Không còn nhà để về
Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM (khoảng năm 2000), anh Ngọc Em đầu quân vào làm ở một công ty địa ốc tại TP.HCM. Chàng kỹ sư trẻ vốn năng động này có cơ hội cùng đồng nghiệp tham gia xây dựng một số công trình lớn tại TP.HCM như: Tượng đài Thích Quảng Đức (ngã tư đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Nguyễn Đình Chiểu), Đền tưởng niệm các vua Hùng tại Q.9…
Anh Ngọc Em nhiều năm liên tục đín tết trong bệnh viện một mình Như Lịch
|
Thật không may, căn bệnh suy thận mãn anh mắc phải ngày càng trầm trọng, đã ở giai đoạn cuối. Thời gian đầu, anh vẫn cố gắng bám trụ ở những công trường. Một lần, khi đang thi công một tòa nhà, anh Em bị té từ cầu thang và bị đứt các gân đầu gối. “Họa vô đơn chí”, trong lần trượt ngã khác, anh bị chấn thương cột sống…
Sức khỏe tụt dốc, anh Ngọc Em không thể đi làm như trước. Trong khi đó, bệnh thận khiến anh phải gắn với cái máy lọc máu đến suốt đời. Hàng tuần, anh phải đến bệnh viện chạy thận nhân tạo ba lần, một lần kéo dài khoảng 3-4 giờ.
Tàn phế, tiền bạc không có, vợ bỏ đi…, anh Ngọc Em rơi xuống đáy tuyệt vọng nên đã tìm đến cái chết nhưng không thành. Gần 10 năm qua, sau những giờ chạy thận nhân tạo, nơi cư trú của anh Em là góc cầu thang, ghế đá hay hành lang một số bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Chợ Rẫy.
Trung bình mỗi tháng, anh Em phải đóng khoảng 4,7 triệu đồng các khoản chi phí ngoài phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế. Bác sĩ Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất giảm cho anh gần 1 triệu đồng/tháng tiền giường. Số tiền 3,7 triệu đồng/tháng còn lại (chưa kể ăn uống), anh Em gắng gượng cầm cự bằng việc hàng ngày đẩy xe lăn đi bán vé số. Thỉnh thoảng, một số bạn bè cũ, y bác sĩ, nhân viên căn-tin bệnh viện… giúp đỡ anh.
Đã nhiều năm rồi, anh Em không về quê (Thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) ăn Tết. “Ở dưới quê, tôi đâu có nhà để ở. Trước đây, ba mẹ tôi làm ăn thất bại, đã bán hết nhà cửa, ruộng vườn, hiện nay tá túc trong gia đình chị gái tôi. Ba tôi phải gửi bàn thờ về bên nội ở Tiền Giang… Mặt khác, tôi đi đứng khó khăn, cứ hai ngày/lần phải tới bệnh viện chạy thận nên cũng không tiện về quê”, anh Em tâm sự.
Một mình giữa đêm giao thừa
Anh Em cho hay đêm giao thừa năm ngoái, anh ngồi ở khuôn viên phía sau Bệnh viện Chợ Rẫy-nơi người dân đặt những tượng Phật, tượng Chúa-và thắp nhang cầu mong gia đình được sức khỏe, bình an. Một số bệnh nhân từng “ngủ lụi” như anh đều đã về sum họp với người thân, chỉ còn anh trơ trọi giữa không gian tĩnh mịch.
Theo anh Em, biết anh hay đau ốm và đi lại khó khăn, một số người tốt bụng (như anh Nguyễn Minh Thiện, nhân viên căn- tin; chị Hồng – người đi nuôi bệnh; bà Châu – bệnh nhân…) phụ giúp đẩy xe lăn đưa anh đi chạy thận hoặc đi tắm. Tuy nhiên, trong những ngày Tết, không còn ai bên cạnh, mọi thứ anh đều phải tự xoay xở.
“Buồn lắm, vắng lắm, nguyên khu đó người ta về hết trơn. Đêm ngủ có một mình, vừa nhớ nhà vừa thấy hơi rờn rợn bởi sự vắng lặng ở bệnh viện…”, cựu kỹ sư chia sẻ. Nằm trên chiếc băng ca cũ, anh Em ao ước mình có thể ngủ được một giấc thật sâu, cho quên đi nỗi cô đơn, cho đêm mau qua đi và trời lại sáng. Nhưng các căn bệnh: loãng xương, teo cơ, suy tim, viêm gan… ra sức hành hạ anh, khiến anh cứ trằn trọc, chập chờn.
“Cũng có lúc, mình nhớ về những ngày xưa lúc cả gia đình sum vầy đầy đủ. Vui vẻ trong ký ức chút thôi, rồi cuối cùng cũng phải trở về thực tại”, cựu kỹ sư bước vào tuổi 43 bộc bạch.
Với anh Ngọc Em, thực tại còn là việc ráng “lết” đi bán từng tờ vé số kiếm tiền chạy thận, ngay trong những ngày Tết. Anh nói rằng mỗi ngày qua đi là biết mình sống được thêm một ngày nữa trên đời, chỉ vậy thôi.
Bình luận (0)