Cứu hộ động vật hoang dã: Chuyện 'thâm cung' ở khu cứu hộ

01/06/2023 07:30 GMT+7

Cứu hộ động vật hoang dã là công việc đặc biệt. Thân phận các loài thú và hoạt động cứu hộ là những câu chuyện thú vị mà không phải ai cũng biết.

Một số loài động vật hoang dã (ĐVHD) bị người dân nuôi nhốt cần phải giải thoát. Bên cạnh đó, các loài thú rừng được lực lượng kiểm lâm thu giữ từ bọn săn bắt, buôn bán… cũng cần có một nơi chăm sóc để chờ ngày tái thả vào rừng. Không ai khác, các trung tâm (TT) cứu hộ lãnh trách nhiệm này.

Cứu hộ động vật hoang dã: Chuyện 'thâm cung' ở khu cứu hộ - Ảnh 1.

Nuôi vì nhân đạo

Ông Khương Hữu Thắng, Phó giám đốc TT Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập, tha thiết mời tôi: "Nhà báo tới đây mới thấu hiểu công việc cứu hộ và thân phận của những loài ĐVHD được cứu hộ". Tôi tới nơi, bác sĩ (BS) thú y kiêm nhân viên chăm sóc thú Nguyễn Đức Trọng sốt sắng đưa tôi đi thăm TT cứu hộ. Chỉ vào một con khỉ, BS Trọng cho biết: "Bạn này đặt tên là Mệnh Bà vì già nhất ở đây. Mệnh Bà hơn 20 tuổi, gắn bó với TT gần 8 năm rồi".

Con khỉ cái già này gắn với câu chuyện rất xúc động. Hơn 20 năm trước, nó được người dân nuôi cùng với một cá thể khỉ đực. Chế độ ăn uống và môi trường nuôi nhốt không phù hợp trong suốt thời gian dài khiến sức khỏe cả hai rất tồi tệ. Lúc đó, người dân mới giao cho TT. Nhưng không như mong muốn, trên đường về TT cứu hộ, khỉ đực quá yếu đã từ giã cõi đời. "Điều này khiến Mệnh Bà lúc về TT bị sốc nặng. Mấy tuần liền nó bỏ ăn, leo lên cây nhìn xa xăm. Chúng tôi phải thường xuyên trò chuyện và tìm đủ cách để cho Mệnh Bà nguôi ngoai nỗi đau mất bạn đời. Hơn cả tháng sau, Mệnh Bà mới dần dần hòa nhập", BS Trọng kể.

Tôi hỏi, Mệnh Bà đã nuôi 8 năm ở đây rồi nhưng sao không tái thả. BS Trọng phân trần khi nó được chăm sóc béo tốt lên thì đem tái thả 3 lần rồi nhưng bất thành. Người dân nuôi nhốt quá lâu khiến nó mất tất cả bản năng hoang dã. Tuổi con khỉ lại quá già nên khi thả về rừng bị đồng loại đánh đuổi vì nó không còn khả năng giúp ích cho đàn. "TT sẽ tạo môi trường nuôi nhốt gần gũi với tự nhiên và chăm sóc tốt nhất cho Mệnh Bà từ nay đến cuối đời. Đó là việc làm nhân đạo", BS Trọng tâm sự.

Cứu hộ động vật hoang dã: Chuyện 'thâm cung' ở khu cứu hộ - Ảnh 2.

Đại bàng núi được nuôi tại TT cứu hộ Bù Gia Mập chuẩn bị tái thả

Cạnh chuồng của Mệnh Bà có hai chú khỉ "thương binh", một con cụt chi trước, một con cụt chi sau. Đây là hai con khỉ mắc bẫy được Hạt kiểm lâm Cát Tiên phát hiện. "Khi đưa hai con khỉ này về TT thì chỗ chân bị dính bẫy đã nhiễm trùng nặng, phải tháo khớp. Hai cá thể khỉ này cũng phải nuôi phúc lợi trọn đời. Con nào cũng cụt chi, việc chúng tự chăm sóc đã khó, huống gì khi thả về lại nơi hoang dã có sự cạnh tranh rất khốc liệt, chúng có thể bị loài khác hoặc đồng loại đánh đến chết", BS Trọng buồn bã nói.

Nỗ lực cứu hộ ĐVHD nhưng không thể tái thả chúng về lại với rừng buộc các TT cứu hộ phải nuôi phúc lợi là câu chuyện không chỉ ở VQG Bù Gia Mập. TT cứu hộ ĐVHD của VQG Cát Tiên đã cứu hộ khoảng 30 loài ĐVHD. Trong đó có nhiều con đã tái thả thành công, nhưng TT cũng phải nuôi dưỡng "an sinh" cho 180 cá thể. "Một số con thú khi về đây chúng tôi đã cố gắng hết sức phục hồi bản năng hoang dã của chúng nhằm trả về rừng xanh, nhưng thất bại. Chúng bị nuôi nhốt quá lâu, tuổi đời quá già hoặc thương tật, không thể phục hồi bản năng hoang dã. Do vậy, TT cứu hộ phải nuôi nhân đạo, dù gánh nặng chi phí ngày càng tăng", BS thú y Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.

Cứu hộ động vật hoang dã: Chuyện 'thâm cung' ở khu cứu hộ - Ảnh 3.

Cặp rái cá này là kết quả “se duyên” của TT cứu hộ

Chăm sóc đặc biệt, tìm bạn tình cho thú

Hầu hết các loài ĐVHD khi đưa về TT cứu hộ trong tình trạng thể chất và tinh thần rất tồi tệ. Trước khi phục hồi được bản năng hoang dã thì việc phục hồi sức khỏe, cải thiện tâm lý cho chúng phải được ưu tiên. Chỉ cặp niệc mỏ vằn, một loài chim thuộc họ hồng hoàng, ông Khương Hữu Thắng cho biết chúng được tiếp nhận từ một người dân ở TP.HCM cách đây 3 tháng. Do người dân nuôi nhốt trong môi trường chật hẹp, thiếu ánh sáng từ lúc nhỏ, lại cho ăn trái cây và cơm mà không bổ sung thịt, protein, lipid… nên chúng đánh mất bản năng hoang dã, gần như rụng hết lông. "Khi mới đem về TT, chúng xơ xác, lông chỉ còn loe ngoe, bị đủ thứ bệnh. Vì thế, ngoài việc cải tạo hệ sinh thái chuồng trại, TT phải nghiên cứu khẩu phần ăn phù hợp. Sau một thời gian, lông của nó mọc trở lại và mượt mà. Ngày xưa các bạn là Lọ Lem, còn bây giờ đẹp như công chúa rồi", BS Trọng hào hứng kể.

Cứu hộ động vật hoang dã: Chuyện 'thâm cung' ở khu cứu hộ - Ảnh 4.

Chú khỉ “thương binh”

Hàng xóm của niệc mỏ vằn là chú đại bàng thuộc nhóm IIB (nhóm nguy cấp, quý hiếm) do TT vận động một "đại gia" giao lại. Một số người thích nuôi đại bàng vì coi nó là một biểu tượng quyền lực. Dù họ giàu và có thể biết yêu thương nó nhưng việc nuôi nhốt tại gia cũng chẳng khác gì đẩy "chúa tể các loài chim" này vào cảnh tù đày. Đặc biệt, cách chăm sóc như đút ăn, xích lại… khiến chim đánh mất bản năng săn mồi, không thể bay. "Về đây, lúc đầu chúng tôi thả chuột, ếch vào chuồng, đại bàng vẫn đứng trơ ra. Nhờ kiên trì huấn luyện, nay chú đã biết săn mồi. Khả năng trả tự do cho chú đại bàng này rất khả thi", BS Trọng thổ lộ.


CẦN SỰ CHUNG TAY

Hiện nay kinh phí chăm sóc và xây dựng cải tạo chuồng trại để nuôi ĐVHD vì mục đích nhân đạo và nuôi chờ ngày tái thả của TT cứu hộ Bù Gia Mập đang thiếu hụt. Ông Khương Hữu Thắng cho biết TT cần xây thêm chuồng đủ tiêu chuẩn để nuôi thú, mỗi chuồng từ 50 - 100 triệu đồng, nhưng không có nguồn kinh phí. Vì thế, có lúc phải xót xa từ chối tiếp nhận thú do người dân giao. "Một số loài ĐVHD đang bị đối xử không đúng ngoài xã hội rất cần được cứu hộ, hoặc nuôi bảo tồn phúc lợi. Bởi vậy, rất cần mọi người chung tay để TT có điều kiện tiếp nhận nhiều ĐVHD. Các tài trợ sẽ được TT ghi danh trên những công trình xây dựng cứu hộ. Chắc chắn du khách và cộng đồng sẽ rất ngưỡng mộ sự đóng góp của mọi người trong việc đồng hành bảo vệ và bảo tồn các loài ĐVHD ngày càng cạn kiệt", ông Khương Hữu Thắng chia sẻ.

Chuyện tìm bạn đời cho những loài thú được cứu hộ cũng hết sức ly kỳ. TT cứu hộ VQG Bù Gia Mập được bàn giao một nàng khỉ đang tuổi dậy thì. "Khi đến tuổi động dục, nàng này bắt đầu "nổi loạn" phá chuồng trại, tấn công các vật nuôi trong gia đình và cả chủ nuôi. Nhưng, gia chủ nghĩ khỉ hư nên đánh. Càng đánh nó càng ức chế", BS Trọng giải thích. Đưa nàng khỉ này về chăm sóc một thời gian cho "xinh đẹp", người của TT phải đi tìm một chàng khỉ đực cũng đang bị người dân nuôi nhốt, rồi vận động chủ đưa về "se duyên" với nàng khỉ kia. "Hiện nay, cặp khỉ này đang sống hạnh phúc bên nhau", BS Trọng vui vẻ nói.

Đặc biệt, tại TT cứu hộ VQG Bù Gia Mập có gia đình vượn gồm 3 thế hệ. Năm 2013, TT cứu hộ một vượn cái. Vì nhiều lý do, con vượn này không thể tái thả. Đến tuổi dậy thì, cả TT đau đầu đi tìm bạn tình cho nó. "Rất may chúng tôi tiếp nhận được một chàng vượn đực xứng đôi vừa lứa với nàng vượn cái. Vui hơn là đôi vượn này đã sinh con và nay còn lên hàng ông bà vì đã có cháu", ông Khương Hữu Thắng cho biết.

 (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.