Cứu hộ động vật hoang dã: Ly kỳ chuyện thú hoang ở Cát Tiên

30/05/2023 08:09 GMT+7

Vườn quốc gia Cát Tiên có hàng trăm loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Hiếm nơi nào tại Việt Nam, con người có thể tiếp cận gần các loài thú hoang dã như ở đây.

Tôi định lên Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên 2 ngày để khám phá động vật hoang dã, nhưng ông Nguyễn Định Quốc Việt, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ (VQG Cát Tiên), bảo rằng chừng đó thời gian không đủ. Thế là tôi "nằm sòng" ở đây 3 ngày 2 đêm. Quãng thời gian đó đã giúp tôi có những trải nghiệm thật thú vị.

Cứu hộ động vật hoang dã: Ly kỳ chuyện thú hoang ở Cát Tiên   - Ảnh 1.

Tác giả trên đường vào Bàu Sấu

Vượn rừng về đánh thức

Tối hôm trước, tôi hơi "sa đà" với anh em kiểm lâm VQG Cát Tiên nên sợ thức dậy muộn. Nhưng, chàng kiểm lâm Lại Trung Kiên bảo rằng ở đây tầm 5 giờ 30 vượn ở trong rừng đã về hợp cùng những con trong khu cứu hộ hót vang trời đánh thức mọi người rồi. Đúng vậy, khi tôi còn "nướng" trên giường, bản tình ca gọi bầy của loài linh trưởng này đã vang lên rộn ràng, làm tôi bừng tỉnh.

Tôi vác máy ảnh đến khu cứu hộ sát bên phòng tôi nghỉ chỉ ước ao chụp được vài tấm ảnh của những cá thể vượn nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới này. Chụp ảnh thú hoang dã cần một máy ảnh có ống kính tele rất dài, trong khi đó ống kính máy ảnh tôi quá ngắn nên không tin sẽ có những bức ảnh cận cảnh về loài vượn quý.

Nhưng tôi rất bất ngờ khi nhìn thấy một gia đình vượn gồm 1 đực, 2 cái và 3 đứa con từ rừng về "thăm" đồng loại đang ở trong những chuồng cứu hộ. Vượn bố có bộ lông đen tuyền, chuyền thoăn thoắt trên cây như ninja. Vượn mẹ và các con màu lông vàng óng. Chúng thản nhiên, chẳng hề sợ sệt con người. 

"Đàn vượn này coi khu vực cứu hộ là lãnh địa của chúng, và chúng về đây cũng không bị con người đe dọa nên rất dễ gần. Thậm chí, nếu người nào vô ý cầm thức ăn trên tay có thể bị chúng cướp lấy", một nhân viên chăm sóc ở khu cứu hộ cho hay.

Cứu hộ động vật hoang dã: Ly kỳ chuyện thú hoang ở Cát Tiên   - Ảnh 2.

Chàng vượn có hai vợ về thăm đồng loại ở khu cứu hộ VQG Cát Tiên

QUANG VIÊN

Anh Nguyễn Văn Khánh, nhân viên Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật VQG Cát Tiên, còn tiết lộ một điều rất thú vị. Theo đó, vượn cái địu đứa con sơ sinh đang di chuyển qua lại bên ngoài các chuồng nuôi những chú vượn khác chính là cá thể trước đây được VQG Cát Tiên cứu hộ. 

"Trong thời gian được nuôi trong chuồng cứu hộ, cô vượn này đã "quyến rũ" chàng vượn từ ngoài rừng về kết đôi. Sau đó, chúng tôi thả cô vượn này về rừng để đôi bạn được gần nhau hơn. Đến nay thì chàng vượn lấy thêm "vợ hai" ngoài tự nhiên", anh Khánh cho biết. 

Tôi thắc mắc: "Theo đúng quy trình" thì loài vượn tuân thủ chế độ một vợ một chồng, nhưng tại sao ông bố vượn này có đến 2 vợ?", thì anh Khánh giải thích: "Do ngoài thiên nhiên hoang dã loài vượn còn rất ít nên có thể chúng phải tự thay đổi "quy trình", tập quán để duy trì nòi giống".

Tại VQG Cát Tiên, không chỉ có gia đình vượn "hớp hồn" tôi cũng như du khách. Vào ban đêm, ở những trảng cỏ cách khu nghỉ dưỡng VQG Cát Tiên không xa, ai cũng có thể quan sát được những loài động vật hoang dã khác như nhím, thỏ, chồn và nhiều nhất là nai đang kiếm ăn. Thậm chí, nếu may mắn còn có thể gặp cả đàn bò tót. Tuy các loài thú này không dạn dĩ như gia đình nhà vượn ở trên, nhưng trong hai đêm vác máy ảnh đi mai phục, tôi cũng có được những tấm ảnh khá cận cảnh về chúng. Hiện nay, VQG Cát Tiên đang có tour xem thú hoang dã hằng đêm với quãng đường 12 km đi và về trong thời gian khoảng 1 tiếng. Du khách sẽ được hướng dẫn viên đưa đến những trảng cỏ bạt ngàn, sinh cảnh lý tưởng của các loài thú để ngắm chúng. Đó là một trải nghiệm khó quên.

Cứu hộ động vật hoang dã: Ly kỳ chuyện thú hoang ở Cát Tiên   - Ảnh 3.

Đến VQG Cát Tiên dễ dàng nhìn thấy các loài thú móng guốc ngoài thiên nhiên hoang dã

Khám phá Bàu Sấu

Từ khu điều hành VQG Cát Tiên, tôi mượn xe máy của anh Bình ở Trạm kiểm lâm cơ động để chạy vào Bàu Sấu. Anh Bình cảnh báo: "Đường rất khó đi. Không phải tay lái lụa, chạy xe đường rừng cũng nguy hiểm lắm đó". Quãng đường vô Bàu Sấu khoảng 15 km. Lúc đầu, vượt 9 km đường bê tông xuyên rừng như đi thư giãn. Nhưng 6 km còn lại thật sự là "con đường đau khổ". Lối đi chỉ rộng hơn nửa mét, lởm chởm đá, quanh co, nhiều dốc… Có lẽ nói "nhảy xe" vô Bàu Sấu, đúng hơn là chạy xe.

Mất hơn 2 tiếng "nhảy cùng xe máy", tôi cũng tới Bàu Sấu. Anh Phạm Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Bàu Sấu, lấy chiếc thuyền nhỏ đưa tôi đi khám phá lãnh địa của cá sấu nước ngọt (còn gọi là cá sấu Xiêm), loài được sách đỏ IUCN xếp vào danh sách cực kỳ nguy cấp. Giữa cái nắng chói chang, cá sấu ngoi lên mặt nước lừ lừ bơi sát bên chiếc thuyền, khiến tôi rất phấn khích. Anh Tuấn cho biết ban đêm dùng đèn pin quét trên Bàu Sấu sẽ thấy rất nhiều cá sấu, bởi đôi mắt nó đỏ rực khi phản quang với ánh sáng đèn pin. "Quần thể đông đảo cá sấu ở Bàu Sấu bây giờ là thành quả của hơn 20 năm nhiều tổ chức, cơ quan ban ngành, những cán bộ chuyên trách phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm miệt mài bảo tồn", anh Tuấn tâm sự.

Theo anh Tuấn, ở đây hiện có khoảng 600 con cá sấu Xiêm sống cuộc sống hoàn toàn hoang dã. Nhưng vào khoảng năm 1992, loài này được tin là đã tuyệt chủng hoặc gần như tuyệt chủng trong tự nhiên. Dự án Phục hồi cá sấu nước ngọt tại Bàu Sấu khởi đầu với số lượng con giống do Công ty Cá sấu hoa cà và Thảo cầm viên (TP.HCM) tặng. Tuy nhiên, để đảm bảo phục hồi loài cá sấu nước ngọt thuần chủng cần phải chọn lọc, kiểm tra rất kỹ lưỡng.

"Lúc đó, Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế VQG Cát Tiên đã thu mẫu từ máu, da và vảy của những cá sấu này rồi gửi sang trường đại học Queensland và Canberra (Úc) phân tích, giám định ADN. Chỉ những cá thể cá sấu mang mẫu gien thuần chủng mới được tái thả tại Bàu Sấu", tiến sĩ Phạm Hữu Khánh, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế VQG Cát Tiên, cho biết.

Cứu hộ động vật hoang dã: Ly kỳ chuyện thú hoang ở Cát Tiên   - Ảnh 5.

Một cá thể cá sấu tại Bàu Sấu

Giai đoạn tiếp theo, từ 2000 - 2005, 60 cá thể cá sấu thuần chủng được huấn luyện bản năng hoang dã được tái thả lại Bàu Sấu. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng cá sấu trông thấy tại Bàu Sấu sau đợt tái thả này chỉ có 9 cá thể sống sót. "Chương trình phục hồi cá sấu nước ngọt tại Bàu Sấu phải trải qua những bước đầu đầy rẫy khó khăn. Song với nỗ lực không biết mệt mỏi, VQG Cát Tiên tự tin khẳng định lúc này chúng ta có thể tạm an tâm về sự nguy cấp của cá sấu nước ngọt, ít nhất là tại Bàu Sấu, Cát Tiên", tiến sĩ Khánh hào hứng nói. 

(còn tiếp) 

Cho đến nay, các nghiên cứu đã ghi nhận thú ở VQG Cát Tiên có 113 loài thuộc 38 họ và 12 bộ. Trong đó, có tới 43 loài thú đang bị đe dọa tuyệt chủng trong nước và trên toàn cầu với 38 loài có tên trong sách đỏ VN (năm 2007). Ngoài ra, còn có 18 loài và phân loài thú là đặc hữu cho tiểu vùng địa sinh học Đông Dương và đặc biệt có các loài và phân loài là đặc hữu Việt Nam như chà vá chân đen, hoẵng Nam bộ. Nhóm bò sát và lưỡng cư có 109 loài thuộc 17 họ và phân họ, 4 bộ. Trong đó, có 18 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam như: cá sấu Xiêm, trăn gấm, trăn đen… Các loài lưỡng cư có 3 loài được ghi tên trong sách đỏ VN như cóc mắt chân dài, cóc rừng...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.