Cựu lãnh đạo an ninh bị bắt của Kazakhstan có quan hệ gần gũi với Trung Quốc

15/01/2022 15:48 GMT+7

Cựu lãnh đạo an ninh quốc gia Karim Massimov của Kazakhstan bị bắt mới đây với cáo buộc phản quốc được cho là có kết nối gần gũi với Trung Quốc .

Ông Karim Massimov, một đồng minh gần gũi của cựu Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, đã thúc đẩy việc thắt chặt quan hệ với Trung Quốc trong thời gian dài.

REuters

Ông Massimov bị mất chức chủ nhiệm Ủy ban An ninh quốc gia Kazakhstan hồi tuần trước và bị bắt với cáo buộc phản quốc vào ngày 6.1, trong lúc biểu tình bạo lực lan rộng khắp nước này, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Hiện không có thông tin chi tiết về hoàn cảnh ông bị bắt, chính phủ Kazakhstan chỉ công bố vụ bắt giữ ông Massimov 3 ngày sau đó.

“Cánh tay Trung Quốc”

Ông Massimov được xem là đồng minh thân cận của cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev, người được cho là vẫn còn nhiều ảnh hưởng kể từ khi ông rời nhiệm sở vào năm 2019, sau khi lãnh đạo Kazakhstan trong gần 30 năm. Ông Massimov còn được xem là một “cánh tay Trung Quốc trong chính phủ Kazakhstan”, theo SCMP.

Ông Massimov bắt đầu làm cố vấn pháp lý tại một văn phòng thương mại Liên Xô ở Trung Quốc vào năm 1991. Sau khi Liên Xô tan rã, ông trở về Kazakhstan và đứng đầu ban quan hệ kinh tế đối ngoại thuộc bộ lao động. Sau đó, ông được điều đến Urumqi, thủ phủ Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, để làm chuyên viên cấp cao tại văn phòng thương mại Kazakhstan từ năm 1992-1993. Ông từng học tiếng Hoa tại Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh và học luật quốc tế tại Đại học Vũ Hán.

Ai đứng sau hỗn loạn tại Kazakhstan thời gian qua?

Sau khi rời khỏi Tân Cương, ông Massimov tiếp tục dẫn đầu các dự án cơ sở hạ tầng và ngân hàng trong thập niên 1990, quản lý Nhà Thương mại Kazakhstan ở Hồng Kông và sau đó là văn phòng mới của ngân hàng Halyk Bank ở Bắc Kinh. Lúc đó, ông Massimov gọi việc mở văn phòng mới của Halyk Bank là “bằng chứng của các mối quan hệ kinh tế và thương mại gần gũi giữa Kazakhstan và Trung Quốc”, theo SCMP dẫn lại thông tin do Tân Hoa xã đưa vào năm 1999. Halyk Bank lúc đó là ngân hàng lớn nhất ở Kazakhstan, do con gái và con rể của ông Nazarbayev làm chủ.

Đến năm 2000, ông Massimov được bổ nhiệm làm bộ trưởng liên lạc và vận tải Kazakhstan. Với vị trí này, ông đã đề xuất Nga và Trung Quốc nên xây dựng một tuyến đường sắt chở hàng kết nối một cảng ở phía đông của Trung Quốc với thủ đô Minsk của Belarus và các cảng ở phía tây châu Âu, thông qua Kazakhstan.

Thắt chặt kết nối

Ông Massimov giữ vị trí bộ trưởng khoảng một năm và thăng tiến nhanh chóng, trở thành phó thủ tướng từ năm 2001-2003. Trong lúc làm phó thủ tướng, ông đã xúc tiến việc đưa Kazakhstan trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bằng cách “điều phối chặt chẽ” mối quan hệ giữa nước này với Trung Quốc, theo SCMP. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng, như khu thương mại tự do, cũng đã được thảo luận với Bắc Kinh trong lúc ông Massimov làm phó thủ tướng.

Ông Karim Massimov, khi còn làm thủ tướng Kazakhstan, và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh trong năm 2015

Chụp Màn Hình SCMP

Sự kết nối của ông Massimov với Trung Quốc càng thắt chặt hơn khi ông lên làm thủ tướng Kazakhstan hai lần, từ năm 2007-2012 và từ 2014-2016. Trong các chuyến thăm Trung Quốc, ông Massimov đã ký thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực từ tài chính, nông nghiệp đến năng lượng, theo SCMP. Ông Massimov cũng đã bảo vệ Bắc Kinh trước những quan ngại rằng tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực có thể đe dọa nền độc lập của Kazakhstan, với lập luận quốc gia Trung Á này có thể cân bằng các lợi ích của mình giữa Trung Quốc và Nga.

Dấu ấn lớn của cựu Tổng thống Kazakhstan

Kazakhstan đã dựa vào các khoản vay từ Trung Quốc trong đợt suy thoái năm 2008 và gần đây hơn, nước này tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Vào năm 2014, chính phủ Kazakhstan đã phát động chương trình nâng cấp các con đường và đường ray xe lửa trong nước. Ông Massimov ca ngợi chương trình đó như là phần bổ sung cho kế hoạch liên quan sáng kiến Vành đai và Con đường, và trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2015 của ông, hai bên đã ký các thỏa thuận với tổng trị giá hơn 23,6 tỉ USD, theo SCMP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.