện sự nhất quán và hiệu quả trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép kể từ thời điểm năm 2018 khi bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, việc phòng chống tội phạm ĐVHD vẫn còn nhiều thách thức. Quản lý ĐVHD nguy cấp, quý hiếm còn những bất cập do một số quy định chồng chéo...
Cần giải pháp căn cơ, hữu hiệu
Để bảo vệ, bảo tồn ĐVHD đòi hỏi phải có sự nỗ lực phối hợp và chiến lược toàn diện đồng thời từ nhiều phía. Là một trong những tổ chức xã hội đầu tiên về bảo tồn ĐVHD tại VN, với sứ mệnh đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho các loài ĐVHD cả ở VN và trên toàn cầu, ENV đã đưa ra một số điểm cần hành động cấp bách như sau: Nghiêm trị các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán ĐVHD trái phép; Nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa tội phạm về ĐVHD; Giảm thiểu nguy cơ bùng phát đại dịch trong tương lai do thói quen tiêu thụ và buôn bán ĐVHD; Nghiêm cấm mọi hình thức kinh doanh ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm; Tăng cường quản lý các cơ sở bảo tồn và các cơ sở nuôi ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm không vì mục đích thương mại; Chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi, nhốt gấu ở VN; Quy định và quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại; Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong xử lý vi phạm về ĐVHD; Tăng cường đấu tranh với loại hình tội phạm ĐVHD trên internet.
ENV cũng chỉ ra rằng trong những năm qua, VN đã ban hành, sửa đổi nhiều chính sách pháp luật về bảo vệ ĐVHD như luật Thủy sản năm 2017, luật Lâm nghiệp năm 2017 và luật Đa dạng sinh học năm 2008. Cùng với đó, thẩm quyền quản lý, bảo tồn ĐVHD cũng được giao cho Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT... Tuy nhiên, bên cạnh một số tiến bộ từ việc sửa đổi, bổ sung các khoảng trống chính sách, vẫn tồn tại không ít bất cập từ những quy định chồng chéo và sự phân giao trách nhiệm. "Cần đánh giá khách quan, toàn diện về việc ban hành và thực thi tất cả những quy định pháp luật liên quan đến ĐVHD nhằm đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của công tác bảo tồn các loài ĐVHD tại VN, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm", bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc ENV, nói.
Bình luận (0)